Niềm vui và trăn trở với phổ cập giáo dục mầm non vùng khó

GD&TĐ - Với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, công tác phổ cập giáo dục mầm non của nhiều trường vùng khó ở Thanh Hóa trở nên thuận lợi. Tỷ lệ trẻ ra lớp đảm bảo, cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng khang trang hơn.

Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa) nhận Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2021.
Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa) nhận Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2021.

Điểm sáng của giáo dục vùng cao

Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa) - nơi nuôi dạy và chăm sóc trẻ chủ yếu là con em người đồng bào các tộc người Thái, Mường với tỷ lệ lên tới 80%.

Mặc dù vậy, công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 5 tuổi những năm qua của nhà trường luôn đạt được kết quả tốt. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo, nhất là trẻ 5 tuổi ra lớp luôn đạt 100%, với số trẻ có độ tuổi đi nhà trẻ dao động khoảng trên 30%.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ chơi cho trẻ cơ bản đảm bảo. Hiện nay, Trường Mầm non Thiết Ống có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ. Trong đó, hầu hết các điểm trường đều nằm trên trục Quốc lộ 217, vì vậy giao thông đi lại khá thuận tiện. Hiện, chỉ còn duy nhất điểm trường phải đi đò nằm ở khu Thiết Giang, thuộc vùng khó khăn của xã.

“Từ khi về trường nhận công tác năm 2019, với vai trò là cán bộ quản lý tôi luôn cố gắng chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cũng như tinh thần, để trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 lần 2 năm 2021 và hoàn thành kiểm định chất lượng mức độ 2”, cô Tân chia sẻ.

Theo cô Trịnh Thị Tân – Hiệu trưởng nhà trường, sở dĩ công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đạt kết quả tốt là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Đặc biệt, là sự ủng hộ của nhân dân và phụ huynh học sinh.

Ban giám hiệu nhà trường cũng phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đến từng cán bộ, giáo viên (GV). Ngay từ tháng 8, nhà trường đã phân công nhiệm vụ cho GV cắm bản trực tiếp đến từng nhà điều tra, đối chiếu số liệu…

Học sinh Trường Mầm non Thiết Ống trải nghiệm thư viện sách tại Trường Tiểu học Thiết Ông (Bá Thước, Thanh Hóa).
Học sinh Trường Mầm non Thiết Ống trải nghiệm thư viện sách tại Trường Tiểu học Thiết Ông (Bá Thước, Thanh Hóa).

Cô Tân cho rằng, một trong những thuận lợi nhất của Trường Mầm non Thiết Ống đó là đội ngũ cán bộ, GV của nhà trường hầu hết trẻ tuổi, rất năng động và nhiệt huyết với công việc. GV cũng là người địa phương, nên rất thuận tiện trong giao tiếp, giảng dạy.

Ngoài kết quả được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1 lần 2, Trường Mầm non Thiết Ống còn vinh dự là đơn vị tiên tiến, xuất sắc cấp huyện, nhiều lần vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen.

“Mục tiêu của nhà trường trong thời gian tới, là tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia”, cô Tân nói.

Còn Trường Mầm non thị trấn Mường Lát (Mường Lát, Thanh Hóa) là ngôi trường trọng điểm của huyện vùng biên ở bậc học mầm non. Công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi được nhà trường triển khai từ năm 2013, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song vẫn được nhà trường duy trì tốt cho đến nay.

Theo cô Nguyễn Thị Diễn – Hiệu trưởng nhà trường, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo, nhất là trẻ 5 tuổi ra lớp đúng độ tuổi những năm qua luôn đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ phòng học kiên cố, trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ cũng đảm bảo.

Phòng học khang trang, sạch đẹp tại Trường Mầm non thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa).
Phòng học khang trang, sạch đẹp tại Trường Mầm non thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa).

Công tác chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ luôn được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng. Không chỉ bám sát chương trình, lên kế hoạch sát thực tiễn theo độ tuổi của trẻ, nhà trường còn tạo niềm tin cho phụ huynh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.

“Nhà trường còn giao khoán chất lượng đầu năm học cho từng GV; phối hợp với gia đình, thường xuyên thăm lớp, dự giờ. Tăng cường làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ và tạo mọi điều kiện cho GV tham gia các lớp học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ”, cô Diễn chia sẻ.

Dự kiến, tháng 11 năm nay, Trường Mầm non thị trấn Mường Lát sẽ hoàn thành kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2 và công nhận lại trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Nhưng… còn đó những trăn trở!

Trường Mầm non Trung Thành (Quan Hóa, Thanh Hóa) cũng là ngôi trường nuôi dạy, chăm sóc trẻ 100% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó chủ yếu là Thái, Mường và Mông.

Năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 100%, trong khi đó trẻ có độ tuổi đi nhà trẻ là 34%. Theo cô Phạm Thị Huyền – Hiệu trưởng nhà trường, chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và phụ huynh học sinh.

Đặc biệt, kể từ khi dồn điểm trường xuống còn 3 khu, nhà trường đã tổ chức bếp ăn bán trú, nên chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi chỉ còn dưới 10%.

Điểm trường khu Tân Lập, Trường Mầm non Trung Thành được xây dựng với sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2021.

Điểm trường khu Tân Lập, Trường Mầm non Trung Thành được xây dựng với sự chung tay

hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2021.

Tuy nhiên, đối với công tác phổ cập GDMN, cô Huyền cho rằng, thuận lợi thì ít mà khó khăn còn nhiều.

Cụ thể, khi triển khai công tác điều tra tại các bản, các cô giáo gặp phải muôn vàn khó khăn. Nhiều phụ huynh tự ý thay đổi tên, họ cho trẻ hoặc di chuyển nơi ở liên tục, nên GV phải đi lại nhiều lần. Trong khi chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ phụ trách công tác này hiện vẫn chưa có.

Bên cạnh đó, nhiều bản hiện nay bị điều chỉnh theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ (không còn thuộc vùng khó khăn), nên trẻ ra lớp không còn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi…

“Tâm nguyện lớn nhất của tôi, là huy động được trẻ có độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 100%. Trẻ có môi trường học tập, vui chơi thật khang trang, đầy đủ và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của nhà nước,…”, cô Phạm Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thành (Quan Hóa, Thanh Hóa), nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.