Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Sáng suốt khi lựa chọn môn thi

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia 2016, ngoài 3 môn thi chính bắt buộc thí sinh sẽ được tự chọn các môn còn lại. Đến thời điểm này, thống kê sơ bộ từ một số Sở GD&ĐT trên toàn quốc, nhiều thí sinh chọn môn Địa lý, và cũng có nhiều thí sinh đang băn khoăn với việc có nên lựa chọn nhiều môn thi không.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Sáng suốt khi lựa chọn môn thi

Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh cho rằng: Thí sinh phải cân nhắc chọn môn tương ứng để vừa đảm bảo tốt nghiệp THPT nhưng cũng dùng kết quả đó để xét vào trường ĐH, CĐ một cách hiệu quả. Lựa chọn 5 môn thi là hợp lý nhất, còn nếu thí sinh có sức học tốt hơn thì có thể chọn 6 môn, chọn 7 - 8 môn là quá nhiều.

Nhiều thí sinh chọn môn Địa lý

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân, kết quả khảo sát ban đầu từ 10.000 học sinh lớp 12 có đăng kí khảo sát chất lượng THPT năm 2016. Số liệu thống kê cho thấy, số học sinh đăng kí tự chọn môn Địa lý cao nhất là 4.162 em (chiếm tỷ lệ 45,46%), tiếp sau đó là môn Vật lý với 2.658 học sinh (tỷ lệ 29,03%), môn Hóa đứng thứ 3 với 1.659 học sinh (tỷ lệ 18,12%), tiếp sau là môn Sinh có 501 học sinh (tỷ lệ 5,47%) và môn Sử có 219 học sinh (tỷ lệ 2,39%).

Nhận định về việc này, Giám đốc Hoàng Minh Quân cho rằng, đây mới chỉ là khảo sát, chưa phải là số liệu chính xác, nhưng con số này cũng nói lên phần nào nguyện vọng cũng như tính toán của các em, nó cũng phù hợp với tình hình dạy và học của nhà trường và địa phương.

Còn ở Kon Tum, một tỉnh Tây Nguyên, được biết tỉnh này vừa khảo sát sơ bộ số lượng học sinh của các trường THPT trên địa bàn (chưa kể thí sinh tự do và thí sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên) dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 này.

Kết quả thống kê ban đầu cho thấy, số học sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Địa lý chiếm số lượng nhiều nhất với khoảng 48%, tiếp đến là môn Hóa học (37%), tiếp sau đó là các môn có số lượng học sinh đăng kí thấp hơn là Lịch sử và Sinh học. Trong đó, số thí sinh đăng kí xét tuyển vào đại học khoảng 65% và số thí sinh chọn thi một mục tiêu chỉ xét tốt nghiệp là 35%.

Nhận định của nhiều nhà trường và các chuyên gia tuyển sinh cho thấy, đến thời điểm này, cho dù các địa phương chưa có con số thống kê cuối cùng nhưng thông tin từ một số Sở GD&ĐT và các trường THPT cho thấy nhiều học sinh đang nghiêng về lựa chọn môn địa lý và cũng có nhiều em tính đến việc chọn thi nhiều môn hơn để tăng khả năng trúng tuyển.

Lý giải về việc nhiều thí sinh lựa chọn môn Địa lý, các chuyên gia thi cho rằng, môn Địa lý có khả năng được điểm dễ hơn các môn khác khi chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, cùng với những hiểu biết về xã hội và những biến chuyển thời sự vì những năm nay đề thi này có được ra theo hướng mở. Còn việc thí sinh lựa chọn nhiều môn, đây là tâm lý chung vì các em hy vọng tăng thêm khả năng trúng tuyển khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Có nên chọn nhiều môn thi

Đến thời điểm này, theo khảo sát từ một số trường cho thấy, thí sinh có xu hướng chọn nhiều môn để dự thi. Nếu theo như quy chế thi để lấy điểm tốt nghiệp THPT thì thí sinh sẽ phải thi ít nhất 4 môn. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn thêm các môn sao cho không quá 8 môn thi.

Thực tế là có nhiều thí sinh không dừng lại ở 4 môn quy định mà chọn hơn 4 môn thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Ví dụ như những thí sinh có lựa chọn các trường, ngành theo khối D thì các em hay chọn thêm Sử và Địa để tăng thêm cơ hội trúng tuyển khi xét tuyển vào ĐH với cả những ngành, trường khối C.

Ở tỉnh Quảng Ninh, Thạc sĩ Vũ Văn Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, cho biết: Kết quả khảo sát nguyện vọng của những học sinh dự Kỳ thi THPT quốc gia có đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ từ năm trước và năm 2016 này cho thấy, những học sinh có lực học trung bình do tự lượng được sức mình nên chỉ chọn những môn quy định, chỉ có những học sinh có lực học khá, giỏi mới đăng kí thi THPT nhiều môn, tâm lý chung là cũng để nhằm tăng thêm khả năng trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau này.

Thực tế cho thấy, về lý thuyết mỗi thí sinh khi dự thi tốt nghiệp phổ thông là đã được khối D1. Cùng với những môn thi đó, nếu chọn thêm một môn Lý thí sinh sẽ được thêm khối A1, nếu chọn thêm Hóa thì được thêm khối A. Như vậy, nếu chọn tối đa 6 môn, các em đã có 3 khối thi để xét tuyển vào ĐH. Còn với những thí sinh dự thi khối B, trong 3 môn bắt buộc đã có Toán, nếu chọn thêm môn thi là Hóa, Sinh, thí sinh sẽ có các tổ hợp xét tuyển gồm: Toán, Hóa, Sinh; Hoặc Toán, Hóa, Ngoại ngữ…

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng về mặt lý thuyết việc lựa chọn nhiều môn thi sẽ tăng cơ hội tham gia xét tuyển ĐH cho thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần phải cân nhắc kỹ vì nếu dự thi ở nhiều môn thời gian, công sức sẽ nhiều hơn, kiến thức sẽ không còn tập trung mà bị dàn trải vì thời gian ôn thi là có giới hạn, điều này dẫn đến hiệu quả ôn tập thấp, rất có thể điểm thi cho từng môn không cao như mong muốn.

Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh với thí sinh ở Kỳ thi THPT quốc gia này là nên chọn tầm 5 môn là hợp lý vì mới đủ sức ôn luyện thi đạt kết quả tốt. Với những thí sinh chọn đăng kí thi tới 7 - 8 môn chắc có lẽ cũng không nhiều, các em cũng nên biết rằng ôn thi quá nhiều môn như vậy việc không đảm bảo được chất lượng bài thi là hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc cân nhắc, chọn môn làm sao để đủ số lượng môn xét tốt nghiệp và tổ hợp môn xét tuyển ĐH một cách chính xác là cần thiết, nhưng kinh nghiệm cho thấy không phải chọn nhiều môn là cách làm hay tuy về mặt lý thuyết, cơ hội tham gia xét tuyển ĐH sẽ nhiều nhưng thực tế lại chưa hẳn đã như tính toán của các bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ