Nó giống như cuộc đời “xanh tươi”. Thực tiễn không thể bao trọn trong một vài từ.
Đầu tàu tạo nên cảm xúc hạnh phúc
Đã bao giờ bạn nhận ra cảm xúc của Hiệu trưởng chi phối cảm xúc của cả một ngôi trường không?
Tôi chia sẻ lại những câu chuyện thế này:
Chuyện thứ nhất: Cách đây 4 năm, tôi làm trưởng đoàn khảo sát đến làm việc tại một trường cấp 2 (THCS). Trong khi tôi đang “tám chuyện” dạy học với các thầy cô ở đây thì một giáo viên nhác thấy thầy Hiệu trưởng đi đến. Thế là không khí “tám chuyện” lắng hẳn. Ngày hôm sau, tôi quan sát, lũ trẻ đang chơi ở sân trường. Khi thầy Hiệu trưởng đi qua chúng đứng lại, cúi người chào thầy. Khi thầy đi xa xa, tôi nghe thấy chúng “xì xào” oán trách!!! (kiểu như đang chơi vui, thì lại phải chào…).
Chuyện thứ hai: Phong trào viết tâm thư gửi học trò được hưởng ứng. Nhiều Hiệu trưởng viết tâm thư rồi đăng lên mạng xã hội. Tôi có hỏi một số bạn học trò tôi quen rằng bạn có đọc bức thư đó không. Có nhiều em lắc đầu. Em có dùng mạng xã hội đâu! (Thực ra là có dùng, nhưng em không đọc). Hiệu trưởng viết lên đó cho những người kết bạn với Hiệu trưởng đọc chứ có phải bọn em đâu. Bình thường, chỉ thấy thầy đến lớp em phê bình!!!
Chuyện thứ ba: Trong một cuộc khảo sát khác, tôi có hỏi các em học sinh mô tả về những cảm xúc của Hiệu trưởng mà em chứng kiến. Có không ít học sinh mô tả được nụ cười của Hiệu trưởng, lúc nào Hiệu trưởng vui. Nhớ về Hiệu trưởng chỉ thấy các em dùng từ “Uy nghiêm” là nhiều. Có em còn dùng từ “Hắc”.
Để hạnh phúc luôn hiện hữu
Một ngôi trường ở ngoại thành, chỉ mấy năm trước, nhắc về nó là nhắc đến những vụ “ẩu đả” và tỉ lệ học sinh “cá biệt” luôn ở mức cao. Người ta kể rằng, trường cạnh đường quốc lộ, có xóm đường tàu. Cha mẹ, anh chị các em học sinh đã quen “chạy chợ”, sống cùng tệ nạn. Thế nên, bọn trẻ đến trường mà không tin “có sự yêu thương từ sách vở”. Có những buổi học chưa tan, tụi nhỏ được hò, được gọi, để vác côn, vác gậy đi “chiến”.
Nhiều giáo viên được biên chế vào trường, chỉ vài năm phải xin chuyển công tác bằng được. Thế mà bây giờ, sân trường này tíu tít tiếng hò reo của tụi nhỏ. Chúng đá bóng, chúng chơi cầu. Hầu hết trẻ học hết lớp 9 thì mong muốn và được lên học lớp 10. Đấy là sự chuyển biến rất lớn, từ chỗ “chán học, không muốn cho con đi học” của người dân đến chỗ “yêu trường, muốn đi học” của tụi nhỏ. Các thầy các cô kể rằng: Đi học cấp 3 rồi, thỉnh thoảng chúng lại về trường, nhất là ngày 20/11. Chúng còn về tổ chức hoạt động cho các em khóa dưới. Vui lắm!
Bí quyết của sự thay đổi là gì? Đó là khi nhà trường ấy tổ chức nhiều hoạt động cho bọn trẻ. Ngoại khóa và các câu lạc bộ để tụi nhỏ thấy yêu trường, thích đến trường, rồi từ đấy mới ham học. Mới đây, họ khoe rằng, chúng tôi đã tổ chức thành công ngày hội tiếng Anh, sắp tới sẽ là Toán và Khoa học. Và khi các thầy các cô làm được nhiều việc cho trường, giống như ươm cây đến khi hoa nở, mà phải rời xa thì tiếc như đứt từng khúc ruột. Nên họ gắn bó ở lại đây.
Một ngôi trường tư thục ở nội thành thì muốn làm điều gì đó để cha mẹ các học sinh gắn bó với con mình hơn. Họ đã thấy “sự đầu tư tiền” không thể đủ để mang đến hạnh phúc cho tụi nhỏ. Thế là họ đổi mới việc sinh hoạt. Cha mẹ là người tổ chức trải nghiệm nghề cho lớp học của con mình. Tôi nhớ ngày được chứng kiến, người cha là một kĩ sư xây dựng, mặc nguyên bộ đồ công trường và mang thêm những bản đồ, thiết bị đến lớp của con. 30 phút chia sẻ về công việc của mình, khiến anh toát mồ hôi. Anh nói rằng, lần đầu đứng ở lớp học thuyết trình, anh lo lắng. Còn lũ trẻ, nhất là cô bé con của anh, ngoài sự ngạc nhiên vì thêm sự hiểu biết, còn “chạm tay” thêm một lần nữa vào người thân của mình. Sự gần gũi, sự tự hào, sự chia sẻ… Ta có thể bảo nhau “hạnh phúc” đang ở đấy.
Ai đó vẫn nghi ngờ, vẫn căn vặn rằng tôi “ấu trĩ” khi mơ đến trường học hạnh phúc. Tôi nào có thể dùng lí luận để giãi bày. Tôi chỉ tận mắt thấy, nếu trường học với đội ngũ của mình có thể tự làm được những việc khiến người ta nhìn thấy sự thay đổi. Những bông hoa nở, cây xanh được trồng, lớp học sạch sẽ, góc đọc sách, cột bóng rổ, ô chơi cầu lông… Chỉ những thứ đó được hiển hiện, thì cũng giống như ngôi nhà có bàn tay người chăm đầy yêu thương, tự thấy muốn ở đó, muốn đến đó. Còn như trên tôi kể, có nhiều nơi đã làm được để vẫn những người ở đó, họ “phát hiện” ra mình đang có hạnh phúc. Hạnh phúc là phải làm, phải thay đổi nhãn quan để cảm nhận được. Là niềm tin, rằng “trường học hạnh phúc” quan trọng, cho học sinh ngày nay, cho xã hội tương lai.