Cậu bé Harris Brown, 2 tuổi sống ở Moray, Scotland đã nhảy lên nhảy xuống trên giường trong lúc mẹ đang dọn dẹp xung quanh phòng. Tuy nhiên sau khi thực hiện vài cú nhảy, cậu bé cảm thấy đau đớn ở chân.
Ngay sau đó, người mẹ đã đưa con trai tới bệnh viện Hoàng gia Aberdeen để chụp X-quang. Kết quả cho thấy xương đùi của cậu bé bị gãy đôi.
Vì chấn thương khá nghiêm trọng nên cậu bé đã phải nằm viện 3 tuần để điều trị. Mẹ cậu bé, cô Emma, 31 tuổi kể lại: “Tôi không hiểu tai nạn đã xảy ra như thế nào, nó thật sự kỳ quái. Thằng bé chỉ nhảy lên nhảy xuống trên giường nhưng khi thằng bé hạ xuống, tôi thấy dáng đi của con có vẻ khác và tôi nghe thấy tiếng "rắc" khá rõ.”
"Ban đầu, thằng bé khóc và hét lên nhưng sau đó lại nín và kêu muốn đi ngủ. Lúc đầu tôi nghĩ con trai bị sốc với cơn đau đột ngột nhưng không ngờ thằng bé lại bị chấn thương nghiêm trọng.”
Các bác sĩ cũng cho biết họ chưa bao giờ thấy ai bị gãy xương vì tai nạn như vậy. Hơn nữa đây là phần xương cứng và lớn nhất trên cơ thể. Gãy xương ở đùi phần lớn chỉ xảy ra trong các vụ tai nạn xe hơi hơn là một trường hợp như này.
Gãy xương là loại chấn thương khá phổ biến đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất là do té ngã dẫn đến gãy xương.
Gãy xương ở trẻ em khác biệt so với người lớn bởi vì xương của trẻ linh hoạt hơn và có lớp vỏ dày hơn. Gãy xương ở trẻ hiếm khi đòi hỏi phải phẫu thuật, chúng chỉ cần giữ yên, ít chuyển động bằng cách bó bột.
Cách sơ cứu khi trẻ bị gãy xương
Khi bạn nghĩ con mình gãy xương, hãy gọi ngay cấp cứu nếu thấy xương xuyên qua da hay nghi ngờ vùng bị gãy ở đầu, cổ hay lưng. Nếu không phải những trường hợp như thế bạn cũng nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Khi trẻ bị gãy xương, trước khi đưa tới trung tâm y tế, bạn có thể đặt trẻ nằm xuống, đặt lên vùng bị thương một miếng gạc hay một miếng vải sạch. Đừng cố gắng vặn xương trở lại vị trí và không nên rửa vùng bị thương.
Nếu bạn không thể nhìn thấy phần xươn gãy, đừng để cho đứa trẻ di chuyển. Bạn có thể thử cắt đi những vùng quần áo xung quanh chỗ bị thương để tìm kiếm chỗ xương gãy. Tuy nhiên, bạn hãy làm thật nhẹ nhàng và cẩn thận để bé không đau đớn thêm.
Quấn đá lạnh hay một miếng gạc lạnh trong một miếng vải và đặt nó lên vùng da bị tổn thương. Điều này sẽ làm cho vùng da ít bị đau hơn. Tuy nhiên, đừng làm điều này với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bởi vì nhiệt độ lạnh có thể tổn hại đến da của trẻ.
Dùng một thanh nẹp để ổn định vùng bị thương cũng là một cách tốt. Bạn đừng nên cho trẻ ăn bất kì đồ ăn thức uống hay thuốc trong trường hợp chúng cần phẫu thuật.