Từ những điều giản đơn
Chúng tôi đến trường THPT Mộc Lỵ trong chuyến công tác của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại Sơn La. Xuất hiện cùng đội ngũ giáo viên đón đoàn có 2 học sinh cầm theo máy ảnh chụp ảnh khiến chúng tôi khá bất ngờ.
Em Vũ Tuấn Anh, lớp 11A3 (một trong 2 học sinh nói trên) chia sẻ: “Em ở đây để chụp ảnh lưu niệm cho phòng truyền thống của trường. Nhà trường luôn khuyến khích chúng em vừa học tập, vừa khám phá, rèn luyện các kỹ năng mở mà mình yêu thích. Việc chụp ảnh với chúng em cũng là đam mê”.
Theo thầy Nguyễn Minh Hải, Hiệu trưởng nhà trường: Để giúp học sinh phát huy tối đa năng khiếu, bồi dưỡng niềm say mê học tập, khám phá khoa học, đơn vị đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) học tập. Đơn cử như: CLB Tiếng Anh, Toán học… Bên cạnh đó, các CLB rèn kĩ năng sống đã góp phần trang bị những kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Cũng theo thầy Hải, việc tổ chức các Hội nghị Đối thoại giữa đoàn viên thanh niên với Hiệu trưởng được nhà trường duy trì thường niên. Qua các buổi sinh hoạt cởi mở, dân chủ đã tạo cơ hội để học sinh nhà trường được nói lên tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Từ đó, giúp trường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để kịp thời có những định hướng, giải pháp kịp thời.
Trong các giờ chào cờ hoặc sinh hoạt tập thể, trường luôn dành ít nhất 20 phút để tổ chức diễn đàn “Điều tôi muốn nói”. Tại đó, học sinh sẽ chọn chủ đề muốn chia sẻ với các bạn, sau đó trao đổi với học sinh toàn trường. Cứ thế, những chủ đề về tình yêu, tình bạn, bạo lực học đường, ma túy… lần lượt được chia sẻ.
“Diễn đàn “Điều tôi muốn nói” chính là cơ hội để học sinh phát triển những kỹ năng như: Giao tiếp, thuyết trình bằng chính tiếng nói, suy nghĩ của mình. Từ đó, thầy cô, phụ huynh sẽ lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng các em hơn” – thầy Hải nói.
Bên cạnh đó, trường đã đầu tư xây dựng sân chơi thể thao cho học sinh tập luyện, vui chơi. Những sân chơi này là nơi mở ra cơ hội rèn luyện thể chất, trải nghiệm nhiều bộ môn thể thao. Qua đó, tạo nên bầu không khí tích cực, vui vẻ trong mọi hoạt động học tập, khám phá.
“Đoàn trường đã tổ chức cuộc thi “Mộc Lỵ Got Talent”. Đây là sân chơi thú vị và được học sinh hào hứng tham gia, bởi ở đó các em thể hiện những năng khiếu của bản thân và được tỏa sáng”, thầy Trần Văn Quốc – Bí thư Đoàn trường THPT Mộc Lỵ nói.
“Tại trường THPT Mộc Lỵ, chúng em được khám phá, được chơi những môn thể thao yêu thích và nói lên suy nghĩ của mình, hạnh phúc đơn giản chỉ thế thôi” – em Vũ Tuấn Anh tâm sự.
Hạnh phúc khi ... được là chính mình
Theo thầy Hải, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc với học sinh và giáo viên thì cần phải thay đổi. “Cá nhân tôi xác định mình phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Không giao khoán hoàn toàn nhiệm vụ cho cấp dưới. Bởi thế, mình luôn phải công tâm, thân thiện và thường xuyên quan tâm, chia sẻ với khó khăn cả trong công việc và đời sống riêng của mỗi giáo viên”, thầy Hải chia sẻ.
Nói về việc thay đổi, thầy Hải cho biết, bản thân mình cũng đã đổi mới, cải tiến việc chỉ đạo điều hành công việc để giảm tối đa áp lực cho giáo viên, nhân viên. Thay đổi bằng chính việc giảm bớt các cuộc họp không cần thiết. Không đặt nặng hình thức hồ sơ, giáo án của giáo viên mà chú trọng hơn tới hiệu quả công việc.
“Tôi cũng lan tỏa đến toàn bộ giáo viên và học sinh trong trường rằng: Trường học hạnh phúc là nơi mọi người đều muốn đến. Ở đó, thầy cô và học sinh hạnh phúc khi được làm chính mình" - Thầy Hải nói.
Theo chia sẻ của cô Phan Thị Thùy Ninh (giáo viên môn Hóa): “Hạnh phúc nhất khi được là chính mình, được làm việc, cống hiến, hoàn thành những mục tiêu trong một môi trường đoàn kết, thân thiện. Người lãnh đạo luôn biết tạo động lực cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ. Ban giám hiệu trường THPT Mộc lỵ là những người như thế”.
Còn theo cô Nguyễn Thị Hiền (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Mộc Lỵ), hạnh phúc của giáo viên là được sáng tạo, thiết kế những giờ học thú vị hay các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Cũng có thể là những chương trình rèn kỹ năng sống để truyền đạt, lan tỏa đến học sinh.
“Hạnh phúc là cảm thấy mình đang lan tỏa, truyền cảm hứng đến cho học trò. Để rồi được nhìn thấy ánh mắt tỏa sáng của học trò khi phát hiện vấn đề, được tự tin thể hiện mình, đem về những giải thưởng, thành tích cao quý.
Có những lúc tôi thật xúc động khi nửa đêm còn có học sinh nhắn tin: Cô ơi, con thành công rồi. Con đã đạt giải nhất Văn cấp Tỉnh rồi… Suy cho cùng, hạnh phúc, vinh quang của người thầy chẳng phải có được từ lớp lớp học trò đến và đi trong cuộc đời mình đó sao” – cô Hiền chia sẻ.