Thầy trò vùng khó “chống liệt” môn Tiếng Anh

GD&TĐ - Với HS các trường THPT vùng khó khăn Tuyên Quang, tiếng Anh là môn “khó nhằn” nhất. Đa số HS là người dân tộc thiểu số, nói tiếng Kinh còn chưa nhuần nhuyễn, tính thêm môn tiếng Anh, mỗi ngày các em học… hai ngoại ngữ! Chính bởi vậy, các thầy cô giáo Tuyên Quang khi lên lớp đã chọn mục tiêu đơn giản nhất cho HS trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới!

Thầy Chu Nhất Đại trong giờ ôn tập môn Tiếng Anh cho HS Trường THPT Đầm Hồng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Thầy Chu Nhất Đại trong giờ ôn tập môn Tiếng Anh cho HS Trường THPT Đầm Hồng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Mục tiêu giản dị

Trường THPT Yên Hoa cách thị trấn Na Hang (Tuyên Quang) khoảng 50km. Đây là vùng lòng hồ, dân cư thuộc các xã xung quanh nên trường khá đông HS.

chị Phạm Bích Luận - GV Tiếng Anh, trường có 6 lớp khối 12, mỗi lớp khoảng 30 HS. Với một lớp học ngoại ngữ, số lượng HS như vậy là khá lý tưởng. Cô Bích Luận dạy 2 lớp 12, đa số HS là người dân tộc Tày, Mông…

Do trường cách xa nhà, nên thời gian tự học của HS không nhiều. HS phải đi học xa, vượt mấy chục km để đến trường.

Trước các em còn phải đi bộ, giờ đường sá thuận lợi hơn, bố mẹ HS chở con xuống trường bằng xe máy. Nhiều HS nhà quá xa thì ở trọ hoặc ở ký túc xá.

Có những HS một ngày phải đi đi, về về 15km đường núi. Thời gian đi đến trường cả sáng cả chiều vất vả khiến HS mệt mỏi. Thời gian trau dồi ôn lại bài, rồi lại còn học cả bài sáng hôm sau theo đó thêm eo hẹp.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, HS Trường THPT Yên Hoa chủ yếu chọn thi khối C, rất ít HS thi khối D. Được biết năm 2018, điểm thi Tiếng Anh của HS nhà trường phần nhiều dưới trung bình. “HS ở trường rất sợ… môn Tiếng Anh. Ôn thi cô trò chủ yếu cố gắng làm sao để qua điểm liệt (1 điểm)” – chị Bích Luận chia sẻ.

Trường THPT Đầm Hồng thuộc huyện Chiêm Hoá - huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. HS dân tộc thiểu số chiếm 96%. Năm nay, trường có 5 lớp 12 với tổng số hơn 100 HS.

Anh Chu Nhất Đại - GV Tiếng Anh, Trường THPT Đầm Hồng cho biết, nhiều gia đình HS ở trường hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Lớp của anh Đại chủ nhiệm có 34 HS, thì có tới 30 em thuộc diện khó khăn phải nhận hỗ trợ hộ nghèo. Mặt bằng kiến thức chung về tiếng Anh của HS không cao, GV phải hỗ trợ, bồi dưỡng rất nhiều để các em khối 12 có nền tảng tương đối đi thi.

“Chúng tôi không hi vọng các em đạt điểm cao thi THPT quốc gia. HS đạt được 5 điểm là thầy cô mừng lắm rồi, mong đa số HS còn lại qua được điểm liệt”.

Đối tượng đặc biệt, ôn thi đặc biệt

DẠY - HỌC NGOẠI NGỮ Ở VÙNG KHÓ
Thuận lợi: HS rất ngoan, BGH các nhà trường luôn quan tâm đôn đốc, sát sao quản lý, phối hợp với các đơn vị, với Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo để giúp đỡ HS có định hướng tốt hơn. Đặc biệt, các GV chủ nhiệm sát sao quản lý sĩ số của HS.
Khó khăn: HS đa số là người dân tộc thiểu số, còn hạn chế trong phát âm, tiếp thu kiến thức môn ngoại ngữ. Việc ôn thi để đạt kết quả cao cần sự tự giác học tập, quản lý của cả cha mẹ HS. 

Với kinh nghiệm 11 năm dạy môn Tiếng Anh cùng những bài học kinh nghiệm ôn thi các kỳ thi THPT quốc gia gần đây, anh Nhất Đại cùng các đồng nghiệp “thiết kế” chương trình tập trung ôn cho HS những phần dễ ăn điểm.

Trong các bài học trên lớp, thầy cô giáo có thể chuẩn bị thêm nội dung về từ vựng, tận dụng các bài học trong sách mới. Điều rất mừng là sách mới thiết kế lượng từ vựng lặp đi lặp lại giúp cho HS nhớ hơn. GV kiểm tra thêm từ vựng của HS trong bài học giúp HS khắc sâu thêm kiến thức.

Về tài liệu, Trường THPT Đầm Hồng có thư viện đầy đủ sách của 8 bộ môn cơ bản, trong đó có môn Tiếng Anh để HS tham khảo.

Bên cạnh đó, anh Nhất Đại hướng dẫn HS có kỹ năng làm bài để trả lời được những câu hỏi dễ trong đề thi. Lưu ý HS không sa đà vào những câu hỏi khó, mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.

Kỳ thi THPT quốc gia năm trước, ở trường có nam sinh dân tộc Hoa rất thông minh, đam mê tiếng Anh nhưng cũng mê “cày YouTube” để kiếm thêm tiền. HS này hay làm ban đêm, ban ngày đi học thì mệt mỏi, buồn ngủ gà gật. Biết chuyện anh Nhất Đại đã trao đổi, động viên HS xác định mục tiêu rõ ràng hơn, gác lại việc làm YouTube để tập trung vào kỳ thi ĐH.

Kết quả, nam sinh đạt hơn 7 điểm, số điểm tiếng Anh cao nhất huyện Chiêm Hóa. Chứng kiến sự thành công của học trò, anh Nhất Đại vô cùng hạnh phúc.

Còn tại Trường THPT Yên Hoa, chị Bích Luận ôn thi tiếng Anh cho HS theo các chuyên đề, bám sát đề thi của các năm và đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Rút kinh nghiệm từ việc HS ôn một thời gian nếu không được nhắc lại là sẽ quên, các GV trong trường “dạy đuổi” cho HS theo chuyên đề, nhắc đi nhắc lại, cho HS làm bài tập để ghi nhớ lại kiến thức.

Việc làm các đề thi với HS của trường có phần khó khăn vì vốn từ của các em còn yếu, tài liệu không nhiều. Một số HS học khá vẫn khắc sâu được kiến thức. Nhưng những em yếu thì mang tính chất nhắc lại, để các em ghi nhớ qua đã học đến nội dung đó.

“Năm nay, nếu theo xu hướng ra đề như năm ngoái, hy vọng HS không bị điểm liệt. Vì đề thi tiếng Anh chính là đề thi ĐH, trong khi ôn thi trên lớp ở đây mục đích chính là đỗ tốt nghiệp, tránh điểm liệt nên ở những lớp tôi dạy có dự đoán sẽ có khoảng 4 HS đạt 5 – 6 điểm, mức độ trung bình khá. Hy vọng năm nay trường không có HS “điểm liệt” môn Tiếng Anh” – chị Bích Luận bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ