Người cao tuổi hay bị gãy cổ xương đùi
Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân 100 tuổi Hoàng Văn H. ở Nghệ An bị gãy cổ xương đùitrái do trượt chân ngã, vào viện với thể trạng già yếu, các bệnh lý nội khoa kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường.
Sau ngã có biểu hiện đau khớp háng trái và không đi lại được. Các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật thay khớp háng trái bán phần cho bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt.
Đây là một phẫu thuật được tiến hành phổ biến tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh nhân già yếu kèm theo những bệnh lý nội khoa kết hợp thì nguy cơ rủi ro can thiệp sẽ cao hơn cần hội chẩn kỹ càng với những chuyên gia giàu kinh nghiệm trước khi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khánh – Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Người cao tuổi hay bị gãy cổ xương đùi là do các yếu tố như: loãng xương, ít vận động, bị bệnh phối hợp trước đó như tai biến mạch máu não, yếu 1/2 người, hậu quả của cơn thiếu máu não thoáng qua gây mất tri giác tức thời và ngã…
Do đặc điểm giải phẫu của cấp máu vùng cổ xương đùi nên khi gãy các mạch máu nuôi vùng cổ và chỏm xương đùi bị tổn thương, dẫn tới mất khả năng cấp máu nuôi dưỡng, nguy cơ không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi gần như chắc chắn xảy ra.
Chữa trị bằng thay khớp háng
Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn. Nhờ đó bệnh nhân có thể ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ, do vậy giúp vỗ rung, long đờm, hạn chế nguy cơ viêm phổi; giúp xoay trở, chăm sóc người bệnh dễ dàng hơn, tránh loét ở những vùng tỳ đè, đại tiểu tiện dễ dàng hơn…
Tuy nhiên, để có thể phẫu thuật được và phẫu thuật an toàn, bác sĩ cũng như người bệnh và gia đình phải cân nhắc những yếu tố rủi ro và nguy cơ ngoài mong muốn, thậm chí là tử vong trong và sau mổ, như: Thể trạng người bệnh có đủ để phẫu thuật không? có các bệnh phối hợp không (ĐTĐ, FHA, tim mạch…); tiền sử dị ứng với các loại thuốc; nguy cơ của gây tê, gây mê; nguy cơ trong phẫu thuật…
Thực tế và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỷ lệ rủi ro và tử vong nhất định. Nhưng với những trường hợp thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê và phẫu thuật, thay khớp háng vẫn còn khả năng mang lại hy vọng cho người bệnh.
Người bệnh sẽ được vô cảm bằng gây tê tủy sống, hoặc gây mê nội khí quản. Sau khi rạch da đường phía sau ngoài, phẫu thuật viên sẽ bộc lộ khớp háng. Khi mở vào bao khớp sẽ thấy đường gãy ở cổ xương đùi.
Tiếp theo phẫu thuật viên sẽ lấy bỏ chỏm xương đùi rồi doa phần thân xương đùi để phù hợp với loại chuôi khớp háng sẽ thay thế.
Sau khi lắp chuôi thử nếu thấy vận động tốt, khớp vững, có chiều dài chi bình thường, phẫu thuật viên sẽ thay khớp háng bán phần loại có hoặc không có xi măng. Đặt lại khớp háng, kiểm tra độ vững của khớp, tư thế khớp.
Phẫu trường được dẫn lưu kín, hút áp lực âm. Vết mổ được khâu phục hồi phần mềm theo các lớp giải phẫu và băng vô khuẩn.