Tái thiết sau bão lũ: Thầy, trò 'trắng đêm' chống lũ

GD&TĐ - Không chỉ ảnh hưởng tới hoa màu, cây ăn quả của người dân, mưa bão khiến nhiều trường học bị tốc mái, hư hại, cây đổ… ngập sâu trong nước.

Đồ dùng dạy và học của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lục Ngạn được di chuyển tới nơi an toàn khi bão về.
Đồ dùng dạy và học của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lục Ngạn được di chuyển tới nơi an toàn khi bão về.

Trong bão lũ bồi vun tình đoàn kết, trách nhiệm cộng đồng và cả những câu chuyện cảm động về tình thầy trò trong ngày chạy lũ.

Trường học chìm giữa “biển nước”

Đã gần 1 tháng sau bão Yagi, song thầy trò Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn chưa thể quên hình ảnh “biển nước” tràn khắp quốc lộ 31. Rồi nước ngập nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Ngạn, trong đó toàn bộ tầng 1 của nhà trường “ngâm mình” trong nước lũ.

Mở đầu câu chuyện, thầy Nguyễn Minh Vỹ - Giám đốc Trung tâm GDTX-GDNN huyện Lục Ngạn nhớ lại nỗi kinh hoàng khi bão quét qua. Chiều 6/9 (thứ Sáu), lãnh đạo UBND thị trấn Chũ và UBND huyện Lục Ngạn đã trực tiếp chỉ đạo, cảnh báo, nhận định lũ to và có phương án cho học sinh học hết buổi sáng rồi về nhà nghỉ tránh bão. Trước đó, trung tâm đã có những phương án chuyển đồ dùng học tập lên vị trí trên cao để tránh ngập.

Từ chiều tối 6/9, thầy cô trung tâm với sự hỗ trợ của một số học sinh đã chuyển được 200 máy may công nghiệp (học cụ dạy học) lên tầng 2 và khoảng 60 máy may ở tầng 1. Đến 20 giờ tối cùng ngày, khi công việc hoàn thành tương đối, các em học sinh tình nguyện xung kích mới về nhà. “Đây là các em nhà gần, trong đội thanh niên tuyển chọn, có sức khỏe, toàn bộ là nam giới...” - thầy Vỹ chia sẻ.

Sáng hôm sau (7/9), khi thấy nước sông Lục Nam lên cao, nhà trưởng phải nhờ lực lượng bộ đội của Sư đoàn 325 với khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 10 giáo viên mang 20 tấn thiết bị như mô hình ô tô tới nơi an toàn hoặc chuyển lên thùng xe ô tô bán tải đến gửi ở khoảng sân cao ráo của UBND huyện Lục Ngạn. Đến 16 giờ chiều cùng ngày 7/9, nước đến sân là công việc dừng lại. Buổi trưa, buổi tối hôm đó, các thầy cô và đội tình nguyện xung kích phải ăn cơm hộp hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long.

“Gần 20 năm gắn bó ở trường, chứng kiến cuộc chạy lũ lịch sử năm 2008 nên có kinh nghiệm. Vì thế ngay khi có cảnh báo, chúng tôi có kế hoạch “chạy lũ” từ sớm, không dám chủ quan, lơ là. Ấy vậy mà vẫn thiệt hại tài sản khoảng 100m2 tường vây gần khu vực sông và ngập 3 phòng học thực hành” - thầy Vỹ chia sẻ.

Dù ngôi nhà của gia đình mình cũng bị ngập nước nhưng thầy Vỹ vẫn bám trường trực suốt 5 ngày, không về được. Hằng ngày, có lực lượng chức năng hoặc bà con tiếp tế đồ ăn, nước uống song thầy trò vẫn phải ăn mì tôm trong hai hôm đầu do nước lớn khó tiếp cận. Ngay khi nước rút, nhà trường huy động toàn bộ học sinh nam và các thầy khẩn trương dọn dẹp.

thay-tro-trang-dem-chong-lu-1-1077.jpg
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lục Ngạn ngập sâu trong nước do mưa lũ sau bão Yagi.

“Đã trải qua nhiều trận lũ, tôi xác định tâm thế chuẩn bị từ sớm, có kế hoạch rõ ràng, không để bị động, có 11 thầy giáo phải trực ở trường, chạy chuyển đồ từ khi mới ảnh hưởng của gió. Tinh thần là huy động 100% học sinh nam. Các em làm việc rất có trách nhiệm. Cả thầy trò đều hết mình chạy lũ, bảo vệ tài sản chung, không ngại vất vả, khó khăn”, thầy nói.

Thầy Vỹ nhớ lại, buổi trưa trước ngày lũ về, loa phát tình hình lũ bão liên tục để học sinh về nhà ngay, đảm bảo an toàn. Các em nhà gần trường trong khoảng cách dưới 5km được huy động ở lại xung kích hỗ trợ. Trường đã báo các thầy cô chủ nhiệm thông báo gia đình, để gia đình yên tâm và đảm bảo an toàn cho các em. Có những lúc gián đoạn liên lạc, ban giám đốc nhắn thầy cô chủ nhiệm cập nhật, thông báo lịch hoạt động đến từng học sinh.

“Có những lúc, tôi không thể nào liên lạc được với người nhà dù cách trường có 2km. Chỉ biết vợ con ở nhà đã chuyển đồ an toàn chứ cũng không thể chạy về nhà lo việc vì còn trực chuyển đồ cho nhà trường. Sau khi nước rút, ngày 9/9 và 10/9, khối lượng công việc dọn dẹp sau mưa bão rất lớn.

Nhưng thầy trò nhà trường và lực lượng quân đội, công an quyết tâm cao hơn nước lũ. Mỗi người một việc theo sắp xếp, tích cực dọn dẹp bùn đất, cố gắng xúc từng gầu đất rồi huy động cả bể cứu hỏa để bơm nước rửa. Sau đó, có một nhóm còn sang chùa sát trường hỗ trợ dọn rửa”, thầy Vỹ kể lại.

thay-tro-trang-dem-chong-lu-4-8665.jpg
Biển cổng trường THCS Nam Dương được thay mới, việc học tập đã trở lại bình thường sau bão.

Dọn dẹp bùn đất bủa vây sau lũ

Trực tiếp di chuyển đồ dùng học tập lên tầng 2 trường, thầy Nguyễn Công Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung tâm GDTX-GDNN huyện Lục Ngạn tâm sự, ngay khi nhận công văn hoả tốc của Sở GD&ĐT Bắc Giang về phương án phòng chống bão số 3, Đoàn Thanh niên đã tham mưu với Ban giám đốc thành lập đội xung kích gồm 45 thành viên là giáo viên và học sinh nam ở khu vực không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, nhà gần, có sức khoẻ tốt.

Đội xung kích là lực lượng ứng trực từ tối 6/9, ăn ngủ tại trường cho đến khi nước rút. Các thiết bị dạy học rất nặng, khó vận chuyển, nhà trường phải huy động người dân mang thêm máy nâng, máy cẩu chuyển lên thùng xe tải, ô tô bán tải, đề phòng xảy ra lụt là dời chuyển đi kịp thời. Toàn bộ thiết bị máy may công nghiệp, bàn ghế, đồ cơ khí, điện tử… được đưa lên các tầng trên nên không có thiệt hại.

“Chúng tôi có phương án ứng phó khi nước lên, sẵn sàng cắt cử người để chuyển đồ tiếp lên. Mức nước ngập cao nhất là 2m, gần hết tầng 1. Thầy trò đồng lòng, chuẩn bị tâm lý và cả việc ăn ở, cắt cử người luân phiên thường trực, kịp thời xử lý khi nước lũ lớn. Qua cơn bão lũ, tôi thấy các em rất đoàn kết, nhiệt tình, thể hiện tinh thần tuổi trẻ, yêu trường yêu lớp, vượt qua khó khăn vì công việc chung”, thầy Huy xúc động bày tỏ.

Em Nguyễn Đình Chiểu, lớp 11A2, Trung tâm GDTX-GDNN huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Khi được thầy báo lên trường hỗ trợ chuyển đồ, em chỉ kịp nói với bà rồi vội vã đi ngay, chẳng kịp thay quần áo. Hôm đầu, gió rất to, nước chưa ngập nhưng thầy trò đã kịp vận chuyển bàn ghế, máy may, tivi. Dù rất mệt nhưng các thầy luôn động viên và cùng trò lao vào làm việc. Qua đợt này, em thấy yêu trường hơn và tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện, xung kích”.

Năm nay, trung tâm có 1.651 học sinh thuộc 11 mã ngành đào tạo. Những em thuộc diện con đồng bào, hộ nghèo, người dân tộc sẽ được hỗ trợ về chi phí học tập và được miễn học phí theo quy định, riêng khối 10 có khoảng 600 chỉ tiêu. Qua rà soát, có 41 học sinh của Trung tâm GDTX-GDNN huyện Lục Ngạn gia đình bị thiệt hại nặng, có nhà tốc mái, đổ nhà.

Trung tâm đã vận động các nhà tài trợ hỗ trợ cho gia đình các em tiền và nhu yếu phẩm. Trung tâm tiếp tục kêu gọi hỗ trợ học sinh ướt sách giáo khoa, vở viết, nước uống sau lũ. Trở lại trường học nhưng học sinh cứ sáng học chiều cắt cử nhau lao động dọn dẹp, vì số lượng bùn đất rất lớn, “sờ đâu cũng có bùn đất”.

Tại Trường THCS Nam Dương (huyện Lục Ngạn), thầy Nguyễn Hải Yên - Phó Hiệu trưởng chia sẻ, khi tiếp nhận thông tin dự báo về bão, Ban giám hiệu đã có kế hoạch cho học sinh nghỉ sớm. Cơn bão gây thiệt hại nặng về về cơ sở vật chất, cổng trường bị đổ bay theo bão, mái tôn để che nắng che mưa lật ngược lên nóc nhà điều hành.

Qua tìm hiểu của phóng viên, phần lớn gia đình học sinh Trường THCS Nam Dương đều gắn bó, phát triển kinh tế từ nông nghiệp với cây ăn quả, trong đó chủ yếu vải thiều, bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi). Bão đi qua để lại nhiều khó khăn, song ngày đầu trở lại trường (11/9) thầy trò Trường THCS Nam Dương vẫn tích cực nỗ lực thi đua dạy tốt - học tốt.

“Nhà trường triển khai việc dạy bù kiến thức cho học sinh ngay tuần đầu đi học trở lại. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống học sinh, giáo viên để có những hỗ trợ kịp thời, động viên tinh thần để thầy trò cùng thi đua dạy tốt - học tốt, hoàn thành chương trình năm học, trước mắt là thi đua lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây…” - thầy Yên tin tưởng.

Kỳ cuối: Tái thiết sau bão lũ: Học sinh vững bước tới trường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ