Những sự cố y khoa
Những sự cố trong ngành Y được nhắc đến trong năm 2018 đã khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế. Tháng 9/2018, sản phụ N. trú tại xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến khám thai tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy.
Trước kết quả được chẩn đoán là “thai 6 tuần tử lưu” người mẹ đã suýt phải phá bỏ thai nhi để bảo toàn tính mạng. Nhưng sau đó, được sự động viên của gia đình, chị N. đã đến khám thai tại Phòng khám Đa khoa Medic (1A Bến Nghé, TP Huế) và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế (51 Nguyễn Huệ, TP Huế). Cả hai nơi thai phụ đều nhận được kết quả hoàn toàn trái ngược. Nhờ việc kiểm tra lại mà gia đình chị N. đã không mất đi đứa con mà mình mong mỏi.
Câu chuyện về người đàn ông ở Bắc Kạn bị quên panh mổ suốt 18 năm là một trong những sự cố hi hữu mà ngành Y tế phải lấy đó là một bài học về những bất cẩn trong phẫu thuật. Khi thấy có triệu chứng đau nhói ở ổ bụng, người đàn ông này đã vào Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám. Kết quả siêu âm các bác sĩ đã phát hiện một chiếc panh dài khoảng 15cm trong bụng.
Bệnh nhân cho biết, trừ lần phẫu thuật đã 18 năm trong lúc ông bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, sau đó ông chưa phải vào viện mổ lần nào nữa. Sau khi phát hiện sự cố, Bộ Y tế đã nhận trách nhiệm và cử kíp bác sĩ do Giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức là phẫu thuật viên chính để thực hiện ca mổ lấy chiếc panh trong bụng bệnh nhân ra.
“Ngay trong vấn đề tiêm chủng cho trẻ cũng có những sự cố đáng tiếc. Bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức lo ngại về nhiễm khuẩn bệnh viện. Trường hợp một bệnh nhân 60 tuổi không may gãy xương đùi, trước đó không sốt, không ho, không khó thở nhưng 3 ngày sau tới viện đã bị sốt, 7 ngày sau suy đa phủ tạng do nhiễm trùng huyết.
Rõ ràng căn bệnh đó là do bệnh viện gây ra. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện không tốt cũng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, vụ việc gây rúng động tại Hòa Bình, chỉ có một chỉ định trong quy trình kiểm soát kỹ thuật sát trùng đường nước RO để chạy thận nhân tạo, nhưng đã để xảy ra sự cố 9 bệnh nhân tử vong, lãnh đạo và bác sĩ phải rơi vào vòng lao lý…”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết.
Bảo đảm an toàn cho người bệnh
Muốn nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao được vị thế chất lượng và hiệu quả của công tác khám chữa bệnh thì an toàn phẫu thuật và an toàn người bệnh là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Tại hội thảo triển khai một số hướng dẫn về an toàn người bệnh, Bộ Y tế đã công bố 3 quyết định chính thức được luật hóa gồm thông tư hướng dẫn về sự cố y khoa; hoạt động xét nghiệm trong khám, chữa bệnh và bộ tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng an toàn phẫu thuật. Ngành Y tế đã thay đổi tư duy từ chỗ phạt những người có sai sót y khoa chuyển sang dự phòng và khuyến khích, động viên khen thưởng trừ trường hợp cố tình mới xử lý, như vậy mới cải tiến chất lượng khám chữa bệnh.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Bộ tiêu chí có 8 tiêu chuẩn về chất lượng được triển khai ở 1.450 bệnh viện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phẫu thuật an toàn, đồng thời xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn về chất lượng phẫu thuật. Điều này sẽ tác động tích cực tới khoảng 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm.
Việc xác định những người hành nghề trong y tế có sai sót hoặc không, các quy định xử lý sai sót y khoa, thành lập hội đồng chuyên môn để xử lý và đặc biệt trong luật cũng đã đưa những điều khoản để có được Nghị định số 22 về bảo hiểm trách nhiệm của người hành nghề. Cụ thể, những người đứng đầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm cho các thầy thuốc trong quá trình hành nghề. Nếu trong quá trình hành nghề có sai sót chuyên môn, không cố ý thì sẽ dùng tiền đó để đền bù cho người bệnh.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế để đưa phác đồ điều trị của thế giới cho các bác sĩ tham khảo; triển khai chương trình đào tạo về sự an toàn của người bệnh, quản lý chất lượng bệnh viện nhằm làm thay đổi tư duy trong các bệnh viện về nâng cao chất lượng và sự an toàn của người bệnh. Bộ tiêu chí đánh giá cũng đã được triển khai và đã được rất nhiều các bệnh viện coi như kim chỉ nam trong chỉ đạo thực hiện. Thực tế tại nhiều bệnh viện đã có sự thay đổi trong các bộ phận tiếp đón, điều dưỡng đặc biệt là khám và điều trị cho người bệnh. Chất lượng tay nghề của các bác sĩ cũng như chất lượng của bộ phận kỹ thuật được nâng cao.