Lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung lựa chọn thi theo môn

GD&TĐ - Thi theo môn là phương án có thể áp dụng ngay, nhưng Bộ GD&ĐT cần có lộ trình cụ thể để có thể áp dụng các phương án thi theo bài để bắt kịp với xu thế chung của thế giới.

Lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung lựa chọn thi theo môn

Quan điểm này được đại diện lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT miền Trung đồng tình, xuất phát từ thực tiễn giáo dục của địa phương.

Ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế: Thi theo môn là phương án khả thi nhất

Ông Phạm Văn Hùng  

Tổ chức kỳ thi lồng ghép “hai trong một” là hoàn toàn hợp lý. Tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ chủ trương đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT, trong đó có các Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thay Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà Bộ vừa mới công bố.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tế của quá trình dạy và học trong các trường THPT như hiện nay, theo tôi kỳ thi THPT quốc gia nên thực hiện theo phương án 1 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố: Thi theo môn.

Đây là phương án khả thi nhất và có thể áp dụng ngay trong năm 2015. Còn để thực hiện theo phương án 2 thi theo bài với 8 môn và cao hơn là phương án 3 thi theo bài với 11 môn thì cần phải có lộ trình chuẩn bị cụ thể, chi tiết từ Trung ương đến các trường học.

Đặt giả thiết, nếu chúng ta thi theo phương án 2 hoặc phương án 3, điều dễ dàng nhận thấy nhất là: Cả thầy và trò sẽ bị quả tải trong thời gian ôn tập hoặc luyện thi, gây áp lực cả về thể chất lẫn tâm lý cho giáo viên và học sinh.

Mặt khác, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng cho từng ngành chuyên biệt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và thiếu chính xác. Chẳng hạn, để tuyển sinh ngành y hay dược, làm sao các trường ĐH chuyên ngành ấy biết được năng lực thật của thí sinh về hai môn Hóa học và Sinh học trong khi bài thi tích hợp kiến thức những 3 môn (ở phương án 2) và 4 môn (theo phương án 3).

Tuy nhiên trong tương lai, Bộ GD&ĐT nên chọn 1 trong 2 phương án này để bắt kịp với xu thế chung của thế giới.

Từ những ưu, nhược điểm nêu trên, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên chọn phương án 1 là hợp tình, hợp lý và đảm bảo tính công bằng cho học sinh trên mọi vùng miền, nhất là đối với các em ở vùng sâu, vùng xa.

Về công tác làm đề thi, từ thực tế đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua đã thể hiện được tính phân loại cao. 

Giáo viên và học sinh đã dần thích nghi với những đổi mới trong thi cử của Bộ. Do vậy, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu ra đề theo dạng này để làm đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới

Tuy nhiên đề thi có thể nâng cao tính phân loại hơn một chút, để học sinh có học lực trung bình đỗ tốt nghiệp THPT còn học sinh khá đỗ vào CĐ, khá giỏi trở lên vào ĐH.

Song để các em học sinh thích ứng với những đổi mới trong thi cử, hơn bao giờ hết giáo viên phải chủ động không ngừng đổi mới phương pháp dạy và phải thực hiện đổi mới ngay từ lúc này.

Nếu như lúc này giáo viên vẫn còn chần chừ và chờ đợi các khóa huấn luyện, đào tạo hoặc là những hướng dẫn từ Bộ, từ Sở GD&ĐT mới thực hiện đổi mới phương pháp dạy thì sợ rằng chính ban thân giáo viên cũng như là các em học sinh sẽ không bắt kịp với những lộ trình đổi mới của ngành Giáo dục.

Ông Dương Bình Luyện - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Phú Yên): Thực tế dạy học ở trường phổ thông có thể đáp ứng ngay với phương án 1

Ông Dương Đình Luyện 

Tôi nghĩ rằng tổ chức thi theo phương án 1 sẽ là hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay và có thể triển khai ngay trong năm 2015. Với yêu cầu và thực tế triển khai dạy học ở các trường phổ thông hiện nay có thể đáp ứng ngay đối với phương án 1.

Phương án này, cùng việc phát huy tiếp hướng đổi mới ra đề thi như năm 2014, vẫn sẽ có những chuyển biến tích cực đảm bảo mục tiêu đặt ra của kỳ thi quốc gia.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa qua đã có sự thay đổi so với trước đây khi Bộ GD&ĐT thực hiện phương châm “học gì thi đó”, cho học sinh tự chọn môn thi. Cách thi này bước đầu nhận được nhiều sự đồng tình của học sinh, giáo viên và xã hội.

Theo phương án 1, hầu hết các thí sinh sẽ đáp ứng được các nội dung mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng để tốt nghiệp THPT.

Các học sinh có học lực từ trung bình khá trở lên sẽ đáp ứng được yêu cầu các nội dung ở mức độ vận dụng cao để có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.

Triển khai thi theo phương án 1 sẽ ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý cho giáo viên, học sinh. Với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc là phù hợp, bởi một học sinh tốt nghiệp THPT cơ bản phải nắm vững kiến thức 3 môn này.

Riêng môn tự chọn, thí sinh chọn môn thi theo thế mạnh, phù hợp với ngành nghề và trường mà mình chọn thi.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Phương án thi theo môn phù hợp với các địa phương

Ông Nguyễn Xuân Trường 

Tôi đã nghiên cứu kỹ dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT và thấy rằng, trong 3 phương án lựa chọn môn thi, trong thời điểm hiện nay, phương án 1 phù hợp hơn cả với các đia phương nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Phương án 1 thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí…

Thực tế cho thấy, phương án này, trước mắt đáp ứng được nôi dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như tâm lí chung của giáo viên, học sinh và phụ huynh hiện nay.

3 môn thi bắt buộc là những yêu cầu kiến thức, kĩ năng cần phải đạt của bất cứ học sinh nào sau khi học xong chương trình phổ thông (những môn thi này có tính chất bắt buộc dù có tổ chức thi hình thức nào chăng nữa).

Môn thi tự chọn để phát huy được năng khiếu sở trường của cá nhân từng học sinh, tạo cơ hội để các em phát huy được năng khiếu, sở trường mỗi cá nhân.

Riêng với phương án coi thi, chấm thi, địa điểm tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ. Riêng chấm thi sẽ thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền - đó là phương án hợp lý.

Ông Phan Thanh Bắc - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Trị: Đội ngũ giáo viên là yếu tố cốt yếu thực hiện đổi mới thi 

 Ông Phan Thanh Bắc

Trong 3 phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra, tôi đồng tình và nhất trí cao hơn với phương án 2. Bởi vì nó gần với những cuộc thi tổ chức trước đó mà vẫn đảm bảo sự đổi mới cách dạy và học.

Các phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra hay, phù hợp với xu thế chung của các nước có nền giáo dục phát triển. Trong thời gian tới chúng ta triển khai quyết liệt Nghị quyết 29 cho nên cách thức chuyển từ dạy học nặng về truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất người học rất quan trọng.

Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách thức dạy, cách thức học, cách thức kiểm tra đánh giá và thi là một khâu rất quan trọng.

Việc đưa môn Ngoại ngữ vào chương trình thi bắt buộc là cần thiết bởi trong thời đại ngày nay, học sinh phải có ngoại ngữ để hội nhập với thế giới. 

Nếu không có ngoại ngữ, sẽ rất khó khăn để tiếp xúc với nền tri thức rộng lớn của nhân loại. Nếu bắt buộc học sinh học Ngoại ngữ thì các em sẽ cố gắng học nhiều hơn. Điều này phù hợp với Đề án Ngoại ngữ 2020.

Thi theo phương án 2 là rất tốt và có thể triển khai ngay trong năm 2015. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn thì nên triển khai từ năm 2016. Năm 2015 sẽ thi theo phương án 1 để các thầy cô và em học sinh có thời gian làm quen với cách thi, đồng thời đổi mới các dạy cách học để tiếp cận với các phương án thi mới.

Theo tôi, Bộ GD&ĐT phải có sự thống nhất ngay sau khi lấy ý kiến của tất cả các tỉnh và đại biểu và phải có lộ trình cụ thể càng sớm càng tốt để hướng dẫn, đào tạo giáo viên và học sinh thực hiện.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố cơ bản và cũng là khó khăn nhất hiện nay để triển khai thực hiện các phương án đổi mới thi. Lâu nay chúng ta theo phương pháp và lối học cũ nên khó tiếp cận nhanh với các phương án này. 

Để đổi mới phương pháp dạy và học, cần phải có sự thay đổi về nhận thức của tất cả giáo viên và học sinh, đồng thời phải có những lớp tập huấn để các giáo viên thay đổi cách dạy của mình.

Việc tổ chức thi nên đưa về từng vùng và tập trung ở các thành phố lớn. Các thành phố lớn có nhiều kinh nghiệm tổ chức thi đại học vào những năm trước nên sẽ không khó khăn để tổ chức một kì thi quốc gia chung. Việc tổ chức thi đưa về từng cụm sẽ tốt hơn, sẽ chất lượng hơn là để cho trường tự tổ chức.

Việc chấm thi thì không phức tạp lắm mà chỉ phức tạp khi làm bài thi tổng hợp. Tuy nhiên, nếu học sinh được rèn luyện kĩ năng làm bài những môn này trong một thời gian ngắn thì sẽ không quá khó khăn để thực hiện.

Trên cơ sở kết quả của Kỳ thi quốc gia, tùy thuộc tính đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: Sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung... theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tôi đồng tình với việc tổ chức một kì thi quốc gia chung, không chỉ tiết kiệm chi phí tổ chức mà còn tác động lại, đổi mới việc dạy học.

Tuy nhiên, vì chỉ còn một kỳ thi quốc gia gắn với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng) nên kỳ thi phải thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Bộ GD&ĐT cũng cần phải tính toán kỹ để đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng.

Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa: Phương án 1 - Bước đệm quan trọng, phù hợp để thực hiện một kỳ thi quốc gia.

Lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung lựa chọn thi theo môn ảnh 5Ông Lê Tuấn Tứ 

Trong 3 phương án về kỳ thi THPT quốc gia trong Dự thảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, tôi thấy phương án 1 là khả thi nhất trong điều kiện hiện nay, gần gũi nhất với cách tiếp cận kiến thức và phương thức kiểm tra đánh giá của học sinh lâu nay.

Cách đổi mới ra đề thi như kỳ thi THPT năm 2014 vừa qua rất tốt. Các khâu tổ chức kỳ thi, kết quả của kỳ thi được người trong và ngoài ngành Giáo dục, dư luận xã hội đánh giá cao. Đặc biệt điều mà kỳ thi đó mang lại là làm thay đổi ý thức của mọi người về một kỳ thi quan trọng của bậc học phổ thông.

Trước mắt thi theo phương án 1, để khi áp dụng chương trình mới, điều kiện đã chín muồi sẽ chuyển qua kỳ thi 2 trong 1. Phương án 1 là bước đệm quan trọng và hợp lý để chuyển đổi kỳ thi theo hướng đột phá, thay đổi về chất.

Về hình thức coi thi, chấm thi, tôi hoàn toàn đồng ý với phương thức mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Vì kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng cho tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ nên tổ chức coi thi vùng, chấm thi vùng là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên cũng cần có những ngoại lệ cho các vùng đặc thù về địa hình – cần tổ chức những điểm thi riêng.

Thành phần gồm lãnh đạo các Sở GD&ĐT, đại diện các trường ĐH, CĐ, lãnh đạo các trường THPT để đảm bảo tính khách quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.