Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Học sinh lựa chọn môn thi ưu thế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, nhiều nhà giáo, phụ huynh, học sinh đã bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ.

Thí sinh nghe phổ biến nội quy tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tại Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh minh họa.
Thí sinh nghe phổ biến nội quy tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tại Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh minh họa.

Rà soát nhu cầu của học sinh

Thầy Chu Hồng Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa, rất đồng tình và bày tỏ quan điểm của mình sau khi Bộ GD&ĐT công bố quyết định các môn thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Thầy Văn cho rằng, tất cả những quyết định để Bộ GD&ĐT ban hành quyết định các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, là đã được xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Điều này, sẽ rất thuận lợi cho học sinh, cũng như nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và toàn xã hội.

Về phía nhà trường, phải dựa trên quan điểm của Bộ đã ban hành, để có phương án khẩn trương rà soát lứa học sinh (đang học lớp 10 và 11) đáp ứng được, thực hiện được hiệu quả nhất khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào năm 2025 đạt hiệu quả cao nhất.

“Trường THPT Đào Duy Từ đang chuẩn bị cho rà soát xem nhu cầu 2 môn lựa chọn thêm như thế nào, để thích ứng. Bởi lẽ, ngoài 2 môn Văn, Toán bắt buộc, còn 2 môn tự chọn trong kỳ thi là những môn nào chiếm đa số học sinh lựa chọn, để thích ứng cho các em”, thầy Chu Hồng Văn chia sẻ.

Thầy Chu Hồng Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Thầy Chu Hồng Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, hiện nhà trường đang triển khai, bố trí chuẩn bị tất cả các nguồn lực để mà đạt hiệu quả cao nhất. Cán bộ, giáo viên nhà trường rất đồng tình với quyết định của Bộ, vì như vậy sẽ giảm số môn phải bắt buộc thi, giảm áp lực cho học trò. Đồng thời, học sinh lựa chọn cho mình những môn thi ưu thế nhất đối với từng em.

“Nhà trường đang khẩn trương rà soát đối với học sinh khối lớp 11, xem nhu cầu 2 môn tự chọn là những môn nào và tập trung cao độ để thích ứng cho học sinh khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, thầy Văn nói.

Là phụ huynh có con gái đang học lớp 11, chị Hoàng Thị Thanh, ở TP Thanh Hóa, bày tỏ quan điểm: “Khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, tôi cảm thấy rất mừng. Chúng tôi mừng vì các con tôi sẽ giảm áp lực học hành và chúng có quyền lựa chọn cho chính mình những môn học phù hợp.

Cũng theo chị Thanh, so với từ trước đến nay, mỗi khi các cháu thi tốt nghiệp THPT, mà phải thi 6 môn, thì quả là rất áp lực. Các cháu bị áp lực học hành từ cấp 1 rồi chứ không phải chỉ riêng cấp 3.

“Cả một quãng thời gian 12 năm, các cháu phải căng mình lên để học ở trường buổi sáng, học thêm buổi chiều rồi học thêm ở câu lạc bộ, học thêm ở nhà thầy, cô giáo mà không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Vì vậy, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh giảm các môn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh từ năm 2025 trở đi là rất đúng và được các bậc phụ huynh, học sinh và xã hội đồng tình”, chị Thanh chia sẻ.

Không được phép coi nhẹ môn ngoại ngữ

Cô giáo Hà Thị Khuyên, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cho rằng; ngoại ngữ là một môn học rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng toàn cầu hoá hiện nay. Nhờ học ngoại ngữ mà chúng ta có thể chủ động tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại.

Khi đã có trình độ giỏi, người ta sẽ tự tin hơn khi giao tiếp với người ngoại quốc, sẵn sàng hợp tác, trao đổi nhân lực một cách hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế… Hay đơn giản chỉ là hiểu được hướng dẫn sử dụng các vật dụng, các thiết bị bằng tiếng nước ngoài…

"Trong Chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ 1 là một trong 6 môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12 (tự chọn đối với lớp 1, lớp 2). Điều đó cho thấy, sự nhìn nhận đúng đắn của Đảng, Nhà nước về vị thế, vai trò của môn ngoại ngữ đối với hệ thống giáo dục và với toàn xã hội", cô Khuyên nói.

Cô giáo Hà Thị Khuyên đang hướng dẫn cho học trò của mình cách học chữ Thái. Ảnh: TL

Cô giáo Hà Thị Khuyên đang hướng dẫn cho học trò của mình cách học chữ Thái. Ảnh: TL

Theo cô Khuyên, khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp từ năm 2025 (bắt đầu với lứa học sinh đầu tiên của Chương trình 2018) là “Toán, Văn cộng hai”, trong đó, ngoại ngữ 1 không còn là môn thi bắt buộc, cho thấy đây là quyết định phù hợp.

Bởi lẽ, ngoại ngữ là một môn học bắt buộc, có quy định, hướng dẫn cụ thể về chương trình, mục tiêu, yêu cầu và kiểm tra đánh giá. Học sinh được tiếp cận trong một quá trình dài từ Tiểu học đến THPT, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

“Nếu việc dạy học, kiểm tra đánh giá diễn ra nghiêm túc, đảm bảo các quy định, thì học xong lớp 12, các em hoàn toàn đủ năng lực để giao tiếp và vận dụng các kĩ năng cơ bản khác phục vụ công việc. Không còn là môn thi bắt buộc, sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Giai đoạn lớp 10-12 là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động. Vì thế, học sinh cần được ưu tiên các môn học phù hợp với sở trường, nguyện vọng”, cô Khuyên nêu quan điểm.

Cô giáo Hà Thị Khuyên cũng cho rằng, không bắt buộc thi môn ngoại ngữ, nhưng những em nào cảm thấy mình có năng lực, có đam mê và định hướng nghề nghiệp liên quan đến ngoại ngữ, thì vẫn có thể đăng kí dùng ngoại ngữ để thi trong nhóm “cộng hai”, tức là môn tự chọn.

“Không nằm trong nhóm các môn thi bắt buộc, nhưng không có nghĩa là không học và không cần phải học ngoại ngữ. Như đã nói ở trên, ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc. Hơn nữa với những học sinh nào có ý định học các bậc học cao hơn nữa, thì dù không chọn thi tốt nghiệp các em vẫn cần phải học ngoại ngữ, không được phép coi nhẹ môn học này vì ở các trường cao đẳng đại học, số tín chỉ, số kì học không hề ít và yêu cầu đầu ra môn học này không hề dễ”, cô Khuyên phân tích.

"Tôi là một giáo viên, đồng thời cũng là phụ huynh (có con đang học Tiểu học và THCS). Trước quyết định “Toán, Văn cộng hai” của Bộ GD&ĐT, tôi không nặng nề chuyện bắt buộc thi hay không thi. Bởi lẽ, tôi muốn con mình dùng ngoại ngữ làm một trong những phương tiện để biết, để làm, để chung sống, để khẳng định mình.

Học ngoại ngữ phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, chứ không phải học để thi. Tôi vẫn động viên, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để con học môn học này”, cô giáo Hà Thị Khuyên, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.