Thầy trò lớp 12 mong sớm công bố đề án tuyển sinh 2025

GD&TĐ - Giáo viên chủ nhiệm và học sinh khối 12 mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh năm 2025.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) trong hoạt động trải nghiệm về xây dựng phương pháp học tập phù hợp. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) trong hoạt động trải nghiệm về xây dựng phương pháp học tập phù hợp. Ảnh: NTCC

Trên cơ sở những tổ hợp môn xét tuyển đại học, các trường phổ thông mới có đủ thông tin để tư vấn cho học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, chọn ngành học, trường đại học phù hợp với năng lực, nguyện vọng...

Tham khảo đề án cũ cho chương trình mới

Hầu hết trường THPT đã khảo sát, cho học sinh lớp 12 đăng ký 2 môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây sẽ là thông tin tham khảo để nhà trường chủ động trong xây dựng phương án tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh nhằm đảm bảo chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đầu tiên của Chương trình GDPT 2018.

Trong số 424 học sinh lớp 12 của Trường THPT Sơn Trà (Sơn Trà, Đà Nẵng), có 176 học sinh đăng ký dự thi môn Vật lý, Hóa học 89, Sinh học 21, Tiếng Anh 234, Tiếng Hàn 1, Tiếng Nhật 1, Lịch sử 119, Địa lý 127, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 56, Công nghệ công nghiệp 11 và 8 học sinh chọn môn Tin học.

Thầy Hiệu trưởng Bùi Minh Quảng cho biết: “Việc khảo sát chọn môn chỉ mang tính chất tham khảo, các em còn cơ hội để điều chỉnh lựa chọn cho đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, nhà trường vẫn tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh trong lựa chọn môn đăng ký theo hướng gắn liền với các môn nằm trong tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học. Từ đó, học sinh có thể chủ động lựa chọn các phương án tham gia xét tuyển, tăng cơ hội trúng tuyển đúng với nguyện vọng”.

Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh lớp 12 của Trường THPT Sơn Trà hiện chỉ dựa trên Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường đại học để tham khảo khi lựa chọn các môn gắn liền với tổ hợp xét tuyển. “Dù năm 2025 dự báo công tác tuyển sinh có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nhưng đến thời điểm này, gần như học sinh chủ yếu lựa chọn những tổ hợp truyền thống để đăng ký vì có ít cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh sớm”, thầy Quảng nhận xét.

Với vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô Vũ Thị Hương - Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) chủ động tìm hiểu thông tin về những thay đổi, điều chỉnh trong công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng để có thể nâng cao hiệu quả trong định hướng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

“Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả cô và trò đều lúng túng trong việc lựa chọn thêm 2 môn tự chọn bởi gần như chưa có thông tin gì về tổ hợp môn xét tuyển của các trường đại học. Ngoài phù hợp với năng lực, sở thích, còn phải gắn liền với định hướng nghề nghiệp của các em để tăng hiệu quả trong xét tuyển sinh đại học”, cô Hương cho hay.

Thực tế cho thấy, không ít học sinh có định hướng thi vào các ngành khối kỹ thuật hoặc y học và đã lựa chọn nhóm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để đăng ký theo học từ lớp 10. Thế nhưng, với phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhóm này chỉ có thể chọn 1 trong 2 nhóm môn Vật lý, Hóa học hoặc Hóa học, Sinh học để đăng ký dự thi.

Với trường hợp này, thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam) cho rằng, học sinh cần được tư vấn thêm phương án dự phòng như sử dụng kết quả học bạ THPT, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực... để có nhiều lựa chọn trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh.

khop-noi-cong-tac-tuyen-sinh-2-9859-9765.jpg
Học sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: PV

Chủ động đón đầu

Trường THPT Trần Cao Vân đã phân tích số liệu thăm dò môn tự chọn của học sinh khối 12 để tổ chức dạy - học, ôn tập từ sớm. Với môn Toán và Ngữ văn, nhà trường tăng thêm 1 tiết/tuần ngay từ đầu năm học. Các tổ chuyên môn tập trung xây dựng ngân hàng đề theo cấu trúc đề minh họa của Bộ để học sinh làm quen với dạng câu hỏi mới.

Thầy Nguyễn Văn Tấn cho biết, qua phân tích đề minh họa cho thấy, nếu thầy cô không thay đổi cách dạy, học sinh không nỗ lực trong học tập, ôn luyện thì khó duy trì kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước. Vì vậy, nhà trường quyết liệt yêu cầu giáo viên đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng của đề minh họa để học sinh sớm thích ứng, điều chỉnh cách học ngay từ đầu năm.

Cũng theo thầy Nguyễn Văn Tấn, dự kiến, phương án tuyển sinh của các trường đại học năm 2025 có nhiều thay đổi. Nếu thi tốt nghiệp THPT với 6 môn như trước đây, học sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên đồng nghĩa có ít nhất 7 tổ hợp truyền thống để xét tuyển.

Trong khi đó, theo phương án 2+2, thí sinh chỉ có 1 - 2 tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Ví dụ, thí sinh chọn 2 môn lựa chọn là Hóa học, Sinh học thì chỉ có 1 tổ hợp là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học). Nếu học sinh chọn Tiếng Anh, Vật lý thì có 2 tổ hợp là D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). Thậm chí, một số tổ hợp xét tuyển sẽ không còn nữa, ví dụ tổ hợp D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh).

Trong khi đó, với học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh vào các trường đại học tốp đầu như khối ngành Sức khỏe, Thương mại... thường tập trung ôn luyện từ khá sớm chứ không phải đợi đến thời điểm làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT mới bắt đầu bứt tốc.

“Vì vậy, học sinh, phụ huynh và cả nhà trường đều mong muốn các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh đại học để trường phổ thông có những điều chỉnh kịp thời trong tổ chức dạy - học cũng như xây dựng phương án tổ chức ôn tập sớm, hiệu quả”, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân bày tỏ.

Trần Uy - học sinh lớp 12/13, Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Học viện Biên phòng. Uy cho biết: “Em không biết năm nay, khối các trường quân sự có điều chỉnh gì trong tuyển sinh hay không. Thế nên, em vẫn dựa vào các tiêu chí xét tuyển của năm 2024 để xây dựng mục tiêu học tập”.

Theo đó, Uy đang nỗ lực cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố sắp tới đây với mục tiêu ít nhất là giải Ba ở môn Địa lý. Ngoài ra, Uy cố gắng phấn đầu học đều các môn để đáp ứng điều kiện 5 học kỳ có kết quả học tập loại giỏi và tập trung cho 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Trường THPT Sơn Trà chủ động cập nhật các thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học để gửi cho giáo viên chủ nhiệm chuyển đến cho học sinh và phụ huynh tham khảo. Tuy nhiên, theo nhận xét của thầy Hiệu trưởng Bùi Minh Quảng, hiện rất ít trường đại học công bố phương án tuyển sinh sớm.

Trong khi đó, các trường công lập tốp đầu những năm gần đây đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học bạ THPT. Vì vậy, so với các khóa trước, học sinh lớp 12 năm nay khá bị động trong việc định hướng, lựa chọn môn thi và cả phương án xét tuyển sinh đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.