Thầy - trò tự tin trước kỳ thi đổi mới

GD&TĐ - Với tâm thế chủ động, học sinh, giáo viên và lãnh đạo các trường THPT trên cả nước đã có những kiến thức vững chắc về Kỳ thi THPT Quốc gia. Từ đó, chủ động với kế hoạch học tập, giảng dạy để tự tin hòa nhập với những đổi mới trong thi cử, tiến tới Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 chất lượng.

Thầy - trò tự tin trước kỳ thi đổi mới

Ôn luyện ngay từ đầu năm học

Hấu hết học sinh đã nắm được tinh thần đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm tới ngay từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo phương án Kỳ thi THPT Quốc gia.

Em Nguyễn Thành Luân - học sinh lớp 12a3, Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Chúng em luôn được công bố ngay tức thời các thông tin về đổi mới kỳ thi. 

Kèm theo đó là sự tự tìm hiểu của bản thân, nghe tivi, đọc báo, tìm đọc thông tin trên internet nên những nội dung đổi mới thi và tuyển sinh năm sau được em nắm chắc chắn. Và chính vì nắm chắc nên không cảm thấy có gì phải lo lắng.

Theo Luân, hiện nay học sinh của trường ngoài các buổi học chính khóa như bình thường đều được bổ sung kiến thức 3 buổi 1 tuần các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Dạy lớp phụ đạo là các thầy cô giáo được nhà trường lựa chọn, nhiều kinh nghiệm và giảng dạy có uy tín.

“Hiện em đang cố gắng ôn tập kỹ các môn khối A1 - khối em thi đại học, nhưng đồng thời cũng dành thời gian hợp lý cho tất cả các môn còn lại” - Luân cho biết.

Cũng cho biết đã lên kế hoạch học tập cho kỳ thi sang năm, Võ Thanh Quý - học sinh lớp 12c3, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) thể hiện sự tự tin trước kết quả mình có thể đạt được.

Là một học sinh giỏi môn Địa lý của tỉnh, năm nay được vào đội tuyển Quốc gia nên Quý cho biết thế mạnh của mình là các môn thi khối C, ngôi trường đại học mơ ước của em sẽ là Học viện Cảnh sát nhân dân.

“Chỉ có đôi chút lo lắng với em là môn tiếng Anh, nhưng em sẽ nỗ lực cho môn học này ngay từ bây giờ. Bên cạnh 3 môn Văn, Sử, Địa, em cũng đặt ra cho mình mục tiêu đạt kết quả đều các môn học khác để có kết quả tốt nghiệp tốt nhất” - Quý tâm sự.

Tại ngôi trường Quý đang theo học, mặc dù vẫn giữ nguyên lịch học như bình thường, chưa có phụ đạo, nhưng các thầy cô đã chú trọng đổi mới cách dạy theo hướng phát triển tư duy, nhận thức ngoài kiến thức trong sách giáo khoa. “Điều đó, giúp chúng em tự tin hơn trước đề thi đối mới kỳ thi sang năm” - Quý bày tỏ.

Giáo viên tích cực thay đổi

Là những người trực tiếp truyền thông điệp đổi mới đến các học sinh, nhiều giáo viên tâm sự bản thân đã chủ động nghiên cứu mọi thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trên website của Bộ GD&ĐT, trên báo Giáo dục và Thời đại... Từ đó, tư vấn, giải đáp những thắc mắc cho học sinh, giúp các em nhanh chóng ổn định tâm lý, vững vàng tâm thế.

Tôi rất tâm đắc với những thay đổi của Kỳ thi THPT Quốc gia. Dường như những thay đổi này đã sẵn trong mình, thực sự đúng với mong mỏi của bản thân xưa nay 

Thầy Lê Đình Diệp

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy - Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu) - bày tỏ: Thực ra cách đổi mới của Bộ GD&ĐT luôn đặt học sinh lên ưu tiên hàng đầu, đổi mới có lộ trình, không đột ngột nên học sinh của trường không có tâm lý lo lắng, chỉ tập trung cao hơn cho việc học.

Kế hoạch truyền thông, làm công tác tư tưởng cũng được nhà trường tiến hành kịp thời, giúp các em nắm vững một cách nhanh nhất những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm tới; đặc biệt là thay đổi về cụm thi.

“Học sinh của trường đã được làm quen với cách ra đề thi đổi mới ngay trong các bài kiểm tra 1 tiết. Các em rất tự tin. Dường như giáo viên chúng tôi còn lo lắng hơn cả các em” - Cô Thúy nói vui.

Nói về Kỳ thi THPT Quốc gia, thầy Lê Đình Diệp - Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) - tâm đắc tác động của kỳ thi tới cách dạy học theo hướng đánh giá năng lực.

Là gương mặt giáo viên tiêu biểu của toàn tỉnh Quảng Ngãi, thầy Diệp cũng thể hiện quyết tâm trong việc đổi mới cách ra đề thi, kiểm tra cho học trò, không làm như trước nữa. Theo đó, thầy đã xác lập được ma trận đề, trong đó định hướng được kiến thức, năng lực học sinh.

Chia sẻ bí quyết thực hiện điều này, thầy Lê Đình Diệp cho biết: Quy trình kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh được thực hiện theo các bước:

Trước tiên là tìm chủ đề giảng dạy, thiết lập ma trận với 3 mức độ: Biết, hiểu, vận dụng. Sau đó, xem ma trận đó đã phù hợp với trình độ học sinh và có thể phát huy được năng lực của các em hay chưa.

Tiếp theo, ra đề kiểm tra theo định hướng của ma trận. Cuối cùng là lập một hướng dẫn chấm phù hợp với nội dung ma trận.

“Nhưng, muốn làm được điều này, đòi hỏi người giáo viên phải nắm chắc sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kỹ năng và quan trọng nhất là biết cách phát huy được năng lực học sinh, vận dụng kiến thức vào thực tiễn” - thầy Diệp lưu ý.

Trường chủ động sắp xếp lớp và tổ chức giảng dạy

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo 3 phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhiều trường THPT đã tổ chức họp giáo viên và học sinh lớp 12 để tham khảo ý kiến.

Chúng tôi  mong muốn Bộ GD&ĐT sớm giới thiệu đề mẫu cho học sinh và giáo viên tham khảo về tỉ lệ điểm dành cho xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH (nhất là tỉ lệ phần vận dụng cao).

Đồng thời, sớm công bố cụm thi để học sinh và gia đình chủ động”.

Ông Nguyễn Văn Định

Những thông tin mới nhất về kỳ thi được liên tục cập nhật đến từng học sinh. Do đó, nhìn chung, đa số giáo viên và học sinh đã có sự chủ động từ trước. Học sinh được chọn môn thi nên khá yên tâm.

Tại Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), ông Nguyễn Văn Định, hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường đã chia học sinh lớp 12 thành các nhóm.

Nhóm học sinh khá, giỏi chọn tăng cường các môn khoa học tự nhiên (3 lớp) để phấn đấu vào các trường tuyển khối A, B;

Nhóm học sinh khá, giỏi chọn các môn thuộc khối A1 và D (1 lớp). Lớp này có lợi thế vì thực chất chỉ tập trung 4 môn nhưng có thể giải quyết được cả 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào nhiều trường ĐH ở cả 2 khối.

Nhóm tiếp theo (8 lớp) là những học sinh có năng lực yếu và trung bình, được ưu tiên tập trung 3 môn bắt buột và 1 môn tự chọn, việc xếp lớp dựa vào môn tự chọn thứ 4.

Đa số học sinh chọn môn Hóa học (6 lớp) và Vật lý (2 lớp). Tuy nhiên, sau ngày 9/9 vừa qua, trường đã có một số điều chỉnh nhỏ cho phù hợp với qui định của Bộ GD&ĐT.

Theo hiệu trưởng Nguyễn Văn Định, nhà trường cũng đã thống nhất với gia đình, tổ chức dạy 2 buổi cho lớp 12 cho đến đầu tháng 6/2015. Thời lượng tăng thêm chủ yếu tập trung tối đa vào các môn thi THPT quốc gia.

Giáo viên được phân công dạy những lớp này là người có kinh nghiệm. Trong quá trình giảng dạy, trường sẽ thường xuyên theo dõi kết quả để có những điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, Trường THPT Tháp Mười thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tập trung để rà soát năng lực học sinh theo từng giai đoạn và theo trình độ. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với gia đình để quản lý tốt việc học ở nhà của học sinh.

“Do phần đông học sinh có năng lực chỉ đạt trung bình nên nhà trường phải tăng thời lượng giảng dạy, “ lấy cần cù bù khả năng” để mong các em có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới đề thi: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng ớ mức độ cao" - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định chân thành bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ