Tái thiết sau bão lũ: Học sinh vững bước tới trường

GD&TĐ - Bão Yagi đi qua khiến nhiều gia đình giáo viên, học sinh các huyện Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang) gặp khó khăn bởi thiệt hại kinh tế.

Học sinh Bắc Giang trở lại trường học sau bão lũ.
Học sinh Bắc Giang trở lại trường học sau bão lũ.

Vậy nên, tái thiết cuộc sống vật chất, tinh thần cho thầy trò vùng cao, tạo động lực vững bước tới trường, thi đua dạy tốt - học tốt đang được địa phương đặc biệt quan tâm.

Tiếp sức cho thầy trò vùng lũ

Nước ngập sâu, địa bàn rộng khiến nhiều học sinh ở xa trường bị chia cắt, không di chuyển được. Khi bão tan, Ban giám hiệu Trường THPT Lục Ngạn số 1 (huyện Lục Ngạn) đã liên hệ với chính quyền các xã và gặp trực tiếp giáo viên để nắm bắt tình hình, sức khỏe của thầy trò các lớp.

“Để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành khẩn trương tổ chức khôi phục sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, trong đó quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ người dân tái sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nghiên cứu, có thể ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương phù hợp với quy định của pháp luật để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão”, ông Nguyễn Văn Gấu - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh.

Theo thầy Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 1, bão lũ khiến nhiều gia đình thầy, cô giáo và học sinh thiệt hại nặng nề. Có nhà bị ngập sâu, nước cuốn trôi hết sách, vở.

“Nhà trường đã tổ chức đợt quyên góp hỗ trợ các thầy, cô bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Gia đình nhà giáo bị nước ngập hỏng hết chăn chiếu, đồ dùng, đã được nhận hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, Trường THPT Nguyên Hồng (TP Bắc Giang) phát động hỗ trợ 1.300 quyền vở và 30 hộp bút cho các học sinh khó khăn…”, thầy Thi cho hay.

Ngày đầu trở lại lớp, có tới 45 học sinh của Trường THPT Lục Ngạn số 1 phải nghỉ học do đường đi lại khó khăn hoặc các em phải phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa. Đến buổi thứ 2, thứ 3, tình hình dạy và học cơ bản trở lại bình thường. Đến nay, nhà trường đã bố trí học bù xong, mỗi buổi không quá 3 tiết.

Biết trước sức ảnh hưởng của cơn bão, nhà trường đã phối hợp với Công an huyện Lục Ngạn tổ chức buổi ngoại khóa tập trung về giáo dục pháp luật. Trong đó, có lồng ghép chuyên đề tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… Các thầy cô chủ nhiệm và Đoàn Thanh niên còn chia sẻ kinh nghiệm phòng tránh bão lũ cho các em, tránh tâm lý chủ quan.

Bà Giáp Thị Minh Trâm - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn cho biết, khi trường lớp đảm bảo an toàn, sạch sẽ, các trường đã đón học trò trở lại. Sau trận lũ lịch sử, tinh thần yêu thương, gắn bó giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh được thể hiện rõ nét qua sự đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn trong thiên tai. Do vậy, dù mưa bão khắc nghiệt nhưng tổng thiệt hại về cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT huyện Lục Ngạn chỉ khoảng 4 tỷ đồng.

Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành GD-ĐT huyện Lục Ngạn đề ra nhiều phương án chủ động, từ cắt cử người, phân chia rõ ràng nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa. Các trường cắt tỉa cây cao, gia cố những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như cửa sổ, mái nhà.

Qua nắm bắt, các trường khắc phục nhanh, ráo riết và có hỗ trợ bước đầu cho các học sinh, giáo viên bị thiệt hại bất khả kháng. Bài học kinh nghiệm được chỉ ra là các trường có nhà cao tầng thì di chuyển sớm trang thiết bị dạy học và đồ dùng lên tầng cao; cắt tỉa cành cây cao từ sớm, gia cố tường bao; khi đảm bảo tuyệt đối an toàn về cơ sở vật chất mới đón học sinh quay lại trường.

nganh-giao-duc-bac-giang-tai-thiet-sau-bao-lu-2-7658.jpg
Ông Chu Bá Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Động.

“Chúng tôi chỉ đạo quyết liệt các trường phải có kế hoạch kê dọn sách vở, bàn ghế lên tầng hai hoặc tầng cao hơn, giảm tối đa thiệt hại về máy móc, trang thiết bị dạy học. Song vẫn có Trường Tiểu học Quý Sơn số 2 thiệt hại nặng tới 700 triệu đồng vì sập mái vòm ở sân trường, tốc mái nhà 3 tầng mới xây…

Nhiều trường ngập lụt nặng như Trường Tiểu học Tân Mộc (đổ hành lang), Trường THCS Nam Dương (bay nóc, biển cổng trường). Để đón học sinh đến trường, đảm bảo an toàn, sạch sẽ, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường huy động nhân lực dọn dẹp, kiểm tra các vị trí không an toàn…”, bà Trâm cho biết.

Với kinh phí huy động xã hội hóa và nguồn lực dự phòng, các nhà trường đang khắc phục cơ bản thiệt hại sau bão lũ. Trước đó, đến ngày 9/9, học sinh cả huyện vẫn nghỉ học. Sang ngày 11/9, các trường đã đón học sinh trở lại, ghi nhận cuối tháng 9 thì các trường đã đảm bảo 100% sĩ số.

nganh-giao-duc-bac-giang-tai-thiet-sau-bao-lu-3-6821.jpg
Thầy Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 1.

“Vượt nắng thắng mưa”, chạy kịp giáo trình dạy học

Ông Chu Bá Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Động cho biết trong suốt hơn 20 năm làm việc tại huyện, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến trận gió lớn, mưa to như vậy. Đặc thù Sơn Động là cứ mưa lớn thì nước ở thượng nguồn từ tỉnh Lạng Sơn đổ về. Một số nhà dân, trường học chỉ chừng một tiếng sau đã bị nước dâng cao lên 1,5m.

Tiếp nhận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp và trên Zalo, yêu cầu các trường tập trung nhân lực phòng chống bão lũ.

Sáng 6/9, trước khi bão về, học sinh vẫn đến trường bình thường. Đến chiều, các thầy cô được huy động dọn dẹp, chằng chéo, gia cố cửa sổ và cắt tỉa cây cao, đồng thời nhắc nhở học sinh khi mưa to phải ở nhà đảm bảo an toàn cũng như khuyến cáo phụ huynh không cho các em đi đâu, ở nhà phòng chống bão. “Chúng tôi quán triệt thầy cô trực ban duy trì quân số tại trường, nhờ vậy, ngành không có thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản thì thống kê có 31 điểm trường có cây đổ, ngập nước, tốc mái tôn…”, ông Hưng cho hay.

Để đón học sinh đi học lại sau bão, Phòng yêu cầu các trường, nhất là nơi ngập nước, chưa dọn dẹp xong hậu quả mưa bão, chưa đảm bảo an toàn hoặc số xã bị chia cắt, hư hỏng, đổ mái vòm, không có sóng điện thoại thì chưa đón các em trở lại trường. Đến ngày 13/9, 100% học sinh đi học trở lại. Việc học trở lại chậm do nhiều trường nằm ở xã bị nước lũ dâng cao chia cắt, thượng nguồn liên tục đổ nước về hoặc có thôn đặc thù phải di chuyển qua tràn ngầm.

Lãnh đạo huyện Sơn Động tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó có Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động kiểm tra cơ sở vật chất, thống kê thiệt hại để có phương án xử lý. Qua thống kê, nhiều trường sập mái vòm như Trường Mầm non Hoa Sữa, Trường Mầm non thị trấn Tây Yên Tử số 1 và Trường Tiểu học An Lạc…

Sau đó, lực lượng công an, bộ đội được huy động, nhanh chóng hỗ trợ thầy, cô dọn dẹp vệ sinh trường, lớp. Về thiệt hại, có 18 trường phải có hỗ trợ cấp bách như tường đổ, tốc mái tôn các nhà, lớp học, nếu tiếp tục mưa sẽ gây dột nước, rò rỉ điện, có trường tốc trần nhựa, trần gỗ…

“Đến ngày 17/9, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường có tường bao nghiêng nguy cơ đổ, đưa vào danh mục hỗ trợ. Một số trường đang thực hiện sửa chữa cũng đề xuất trình HĐND huyện Sơn Động ban hành chính sách hỗ trợ. Nhiều gia đình ngập lụt mất hết tài sản và giáo viên bị thiệt hại được hỗ trợ ngay”, ông Hưng cho hay.

Ngày 26/9, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) tổng kết công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, mặc dù đã triển khai các giải pháp từ sớm, từ xa song do bão số 3 quá mạnh, sức tàn phá lớn nên ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Bão kèm theo mưa lớn nên đã làm một số người dân thương vong cũng như gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân và chủ yếu là thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại về tài sản ước khoảng 5.000 tỷ đồng.

Kỳ trước: Tái thiết sau bão lũ: Thầy, trò 'trắng đêm' chống lũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thuốc lá điện tử len lỏi vào học đường

Thuốc lá điện tử len lỏi vào học đường

GD&TĐ - Thuốc lá điện tử đang trở thành trào lưu của giới trẻ và “xâm nhập” vào nhiều trường học, gây ảnh hưởng xấu tới lối sống, sức khỏe của học sinh.