Lan tỏa những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

GD&TĐ - Mới đây, Hội đồng khoa học Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” (gọi tắt là Giải thưởng) đã tổ chức xét duyệt vòng chung khảo. Đây là năm thứ 3, Công đoàn ngành GD Hà Nội tổ chức xét Giải thưởng này.

HS Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) chế tạo quạt – kết quả của đổi mới sáng tạo trong dạy và học
HS Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) chế tạo quạt – kết quả của đổi mới sáng tạo trong dạy và học

Bà Trần Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn ngành GD Hà Nội đã có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh Giải thưởng này.

* Năm 2019 là năm thứ 3 Công đoàn ngành GD Hà Nội tổ chức Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Qua 2 lần tổ chức, Giải thưởng này có hiệu ứng như thế nào đối với đội ngũ nhà giáo Thủ đô – thưa bà?

- Qua 2 lần tổ chức thành công, Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” đã tạo được hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành Giáo dục Thủ đô. Đã có hàng trăm nhà giáo được vinh danh nhận Giải thưởng này. Điều quan trọng là những những đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo đã phát huy hiệu quả trong công tác giảng dạy. Đây cũng là một trong những lý do để chúng tôi tiếp tục tổ chức Giải thưởng lần thứ 3 này.

Sản phẩm được sáng tạo từ lốp xe ô tô hỏng của cô giáo Trường Mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội)
Sản phẩm được sáng tạo từ lốp xe ô tô hỏng của cô giáo Trường Mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) 

Qua theo dõi, chúng tôi thấy Giải thưởng này phát triển đều khắp các nhà trường trong các quận, huyện. Chẳng hạn như các quận: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và huyện Đan Phượng... có nhiều nhà giáo tham dự giải. Như vậy, Giải thưởng này không chỉ phát huy hiệu quả ở ở trường trong khu vực nội thành mà đã lan tỏa sâu rộng đến cấp quận, huyện và đơn vị nhà trường ngoại thành. Qua đó, nhân lên những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo trong các cấp học. Đó là thành công lớn của Giải thưởng.

* Điều mà mọi người quan tâm đó là, những đổi mới, tâm huyết sáng tạo của các nhà giáo đã phát huy hiệu quả như thế nào trong công tác quản lý GD, dạy và học?

Bà Trần Thị Thu Hà

- Khi chúng tôi xây dựng kế hoạch và gửi công văn đến các đơn vị, tại các phòng GD&ĐT và các trường học đã hưởng ứng tích cực. Nhiều thầy cô giáo đã được tôn vinh, biểu dương khen thưởng và họ là những hạt nhân để lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong dạy – học.

Nhiều cán bộ quản lý đã được các nhà trường mời đến để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Các quận huyện không chỉ lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến của địa phương mình mà còn mời các đồng chí đạt giải cao ở các quận, huyện khác về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và giảng dạy. Từ đó, những đổi mới, sáng tạo của các nhà giáo đã được ứng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện của các nhà trường.

 

* Lần thứ 3 tổ chức Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” có những điều chỉnh như thế nào từ kinh nghiệm sau 2 lần tổ chức, thưa bà?

- Điều dễ dàng nhận thấy đó là, ở những năm trước nhiều nhà giáo chưa tự tin đến với Giải thưởng thì đến năm nay, các thầy cô giáo, nhất là đội ngũ GV mầm non đã tự tin hơn rất nhiều. Các báo cáo thuyết trình và những minh chứng của các nhà giáo cũng rõ ràng, mạch lạc và ấn tượng hơn. Các thầy cô cũng tự tin trả lời các câu hỏi phản biện của Hội đồng khoa học. Đồng thời nêu bật được những tâm huyết, sáng tạo đã được thực hiện trong thực tiễn và phát huy hiệu quả như thế nào. Qua đó để các đồng nghiệp tham khảo và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Qua thẩm định các báo cáo thuyết trình của các nhà giáo gửi về cho Ban tổ chức, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các quận, huyện, các trường học đã có những điểm rút kinh nghiệm trong việc chọn người tham gia xét Giải thưởng. Theo đó, năm nay số lượng GV đến với Giải thưởng nhiều hơn đội ngũ cán bộ quản lý.

Sau hai lần tổ chức, chúng tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm từ khâu phát động tổ chức cho đến công tác truyền thông...

* Vậy Công đoàn ngành GD-ĐT có mong muốn gì sau lần tổ chức này?

- Như tôi đã nói, Giải thưởng cũng rất mới, vì thế chúng tôi vừa làm vừa, vừa rút kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ chọn lựa được những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc để vinh danh và trao giải thưởng. Khi chúng ta khen thưởng, động viên kịp thời thì các thầy cô giáo sẽ có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu trong công tác quản lý và dạy học. Mong rằng, sẽ ngày càng có nhiều nhà trường, nhiều phòng GD&ĐT tổ chức Giải thưởng này để tạo nên những nét rất riêng của nhà giáo Hà Nội tâm huyết và sáng tạo.

* Xin cảm ơn bà!

Để Giải thưởng này phát huy hiệu quả trong thực tiễn và ngày càng lan tỏa sâu rộng, thì mỗi nhà giáo tham dự sẽ là hạt nhân trong công tác tuyên truyền. Từ đó nhân lên những cách làm hay, sáng tạo trong các nhà trường. Qua đó, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới của ngành GD”.
Bà Trần Thị Thu Hà 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ