Thầy trông trẻ trên non cao: Lời ca từ đỉnh núi

Sáu thầy giáo dạy ở các điểm trường mầm non xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) mà tôi đã gặp là những điều gần gụi, mát lành và bình dị nhất trên vùng Tây Bắc.

Thầy trông trẻ trên non cao: Lời ca từ đỉnh núi
Thầy trông trẻ trên non cao: Lời ca từ đỉnh núi - Hình 1

Thầy Giàng A Ly dạy trẻ học múa.

Múa dẻo, hát hay

Buổi trưa, lớp mầm non 4 – 5 tuổi của điểm Trường Tống Ngoài, Trường mầm non Hoa Sen (Túc Đán, H.Trạm Tấu, Yên Bái) im phăng phắc. Nhìn qua khung cửa, thấy một người đàn ông ngồi thu lu trên ghế cạnh dãy phản trên có 36 đứa trẻ đang say ngủ. Thi thoảng, người đó lại khẽ khàng kê lại gối, ém thẳng tay chân bọn trẻ ú ớ ngủ mê cựa quậy.

Đó là thầy giáo Thào A Tủa, năm nay 43 tuổi nhưng đã có thâm niên 23 năm dạy học, trong đó 2 năm dạy mầm non. Nhìn mặt trẻ vậy, nhưng Tủa đã có 3 con và cậu con trai cả 22 tuổi đã lấy vợ sinh con, đôn Tủa lên chức ông nội. “Hết giờ dạy học ở trường, về nhà mình lại được giao chăm sóc cháu nội”, thầy Tủa cười và bảo: “Muốn bọn trẻ nghe lời thì phải yêu thương chúng nó như con cháu trong nhà thôi”.

Thầy trông trẻ trên non cao: Lời ca từ đỉnh núi - Hình 2

Thầy giáo Thào A Tủa, giáo viên điểm Trường mầm non Tống Ngoài (Túc Đán, Trạm Tấu) chăm sóc giấc ngủ cho trẻ.

Đầu giờ chiều trẻ dậy, thầy tíu tít lau mặt mũi chân tay cho chúng, dọn các tấm phản ngủ và chăn gối vào góc phòng sạch sẽ, xong mới bắt đầu hoạt động học buổi chiều. Đứng trước hàng trẻ xếp thành hình móng ngựa, thầy giáo khẽ khàng: “Hôm nay chúng mình cùng học hát bài Hoa bé ngoan. Các con phải chăm ngoan, vâng lời cha mẹ để xứng đáng là bông hoa đẹp trong nhà nhé!” và cuộn tay phụ họa lời hát: “Hoa nào mẹ yêu nhất, hoa nào thơm ngát hương.

Hoa nào tươi thắm nhất, đó là hoa bé ngoan. Em được mẹ thương nhất, em được cô giáo yêu. Khi mà em ngoan nhất, sẽ là hoa bé ngoan”. Tiếng Mông dạy lời tiếng Kinh, kiên nhẫn đến từng đứa bé. Chợt cậu bé Vàng A Lềnh giơ tay nói một tràng tiếng Mông khiến thầy Tủa cười đỏ mặt. Tôi gặng hỏi mãi, thầy mới nói: “Cháu bảo: Phải là thầy giáo yêu chứ không phải cô”.

Thầy trông trẻ trên non cao: Lời ca từ đỉnh núi - Hình 3

Thầy giáo trẻ Vũ Công Hậu rửa rau nấu bữa trưa cho trẻ tại điểm Trường mầm non Đề Chơ (Làng Nhì, Trạm Tấu)

Cô Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, kể: “Những bé do thầy Tủa dạy đều rất có ý thức kỷ luật. Tiếng lành về thầy giáo hát hay múa giỏi lan khắp trong ngoài huyện và thậm chí có người còn tìm đến tận nơi để xem thực hư”.

Hì hục đổ bô

Thầy giáo Giàng A Ly, năm nay 42 tuổi, chính gốc người Mông của xã Xà Hồ, H.Trạm Tấu dạy lớp mầm non điểm Trường Tà Gênh, Trường mầm non Hoa Hồng (Xà Hồ), người chắc nịch như cây gỗ lim trên đỉnh Tà Nhì Chù. Xòe bàn tay, thầy Ly tính: “19 tuổi học xong sơ cấp sư phạm là đi dạy học khắp các điểm hang cùng rừng tận của miền Trạm Tấu hoang vu, xong mới dần dần đi học trung cấp sư phạm, sư phạm mẫu giáo. Tính đến nay cũng được 23 năm” và cười: “Hồi ấy cứ nghĩ đi học sư phạm mẫu giáo cũng theo phong trào, đâu ngờ mấy năm nay dạy thật, giờ thành quen”.

Tháng 11.2016, khi được chuyển sang dạy mầm non, thầy giấu tiệt chuyện này với vợ và 3 đứa con. Mãi mấy tháng sau, câu chuyện “đàn ông người Mông giờ chăm cả trẻ con ẵm ngửa” lan đến bản, cả nhà mới biết và cứ lo thầy bị… kỷ luật. “Mình là người giáo viên nhân dân, cấp trên cử đi đâu thì mình đi đấy. Dạy lớn hay bé thì cũng đều là con em dân tộc Mông”, thầy Ly nói mãi vậy, mọi người trong nhà mới nguôi, thi thoảng chỉ hé mắt nhìn trộm “người đàn ông Mông” tự học hát bên bếp lửa.

Nếu như ở bậc tiểu học chỉ đơn thuần truyền giảng kiến thức thì ở lứa tuổi mầm non, phải có mọi kỹ năng chăm sóc, kiên nhẫn. Mỗi sáng, nguyên việc rửa mặt cho 31 bé đã chiếm đến cả nửa tiếng. “Trẻ con đi học xa, đến lớp là mặt mũi nhem nhuốc.

Vừa rửa mặt xong nhưng nó lại khóc, chảy hết mũi dãi nên mình phải lau lại”, thầy Ly giải thích vậy khi tôi nhìn thấy 2 bên túi quần thầy lòng thòng 2 mẩu khăn xô. Ngay việc hướng dẫn vệ sinh cho trẻ cũng là chuyện đau đầu: Đang học, có đứa đứng dậy xin đi tè nhưng cũng có đứa lao phắt ra ngoài cửa, thản nhiên tụt quần tồ tồ khiến thầy phải ra bế vào tận nhà vệ sinh. Sau thấy mất thời gian, thầy Ly chuẩn bị sẵn gần chục cái bô nhựa để ngoài cửa, vừa dạy trong lớp vừa trông chừng đám nhí nhéo ị tè ngoài cửa. Buổi trưa trẻ ngủ và chiều về, thầy lại hì hục đi đổ bô.

Nụ cười tuổi 23

Nói đến thác Háng Đề Chơ của xã Làng Nhì, H.Trạm Tấu thì dân phượt Tây Bắc ai cũng biết. Nhưng ít ai biết ở bản Đề Chơ của Làng Nhì, đang có thầy giáo trẻ Vũ Công Hậu dạy lớp mầm non cắm bản. Hậu năm nay 23 tuổi, là một trong những sinh viên nam hiếm hoi của Trường trung cấp Sư phạm mầm non Hải Dương, học xong về công tác ngay tại quê nhà.

Bố Hậu là ông Vũ Công Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao H.Trạm Tấu, khi biết con được phân công lên xã vùng cao Làng Nhì, ngay lập tức gọi điện cho cô Hiệu trưởng Trần Khánh Vân nhờ: “Cô cho cháu nó vào dạy điểm xa xôi khó khăn nhất, để nó hiểu giá trị cuộc sống”. Thực ra chẳng cần bố nói, Hậu cũng đã xung phong đến điểm khó nhất, với lý do đơn giản: “Em là đàn ông con trai mà dạy le ve ngoài trong khi các chị ở chỗ khổ hơn, thì không đáng mặt”.

Đề Chơ là thôn vất vả nhất của xã Làng Nhì. Từ trung tâm xã tới đó khoảng 45 km. Từ nhà thầy Hậu ở TX.Nghĩa Lộ lên tới điểm trường thì phải tắt qua địa bàn H.Văn Chấn, lên khoảng 25 km và chỉ đi được xemáy ngày nắng ráo, với tay lái cứng. Bản không điện thắp sáng, sóng điện thoại thì phải với tay lên dò tậm tịt mới gọi được, nước sinh hoạt dùng khe suối, điểm trường làm bằng gỗ mục nát…

Mọi thứ ban đầu giống thuở hồng hoang, khiến thầy giáo trẻ phải thốt lên với cô hiệu trưởng: “Không ngờ lại cực như vậy, chị ơi!”. Kêu xong, Hậu lại quày quả sáng thứ hai lên điểm trường, ba lô sau lưng lỉnh kỉnh lạc rang, cá khô, muối vừng để ăn trong tuần, chiều thứ sáu mới bò xuống núi, mặt mũi nhem nhuốc đất chơi với vợ (cũng dạy mầm non nhưng ở H.Văn Chấn gần đó) và con gái 3 tuổi vài tiếng, rồi thay đồ khoác ba lô nhảy xe khách giường nằm về Hà Nội tranh thủ học nâng cao lên đại học, nguyên 2 ngày thứ bảy và chủ nhật.

Một mình bám điểm trường, mọi tâm tưởng của Hậu dành hết cho 13 đứa trẻ lít nhít đến lớp từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Từ dạy tiếng, dạy chữ, dạy múa hát cho đến bữa ăn giấc ngủ buổi trưa, xi ị tè, thay giặt quần áo… một tay cậu trai 23 tuổi làm hết.

Bản Đề Chơ xa xôi hẻo lánh, cả năm may ra có 1 – 2 đoàn từ trường chính, Đảng ủy – UBND xã lên làm việc, nên Hậu được coi như “cầu nối” giữa người Kinh người Mông, miền xuôi miền ngược. Dân trong bản cứ có việc gì là hỏi ý kiến thầy Hậu. Bọn trẻ con thì sáng sớm là đòi đi học lớp thầy Hậu và đến giờ dạy hát múa, dân trong bản lại chạy xuống xem thầy Hậu vòng tay múa dẻo, trầm ấm giọng hát cùng bọn trẻ say mê, líu lo.

Cô Hiệu trưởng Trần Khánh Vân nói với tôi: “Thầy Hậu múa dẻo hát hay hơn nhiều cô giáo mầm non, là tài sản quý của trường em đấy”, khiến Hậu cười lỏn lẻn: “Tuổi trẻ mà. Việc người ta không làm được thì mình phải gắng mà làm. Có vậy sau này mới vượt qua mọi khó khăn cuộc đời” và bắt tay tôi, chạy ù ra đường vẫy chuyến xe về Hà Nội học. Phía sau khung cửa nhỏ, vẫn tươi tắn nụ cười hiền…

Theo Thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ