Ấm áp bếp ăn miễn phí cho người nghèo

GD&TĐ - Hơn 8 tháng nay, “Bếp ăn tình thương” - đặt ngay tại trụ sở Hội Chữ thập Đỏ quận 9 (TPHCM) - đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân nghèo, người lang thang cơ nhỡ, học sinh, sinh viên trên địa bàn. “Bếp ăn tình thương” đỏ lửa phục vụ bà con từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần, thực sự lan tỏa tinh thần nhân văn không chỉ riêng trên địa bàn quận 9…

Ấm áp bếp ăn miễn phí cho người nghèo

Chung tay hỗ trợ người nghèo

“Những ai đang mưu sinh trên đường phố như những cô chú bán vé số thì có nơi dừng chân nghỉ mệt dùng bữa cơm vui vẻ với mọi người cùng cảnh ngộ. Hay những cụ ông, cụ bà cũng có thể ghé vô vui vẻ dùng cơm với mọi người” – bà Phạm Thị Hương vui vẻ mở đầu câu chuyện khi nói về hoạt động của “Bếp ăn tình thương” tại trụ sở Hội.

Bếp ăn ra đời từ sự chung tay của Hội Chữ thập Đỏ cùng Hội Doanh nghiệp quận và sự góp sức của nhiều người, phục vụ bà con từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần với từ 100 đến 130 suất ăn/người

Khi mặt trời còn chưa ló dạng, các tình nguyện viên tại Hội Chữ thập Đỏ đã có mặt tại “Bếp ăn tình thương” cùng với các “cộng sự” là những thanh niên, sinh viên trên địa bàn nhặt rau, rửa thịt, kho cá…, chuẩn bị những phần cơm chất lượng cho người già neo đơn, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo trên địa bàn.

Gần 10 giờ trưa, cơm và thức ăn đã được nấu xong. Quán cơm bắt đầu đón những vị khách đầu tiên là công nhân, thợ hồ, người bán vé số. Một số phần cơm được cho vào hộp để các tình nguyện viên mang đến những cụ già, người khuyết tật không thể đi lại. Càng về trưa, khách đến quán càng đông.

Nói về việc hình thành Bếp ăn tình thương, bà Phạm Thị Hương – Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ quận 9 - tâm tình: Bếp ăn ra đời nhằm giúp đỡ phần nào cho những người nghèo qua được những lúc khó khăn trong cuộc sống, là nguồn động viên tinh thần với học sinh, sinh viên, người lao động nghèo, thể hiện tinh thần nhân đạo của những tấm lòng thiện nguyện trong giai đoạn hiện nay, tạo ra tính lan tỏa trong cộng đồng về việc thiện; quan tâm và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn từ bữa cơm hằng ngày. 

Lan tỏa tinh thần nhân ái

Các tình nguyện viên của bếp ăn đang chuẩn bị các suất ăn trong ngày
Các tình nguyện viên của bếp ăn đang chuẩn bị các suất ăn trong ngày 

Khi biết quận sẽ có bếp ăn miễn phí cho người nghèo, cô Đoàn Liệp, một giáo viên về hưu, tham gia rất nhiệt tình. Ngoài giờ dạy ở nhà hay sau khi kết thúc những buổi dạy thêm, cô vẫn tranh thủ thời gian chạy đến bếp ăn để phụ giúp. Không những thế, cô còn kêu gọi học sinh của mình đến làm tình nguyện viên cho bếp ăn. “Tôi thấy cái bếp ăn này rất hay và nhiều ý nghĩa. Người nghèo, người gặp khó còn nhiều lắm. Lo được cho họ một bữa ăn tử tế là vui lắm rồi. Thấy người ta ăn ngon miệng mà mình vui” - cô nói.

Em Hồng Loan, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông, cùng nhóm bạn của mình đến phụ bếp ăn vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Loan cho biết việc đến đây làm tình nguyện cũng là cơ hội để mình có thể giúp đỡ người khác, điều mà trước đây Loan không thể làm được. “Trước đây khi ra đường, gặp không ít trường hợp khó khăn, em muốn giúp nhưng mà sức mình còn nhỏ quá không biết phải làm sao. Bây giờ em đã có cơ hội đóng góp để cùng các cô giúp đỡ nhiều người” – Loan vui vẻ cho biết. 

Chia sẻ về hoạt động của “Bếp ăn tình thương”, bà Hương cho biết bếp được thành lập từ tháng 10/2017, ban đầu có chừng 4 - 5 tình nguyện viên tham gia. Sau đó, lan tỏa dần, nhiều SV tình nguyện các trường xung quanh cũng đến phụ bếp. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn vận động các mạnh thường quân. 

Tầm gần 1 giờ chiều, khi “khách hàng” đã vãn cũng là lúc các tình nguyện viên lại xúm nhau dọn dẹp, rửa chén và lên thực đơn cho ngày hôm sau. Chị Nguyễn Thị Hồng Phương - tình nguyện viên ở phường Tân Phú, quận 9 - hồ hởi: “Tuy có hơi mệt, nhưng vui lắm, vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.