Thay SGK lớp 2, lớp 6: Nhà trường chủ động, giáo viên sẵn sàng

GD&TĐ - Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới trong năm học 2021-2022, các trường tại Vĩnh Phúc đã chủ động về cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên cũng sẵn sàng tâm thế cho giai đoạn mới.

Sử dụng máy chiếu trong giờ học Tiếng Anh tại Trường THCS Tô Hiệu, TP. Vĩnh Yên.
Sử dụng máy chiếu trong giờ học Tiếng Anh tại Trường THCS Tô Hiệu, TP. Vĩnh Yên.

Ưu tiên nguồn lực

Trường Tiểu học Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm trên địa bàn dân cư đông đúc nên tỷ lệ học sinh/lớp luôn là vấn đề nóng. Tuy nhiên, triển khai Chương trình GDPT mới, nhà trường được tạo điều kiện về cơ sở vật chất để bố trí đủ lớp học, đúng số lượng học sinh/lớp. 

Cô Nguyễn Thị Kim Cúc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm trở lại đây, Thành ủy và UBND thành phố Vĩnh Yên có chính sách ưu tiên phát triển giáo dục. Do vậy, triển khai Chương trình GDPT mới gặp nhiều thuận lợi.  Nhà trường chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cũng như cộng động xã hội về Chương trình, SGK mới.

Nhà trường lựa chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục để tham gia tập huấn và sẽ bố trí dạy lớp 2 năm học 2021-2022. Cơ sở vật chất phục phục vụ cho việc dạy và học cũng được quan tâm, đầu tư từ sở và phòng GD&ĐT. Mỗi phòng học được trang bị máy chiếu, màn chiếu hoặc bảng tương tác. Học sinh được học 2 buổi/ngày. Phòng học đủ tiêu chuẩn cho việc học và bán trú của học sinh.

Giờ học Tiếng Anh tại phòng Lab, Trường THCS Tô Hiệu, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Giờ học Tiếng Anh tại phòng Lab, Trường THCS Tô Hiệu, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Trường THCS Tô Hiệu (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có 21 lớp với 875 học sinh. Năm 2021-2022, nhà trường dự kiến tuyển sinh 6 lớp 6. Thầy Bùi Văn Học – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để triển khai tốt Chương trình GDPT mới, nhất là việc thay SGK  lớp 6, nhà trường đã trang bị đủ số phòng học theo biên chế lớp và trang bị 100% máy chiếu, camera tại các lớp học. Về đội ngũ giáo viên, nhà trường đã dự kiến giáo viên giảng dạy lớp 6 năm học tới để tham gia tập huấn. Đến nay, thầy cô đã hoàn thành tập huấn các mô đun 1,2,3 theo quy định.

Về chọn SGK lớp 6, sau khi được nhà xuất bản giới thiệu, tổ, nhóm chuyên môn họp và bỏ phiếu kín về đầu sách của từng bộ môn. Từ đó,  Tổ trưởng Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội đề xuất với hiệu trưởng đầu sách mà tổ đã thảo luận và lựa chọn. Nhà trường họp các tổ trưởng, đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thể để chốt lại các đầu sách và đề xuất với phòng GD&ĐT danh sách chính thức các đầu sách mà nhà trường lựa chọn.

Giáo viên sẵn sàng

Chuẩn bị cho việc giảng dạy SGK lớp 2, năm học 2021-2022, cô Bùi Thị Bích Liên và Phương Lan, giáo viên Trường Tiểu học Liên Bảo chia sẻ: Giống như triển khai SGK lớp 1 năm học 2020-2021, việc lựa chọn SGK lớp 2 năm học 2021-2022 được đội ngũ giáo viên nhà trường trải nghiệm, nghiên cứu rất kỹ. Cùng với đó, giáo viên được tham gia các buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tổ chức. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để hiểu rõ hơn nội dung, chương trình SGK mới.

Các buổi sinh hoạt chuyên môn cũng là dịp để chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên dạy SGK lớp 1 với giáo viên dạy lớp 2 năm học tới. Từ đó, tạo sự liên kết chặt chẽ,  bảo đảm tính liên tục, kế thừa trong quá trình dạy và học. Đồng thời, hạn chế những va vấp, bỡ ngỡ khi triển khai SGK lớp 2 mới.

“Triển khai chương trình GDPT mới, nhiều phụ huynh sẽ gặp khóp khăn bước đầu trong việc hướng dẫn con cái học tập. Tuyên nhiên, với đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm, luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ, phụ huynh hoàn toàn yên tâm”- cô giáo Bích Liên chia sẻ thêm.

Từ trái qua, cô Phương Lan và cô giáo Bùi Thị Bích Liên - Trường Tiểu học Liên Bảo chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ.
Từ trái qua, cô Phương Lan và cô giáo Bùi Thị Bích Liên - Trường Tiểu học Liên Bảo chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ.

Cô Đỗ Thị Bích Hằng giáo viên Ngữ văn – Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội,Trường THCS Tô Hiệu cho biết: Giáo viên được lựa chọn tham gia giảng dạy lớp 6 trong năm học tới là những người có nhiều kinh nghiệm. Thầy cô đã được phổ biến, nghiên cứu những văn bản hướng dẫn và chương trình, SGK mới qua các buổi tập huấn. Đến nay, giáo viên nắm bắt được các nguyên lý cơ bản khi dạy SGK mới; kỹ năng phát huy năng lực học sinh; kỹ năng kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình mới. Đồng thời, hiểu được học sinh theo học SGK mới cần chuẩn bị những gì.

“Trường THCS Tô Hiệu từng dạy thử nghiệm bộ sách V-NEN nên có thuận lợi trong việc triển khai SGK mới. Ban giám hiệu nhà trường luôn sẵn sàng cùng giáo viên đón nhận sự đổi mới. Đặc biệt, bộ SGK mới có nhiều ưu điểm, cập nhật thông tin mới, tạo hứng thú học tập cho học sinh, góp phần củng cố và vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Phụ huynh, học sinh yên tâm với kiến thức chương trình mới sẽ có cấu trúc đề thi, kiểm tra dánh giá phù hợp cho các con” – cô Đỗ Thị Bích Hằng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ