Những niềm vui giản dị
Vượt chặng đường gần 200km từ TP Vinh lên trung tâm huyện Tương Dương, rồi tiếp tục ngồi xe vượt đèo dốc đến bến Thượng Lưu, chúng tôi xuống thuyền băng qua lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, khi thấy ngọn núi xanh sừng sững trước mặt với lác đác mái nhà sàn, chúng tôi đã vào đến Hữu Khuông. Nhưng điều bất ngờ nhất là hàng trăm học sinh và cả phụ huynh đã có mặt đông đủ tại bờ sông, đón chào những vị khách từ xa đến. “Nơi đây xa xôi, biệt lập nên dân bản quý người lắm”, thầy Hoàng Xuân Vinh – Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông nói.
Năm học 2017 – 2018, niềm vui lớn đến với Hữu Khuông khi chiếc cầu dân sinh nối hai bản Con Phen - Pủng Bón, có điểm giao thông đi qua khe Chà Lạt dài trên 30 mét được khánh thành vào ngày 1/9. Chiếc cầu được khánh thành, tạo điều thuận tiện việc đi lại của người dân, nhất là đối với các em học sinh khi mùa mưa lũ đang đến gần. Cũng vào dịp năm học mới, Sở GD&ĐT Nghệ An đã trao 20 suất học bổng (trị giá 10 triệu đồng) cho các em học sinh và 3 máy lọc nước cho 3 trường Mầm non, Tiểu học, THCS. Nhiều món quà, đồ dùng học tập từ các nhà hảo tâm cũng đã được đưa đến Hữu Khuông, kịp thời động viên và khích lệ tinh thần thầy và trò trước ngày khai giảng. Quan trọng hơn, là những niềm hân hoan náo nức này đã lây lan sang cả phụ huynh, những người dân bản đã chịu bỏ buổi đi rẫy để xuống trường xem các con mình đi học.
Chị Lô Thị Tuyết (bản Tâng Hốc) có con gái là Lương Thị Xân đang học lớp 6 và con trai Lương Văn Tuốt là đang học lớp 3 nói: “Phải cho nó đi học chứ. Ngày xưa mình không được đến lớp, không biết chữ, không biết viết cả tên mà bố mẹ đặt cho mình, nên bây giờ phải cho các con đi học. Con gái lên lớp 6 thì được ở bán trú, mình cũng đến thăm chỗ con mình ở rồi, thấy yên tâm lắm vì có thầy cô quản lý”.
Còn tại trường PTDTBT THCS Nhôn Mai, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi không giấu nổi niềm vui nói: Ngày đầu tiên tựu trường, đã có khoảng 2/3 học sinh có mặt. Đây là năm học đầu tiên có nhiều học sinh tập trung như thế vào ngày đầu tiên của năm học mới. Chỉ nhìn thấy thế thôi, là tất cả các thầy cô giáo của trường đã thấy phấn chấn, khí thế lắm rồi.
Hai năm nay, xã lòng hồ Nhôn Mai đã thoát cảnh biệt lập nhờ có con đường biên giới phía Tây chạy qua trung tâm xã. Nhưng đến các bản Thưm thẳm, Xuối Voi, Huồi cọ, Phả Mựt… vẫn phải đi bô qua con đường mòn vắt vẻo qua núi 3, 4 tiếng đồng hồ. Vì vậy, để tất cả học sinh có mặt đầy đủ đúng ngày tựu trường là điều rất khó. “Nhiều em vẫn đang ở trên rẫy, hoặc đi thăm anh em, họ hàng bên… nước bạn Lào, sau tựu trường mới dần dần rải rác đến lớp. Thường thì đến ngày khai giảng thì cơ bản đủ học sinh. Những em nào còn vắng, thầy cô sẽ tiếp tục đến tận nhà để gọi đến lớp.
Có thầy thì mới có trò
Đó dường như là thông lệ ở vùng xa xôi này. Năm nào cũng thế, giữa tháng 8 mới tựu trường nhưng từ ngày 1/8, các thầy cô đã có mặt ở tất cả các điểm trường để làm công tác chuẩn bị sửa sang cơ sở vật chất và đón học sinh. “Ở trên này, không phải thông báo là học sinh đến trường đâu. Có thầy cô đến trước, rồi dọn dẹp vệ sinh khuôn viên, nhờ bà con chung tay sửa sang lại lớp học, tạo khí thế phấn khởi, rộn ràng. Để lũ trẻ thấy có thầy cô đã vào trường, nhìn thấy lớp học mở cửa, có nghĩa là sắp đi học rồi”, cô Mạc Thị Huệ (Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Khuông) chia sẻ.
Cô giáo Huệ là người con lớn lên từ bản làng của Hữu Khuông. Năm xưa, con gái như Huệ đi học cái chữ cho đến hết cấp 3 là hiếm lắm. Nhưng Huệ muốn được trở thành cô giáo để quay về giúp cho những đứa trẻ của quê hương biết đọc, biết viết, có kiến thức, hiểu biết… Giờ đây, ước mơ của cô gái Thái đã thành hiện thực, khi là cô giáo của trường Tiểu học Hữu Khuông. Cũng chính vì lớn lên từ bản làng, nên cô giáo hiểu rõ đời sống, những khó khăn, vất vả, cũng như tâm lý của bàn con. “Nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học vì nghèo, vì muốn con cái theo lên rẫy, muốn đứa lớn ở nhà trông đứa nhỏ, và cả lý do “học thì cũng về làm rẫy thôi, thì học làm chi cô giáo”. “Những lúc ấy, mình phải động viên, và giải thích từ chính câu chuyện của mình. Nói với bà con trẻ em vùng cao đi học được nhà nước hỗ trợ không mất tiền, lại được cho gạo, có chế độ hàng tháng. Học để có hiểu biết, có cái nghề, sau này nếu về làm nương rẫy, chăn nuôi cũng biết cách làm tốt để thu nhập cao, thoát nghèo…”, cô giáo trẻ kể.
Thầy Hoàng Xuân Vinh (Phó hiệu trưởng trường PTDT BT THCS Hữu Khuông) là thầy giáo từ dưới xuôi, vùng ven biển Quỳnh Lưu lên núi dạy học đã gần 20 năm. “Những gian nan và các “bắt trò đến lớp” bây giờ nhiều vô kể, không đếm xuể. Có những khi, đến tận nhà chưa chắc đã gặp được học sinh. Bởi các em đã theo bố mẹ lên lán ở trên rẫy ở. Vậy là chúng tôi lại hỏi đường, đi bộ lên tận trên rẫy, để gọi các em về đi học”.
Có lẽ, cũng bởi vì cảm cái tấm lòng của thầy cô giáo, mà dần dần, qua từng năm, số trẻ đến lớp tăng dần lên, đến nay đã huy động đủ 100% trẻ đến tuổi đi học ra lớp. Nhận thức của bà con cũng tốt hơn, biết quan tâm và đầu tư hơn cho sự học của con cái. Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương xúc động kể: Vừa rồi, trong dịp vào thăm một số điểm trường lẻ của Tiểu học Nhôn Mai, công việc chuẩn bị cho năm học mới ngổn ngang lắm. Nhớ nhất là khi vào bản Phả Mựt, chỉ có con đường rừng đi bộ suốt nửa ngày mới vào đến nơi, sóng điện thoại chập chờn dò mãi mới có, thấy các thầy cô giáo vất vả quá, tôi hỏi có đề xuất gì với huyện không, nhưng thầy cô chỉ im lặng. Mãi sau bác trưởng bản mới đứng dậy, xin hộ cho thầy cô cái đầu ăng - ten chảo để xem ti vi cho đỡ buồn. Hỏi nhà trường sao thiếu mà không xin, thì thầy điểm trưởng nói: vì các cháu học sinh cũng đang rất thiếu thốn, nên thầy cô không dám xin gì cho mình. Tôi nghe mà ứa nước mắt, quyết định tặng điểm trường 5 triệu để mua ti vi mới và đầu ăng-ten.
Ngồi trên thuyền trở ra bến Thượng Lưu, tôi nghe cán bộ huyện vùng cao này bàn nhau lịch đi dự khai giảng, để ngày lễ chính thức bắt đầu năm học mới thêm niềm vui, ấm áp với các thầy cô, học sinh. “Phải dậy từ 5 sáng, gói xôi, bánh chưng mang theo, rồi vừa ngồi trên thuyền vừa ăn, tiết kiệm thời gian để vào trung tâm xã cho sớm. Sau đó, đi bộ vào điểm trường lẻ thì mới kịp khai giảng với các cháu trong đó. Ở cấp 2 thì tất cả học sinh đều tập trung làm lễ tại trường, vì có bán trú. Nhưng tiểu học và mầm non thì phải khai giảng ở tại điểm trường vì xa quá. Mình sẽ bớt phát biểu dài dòng đi, quan trọng là dự lễ cùng nhà trường thôi, sau đó cho các cháu vui chơi…” ông Phạm Trọng Hoàng, Bí thư huyện ủy Tương Dương chia sẻ. Thế mới biết được, giáo dục vùng cao những năm qua có thể phát triển mạnh hơn, không chỉ là câu chuyện của một trường, một thầy, một trò, mà mà còn là câu chuyên của cả những tấm lòng, sự quan tâm, yêu thương của xã hội, cộng đồng chung tay chăm lo cho sự nghiệp trồng người.