Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng có thể cho biết đâu là lý do Bộ GD&ĐT quyết định lựa chọn phương án 1 là phương án chính thức cho kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2015? Và tại sao chúng ta không thực hiện thi liên môn luôn ngay trong năm 2015?
- Nói cho đúng, Bộ GD&ĐT không hoàn toàn lựa chọn phương án 1, mà cơ bản là dựa trên phương án 1 và có bổ sung thêm những ý kiến đóng góp của dư luận xã hội cũng như các chuyên gia. Mặt khác, Bộ cũng có những phân tích cụ thể để xây dựng một phương án mới, có thể là tốt nhất so với điều kiện thực tế hiện nay.
Còn việc thi liên môn hay không liên môn không phải là điều quan trọng. Quan trọng là đề thi ra phải yêu cầu học sinh ngày càng biết vận dụng kiến thức một cách chủ động, tích hợp, sáng tạo và vận dụng cả những kiến thức thực tiễn vào trong đề thi.
Với những đổi mới của kỳ thi liệu sẽ ảnh hưởng đến các em học sinh như thế nào? Các em có phải thay đổi cách học và các nhà trường có phải sắp xếp lại chương trình học tập hay không, thưa Thứ trưởng?
- Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, cùng 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài ra, để thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, các em có thể chọn thi thêm những môn tự chọn nêu trên, phù hợp với những ngành nghề theo yêu cầu của trường đại học.
Hơn nữa, kỳ thi này cũng kế thừa những ưu điểm của những năm trước, đặc biệt là năm 2014. Cụ thể là đề thi tiếp tục ra theo hướng tăng cường vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong học tập và trong thực tiễn.
Qua đó cũng tránh được áp lực cho học sinh và thay dần cách học, cách dạy. Tức là phải chuyển dần sang vận dụng kiến thức tổng hợp, tránh học vẹt, học thuộc một cách máy móc.
Cách thức ra đề theo hướng trên là hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo dạy và học hiện nay. Giáo viên và học sinh không phải thay đổi cách dạy, cách học mà Bộ đã chỉ đạo. Do đó, việc ra đề sẽ không có gây xáo trộn hoặc khó khăn thêm cho học sinh cũng như giáo viên.
Bộ GD&ĐT đã quyết định năm 2015 sẽ chính thức khởi động kỳ thi THPT quốc gia. Vậy tại sao lại phải là năm 2015 khi mà vẫn còn khá nhiều việc phải làm và sao chúng ta không tiến hành vào năm 2016. Và với cách làm mới như thế này, Thứ trưởng có khẳng định chất lượng với xã hội về tính khách quan của kỳ thi này hay không?
- Thực tế chúng ta đã có nhiều đổi mới từ những năm trước, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cũng là kế thừa những thành công đó, cho nên không có gì bất ngờ.
Chính vì vậy, có thể nói là đảm bảo được kết quả, mục đích của kỳ thi. Thứ nhất là đảm bảo được tính gọn nhẹ, đơn giản hơn. Thứ hai là vẫn đảm bảo phản ánh được chất lượng giáo dục vì việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi sẽ phát huy kinh nghiệm tốt của cả 2 kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh của những năm trước.
Cho nên chúng ta yên tâm kỳ thi này sẽ đáp ứng tốt để xét tốt nghiệp, đồng thời sử dụng kết quả đó vào mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát quy mô lớn để lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là công việc đòi hỏi phải có tính khoa học và cần phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia chứ không phải là dựa vào ý kiến của số đông. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Trước hết nói về việc xin ý kiến rộng rãi, Bộ đã tổ chức trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, gửi công văn để xin ý kiến của Giám đốc các Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, THPT trên toàn quốc cũng như là các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Song vấn đề chính là mình phải phân tích tính khoa học, tính khả thi của phương án mà mình đã lựa chọn. Từ những góp ý trên những phương án cụ thể, Bộ đã tổng hợp và lựa chọn thành một phương án với nội dung đầy đủ hơn, cân nhắc đến các yếu tố có thể ảnh hưởng cũng như là đảm bảo tính chắc chắn của kỳ thi.
Trong phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, có một điểm đáng chú ý và cũng là thay đổi căn bản, đó là: Ngoài các cụm thi do các trường đại học tổ chức thì còn có các cụm thi do địa phương đứng ra chịu trách nhiệm. Điều này có khiến công tác tổ chức coi thi bị rối, bị phức tạp hay không, thưa Thứ trưởng?
- Trước hết, phải nói là có phức tạp hơn. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, hàng năm có khoảng 20% số học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp xong không dự thi đại học, cao đẳng.
Đối với các em này, để tạo điều kiện cho các em không phải đi thi quá xa, nhất là ở những vùng đi lại khó khăn, Bộ GD&ĐT đã quyết định lựa chọn phương án có những hội đồng thi do địa phương chủ trì để thuận lợi cho các em.
Điều này có khó khăn, nhưng Bộ muốn dành những khó khăn đó về những người có trách nhiệm tổ chức kỳ thi để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Chính vì thế mà dù khó thì Bộ vẫn lựa chọn phương án này.
Để đảm bảo cho kỳ thi có kết quả khách quan và nghiêm túc là yêu cầu thiết yếu của bất kỳ phương án thi nào. Vậy những yếu tố về kỹ thuật, phương pháp để chúng ta tiến hành thay đổi kỳ thi thì Bộ đã sẵn sàng hay chưa, thưa Thứ trưởng?
- Tất nhiên Bộ GD&ĐT đã cân nhắc tất cả những yếu tố đó. Sau khi đã có phương án được phê duyệt thì các bộ phận chức năng của Bộ cũng như các nhà trường, các Sở sẽ bắt tay vào chuẩn bị để đảm bảo cho kỳ thi đúng với chủ trương, mục đích và thời gian quy định.
Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới này sẽ giữ mô hình tổ chức của kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của những năm trước. Cụ thể là các trường đại học, cao đẳng được chủ trì trong việc coi thi, chấm thi. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo tính khách quan và phản ánh được chất lượng giáo dục.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
“Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ đánh giá theo 4 mức độ, đó là: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Với cách ra đề như vậy vừa có phần cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, vừa có phần nâng cao, phân hóa để các trường đại học, cao đẳng có cơ sở xét tuyển”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển