Thầy giáo trường nội trú tâm huyết 'tính mở cải tiến đồ dùng học tập'

GD&TĐ -Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, thầy giáo Lê Thanh Liêm còn là một trong những nhà giáo tiêu biểu trong nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm giới thiệu cho học sinh về sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình
Thầy giáo Lê Thanh Liêm giới thiệu cho học sinh về sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo của mình

Đi đầu trong nghiên cứu

Từng tốt nghiệp chuyên ngành Vật Lý – Tin học, Trường ĐH Cần Thơ, tháng 9/2011 thầy Liêm về dạy học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam (Châu Thành A, Hậu Giang) cho đến nay.

Thầy là một trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, đi đầu trong nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ tốt công tác giảng dạy.

“Trong quá trình dạy học, tôi nhận được những thông tin của học sinh và đồng nghiệp về những khó khăn, trăn trở nhằm thực hiện tốt các chủ đề bài học. Vì thế, tôi muốn giúp họ sử dụng tốt các phương pháp, kỹ thuật và phương tiện dạy học hiệu quả. Một trong những phương tiện không thể thiếu đó là đồ dùng dành cho học tập” – thầy Liêm bộc bạch.

Theo thầy Liêm, nếu phải trang bị đồ dùng học tập cho các trường để phù hợp với từng chủ đề, địa bàn giáo dục thì số tiền đầu tư sẽ rất lớn. Trong khi đó, cách thức tổ chức hoạt động dạy học luôn vận động và đổi mới không ngừng…

Học sinh được quan sát trực quan các sản phẩm phẩm nghiên cứu của thầy giáo Lê Thanh Liêm

Học sinh được quan sát trực quan các sản phẩm phẩm nghiên cứu của thầy giáo Lê Thanh Liêm

“Vậy tại sao chúng ta không xây dựng quy trình cải tiến đồ dùng học tập, để cho mỗi giáo viên và học sinh có thể đem sự sáng tạo của mình làm nên các sản phẩm hữu ích, phù hợp với điều kiện học tập trên chính trường học, địa bàn sinh sống của mình” - thầy Liêm đặt vấn đề, đồng thời cho rằng: Đây chính là “tính mở cho cải tiến đồ dùng học tập”.

Trong số các sáng kiến, sáng tạo của mình, thầy Liêm tâm đắc nhất sản phẩm đo áp suất công nghệ IOT. Với bộ thí nghiệm này, học sinh có thể truy xuất giá trị áp suất khí quyển, áp suất chất lỏng, nhiệt độ và độ ẩm không khí theo thời gian thực.

Đặc biệt, các thông số được hiển thị và điều khiển quá trình lấy số liệu thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các thông số này có thể dùng để vẽ đồ thị khảo sát trong quá trình nghiên cứu hoặc báo cáo chuyên đề.

“Truyền lửa” cho học sinh

Tính đến thời điểm này, thầy Liêm đã cho ra đời hơn 10 mô hình, sản phẩm phục vụ tốt công tác dạy và học. Có những mô hình, sản phẩm đồ dùng dạy học của thầy Liêm đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Điển hình như: Năm 2019, mô hình “Câu lạc bộ Khoa học - Kỹ thuật” nhằm kết nối học sinh giữa các dân tộc đang theo học tại trường cũng như trong huyện và tỉnh Hậu Giang. Qua đó, truyền lửa cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học - kỹ thuật.

Với những cống hiến mình, năm 2019, thầy Liêm đã được nhận Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri. Đây là giải thưởng quốc tế được thành lập từ năm 2015.

Hay như năm 2020, với công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý” của thầy đã được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, thực tế, giúp giáo viên tự ứng dụng công nghệ, tạo ra những bộ đồ dùng phù hợp với mỗi môn học, từng vùng miền khác nhau.

Công trình này thể hiện xu hướng mở trong thiết kế đồ dùng học tập, tạo môi trường, cảm hứng cho giáo viên và học sinh luôn tư duy, sáng tạo để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với môn học. Đây cũng là 1 trong 3 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng cao nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn trao tặng.

Thầy giáo Lê Thanh Liêm và học trò của mình

Thầy giáo Lê Thanh Liêm và học trò của mình

Thầy Lư Xuân Hoan – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam – cho hay, thầy Liêm là một giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề. Thầy có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong dạy học; đặc biệt, thầy có nhiều nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học.

Đơn cử như năm 2021, công trình “Tích hợp công nghệ vào cải tiến đồ dùng dành cho học tập cấp THCS theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” của thầy đã tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận với khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đồ dùng.

Trên cơ sở đó, giáo viên có thể tự truy cập website của dự án để tra cứu các thông tin phục vụ cho quá trình nâng cấp hoặc chế tạo mới thiết bị với chi phí thấp.

Qua đó, giúp học sinh tiếp nhận các kết quả thí nghiệm trực quan và chính xác hơn, làm tăng niềm vui và niềm tin vào kiến thức khoa học, phát triển năng lực tự học, tự chủ của các em. Công trình này của thầy Liêm đã đạt giải ba Quốc gia "Sáng tạo kỹ thuật".

“Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, thầy Liêm còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của trường, được bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh tin yêu, quý trọng” – thầy Hoan thông tin.

Nhận xét về đoàn viên của mình, ông Võ Quốc Thoại – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang – chia sẻ, thầy Liêm là giáo viên trẻ, có nhiều tâm huyết trong giảng dạy cũng như trong phong trào "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học". Thầy có nhiều thành tích xuất sắc trong dạy học và là tấm gương sáng, có ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục, sự nghiệp trồng người của tỉnh Hậu Giang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.