Thầy trò vùng cao thấp thỏm mùa mưa lũ

GD&TĐ - Để đến trường, nhiều em nhỏ ở các bản Cà Moong, Xốp Cháo, Xốp Mạt, Minh Phương... phải dậy từ rất sớm, di chuyển quãng đường trên dưới 10km...

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh dọn dẹp sân trường sau lũ quét vào đêm 30/9. Ảnh: Phạm Tâm
Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh dọn dẹp sân trường sau lũ quét vào đêm 30/9. Ảnh: Phạm Tâm

Trường nằm cách xa trung tâm, lại thường xuyên bị lũ quét nên giáo viên, phụ huynh ở xã miền núi Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) mong muốn di dời trường đến địa điểm mới.

Giấc mơ con chữ bên dòng khe Mạt

Xã vùng cao Lượng Minh nằm cách thành phố Vinh hơn 200km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm xã, phải vượt qua những cung đường dốc cao, quanh co, khúc khuỷu hơn nửa giờ đồng hồ mới đến được Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh đóng ở bản Minh Tiến.

Ngôi trường nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi cao, sau lưng là dòng khe Mạt nước chảy xiết cả ngày đêm. Ở trường, phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú và Thái. Trong tổng số 525 học sinh thì có tới 299 em phải ở lại trường từ đầu tuần đến cuối tuần mới trở về nhà.

Để đến trường, nhiều em nhỏ ở các bản Cà Moong, Xốp Cháo, Xốp Mạt, Minh Phương... phải thức dậy từ rất sớm, di chuyển quãng đường trên dưới 10km. Em Hắp Văn Khánh, nhà ở bản Xốp Cháo, một trong những bản khó khăn và biệt lập nhất xã Lượng Minh phải đi bộ ra bến thuyền, xuôi xuống bến thượng lưu (chân đập thủy điện Bản Vẽ), rồi tiếp tục di chuyển gần 1 giờ đồng hồ nữa mới đến được trường. Việc tự đi đường đồi núi, vượt sông, suối để đến trường là điều không thể đối với những đứa trẻ còn nhỏ dại.

Phụ huynh Lương Văn Dương (trú tại bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh) chia sẻ: “Nhiều khi đưa con đi học, chúng tôi phải đối mặt với hiểm nguy khi mùa mưa nước khe suối dâng cao, chảy xiết. Đường sá vừa trơn trượt, lại tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi. Bởi hầu hết các quãng đường từ các bản đến trường đều nằm một bên là sông, suối; một bên là núi cao, có nhiều điểm đe dọa sạt lở đất đá”.

Điều đáng lo ngại nhất là Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh nằm quay lưng ra dòng khe Mạt, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét rất cao khi mưa lớn. Đỉnh điểm là trận lũ quét nghiêm trọng xảy ra vào ngày 30/9 vừa qua.

Chỉ trong thời gian ngắn, nước lũ kéo theo bùn đất ngập khắp sân trường, phòng học, khu nhà bếp, nhà ăn bán trú, nhà vệ sinh... bị ngập gần 1m, khiến toàn bộ đồ dùng học tập, sách vở của học sinh bị ngập nước, hư hỏng. Trong lớp học, bùn ngập sâu hơn 30cm, sau khi nước rút, để lại lớp bùn rất dày đặc quánh. Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến nhiều đoạn đường đến trường bị đất đá trên núi sập xuống vùi lấp, làm hư hỏng nền đường nghiêm trọng.

“Năm ngoái xảy ra một trận lũ ảnh hưởng tới nhà trường, nơi con tôi đang học bán trú. Năm nay, trường lại phải gánh chịu một trận lũ quét còn lớn hơn năm trước. Thiên tai ngày càng khó lường, nên nhiều phụ huynh chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm, di chuyển trường đến nơi khác để thầy cô cũng như các cháu có môi trường học tập được an toàn”, anh Dương bày tỏ và cho biết, cứ đến mùa mưa lũ là phụ huynh lại nơm nớp lo sợ mỗi khi cùng con đến trường.

Cũng như nhiều phụ huynh khác, gần một tháng trôi qua nhưng chị Lô Thị Thìn (trú tại bản Minh Phương, xã Lượng Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại trận lũ quét xảy ra cuối tháng 9 vừa rồi.

“Chập choạng tối ngày 30/9 trời bắt đầu mưa to, thấy mưa mỗi lúc lại càng nặng hạt. Đến khoảng 22 giờ biết tin trường bị lũ quét lúc đó tôi như ngồi trên đống lửa. Muốn vào với con nhưng do mưa to, tuyến đường độc đạo vào trường bị sạt lở gây ách tắc không thể lưu thông được, đành phải ở nhà nghe ngóng thông tin”, chị Thìn kể lại.

Cả đêm không thể chợp được mắt, rất may, đến gần sáng chị Thìn nhận được thông báo của nhà trường, tất cả học sinh đều được thầy cô di chuyển đến nơi an toàn.

thay-tro-vung-cao-thap-thom-mua-mua-lu-3.jpg
Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh tại bản Minh Tiến. Ảnh: Phạm Tâm

Đề xuất di dời điểm trường

Qua trận lũ quét vừa rồi chị Thìn rất mong muốn cấp trên xem xét chuyển trường đến nơi an toàn hơn. Không chỉ có phụ huynh học sinh, mà lãnh đạo cũng như giáo viên nhà trường đều mong muốn trường sớm được di chuyển đến địa điểm khác. Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh cho biết, mấy năm gần đây, khe Mạt bị bồi lắng, dòng khe thu hẹp lại, nước không có lối thoát nên chảy mạnh ra 2 bên bờ.

Trong khi sân trường không cao hơn lòng khe là bao, nên mưa to là rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét càn qua. Trong 2 năm qua, trường phải gánh chịu 2 trận lũ quét, ngập lụt gây hoang mang cho giáo viên và phụ huynh. “Nguyện vọng của nhà trường là được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ để di dời chuyển trường đến điểm mới ở nơi đồi cao. Tránh được những trận lũ quét, lũ ống khi mùa mưa lũ về thì giáo viên và các em học sinh mới có thể yên tâm dạy và học”, thầy Thanh tâm sự.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, trước đây cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhận thấy điểm trường này nằm ở vị trí rất bất lợi, vừa trũng thấp, vừa nằm sát khe. Mưa lớn rất dễ bị lũ quét, không đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Địa phương sau đó khảo sát và chọn được vị trí an toàn gần trung tâm xã Lượng Minh. Hơn nữa, khi trường đặt ở trung tâm xã sẽ tạo thuận lợi cho giáo viên, hàng trăm học sinh cùng phụ huynh khi đưa đón con được gần hơn.

“Con em ở các bản Cà Moong, Xốp Cháo… nằm cách xa trường phải đi thuyền, đi đò ngược sông, ngược núi để đến lớp. Nhưng địa phương còn nghèo, huyện cũng còn khó khăn nên chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của tỉnh, Trung ương và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm”, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh mong mỏi.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, huyện cũng nhận thấy điểm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh hiện đang tồn tại nhiều bất cập như trũng thấp, sát khe, dễ ngập. Tuy nhiên, để di chuyển trường đến điểm khác thì cần nguồn lực lớn, trong khi huyện còn khó khăn nên chưa thể giải quyết trong nay mai, mà phải đưa vào kế hoạch đầu tư công dài hạn, hoặc các nguồn hỗ trợ khác từ cộng đồng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.