Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2006, thầy Trần Xuân Hiệp về công tác tại Trường THPT Tiến Thịnh (Huyện Mê Linh, Hà Nội). Ðây là ngôi trường nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn với phần lớn học sinh là con em gia đình thuần nông.
Ðiều kiện cơ sở vật chất dạy học ở trường còn thiếu thốn, lạc hậu nên thầy Hiệp luôn trăn trở làm thế nào để tạo ra những thiết bị, đồ dùng giúp học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các thầy giáo, cô giáo trong giảng dạy.
Do đó, thầy Hiệp luôn tìm tòi, sáng tạo để tiết dạy sau tốt hơn tiết dạy trước, đồ dùng dạy học năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2016, thầy Hiệp đã sáng tạo thành công sản phẩm "Thiết bị chiếu phiếu học tập" và giành giải nhất hội thi thiết bị đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố.
Thầy Hiệp chia sẻ: Trưởng thành từ ngôi trường vùng nông thôn, rất khó khăn, tôi luôn mong sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi. Giá chỉ dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng và lại có ưu điểm là gọn nhẹ, có thể cho vào hộp để mang đi,
Thiết bị chiếu phiếu học tập của thầy Hiệp gồm ba phần chính: Phần 1 là mắt camera gắn trên trục trượt ngang được tận dụng từ râu angten cũ. Phần 2 là trục trượt dọc được thiết kế trên hai thanh nhôm sát nhau tạo thành rãnh trượt dọc và xoay 360 độ, một đầu trục được gắn vào khay đỡ, một đầu gắn vào thanh trượt ngang. Phần 3 là giá đỡ được tận dụng từ mảnh ván gỗ, hoặc nhựa đủ lớn để chứa phiếu học tập A4.
Thiết bị phiếu chiếu của thầy Hiệp được ứng dụng trong một giờ dạy học
Thiết bị có thể sử dụng chiếu các thí nghiệm trong các môn: Sinh học, Ðịa lý, Vật lý, Hóa học, đồng thời có thể dùng để chiếu các vật thể 3D có kích thước phù hợp trên các góc độ khác nhau.
Trước đây, thầy cô phải dùng những bảng phụ rất cồng kềnh rồi viết lên bảng, dán lên để học sinh theo dõi, thì bây giờ với thiết bị này thì các thầy cô có thể thu gọn nó lại bằng tờ giấy A4, sau đó đưa vào khay chiếu của thiết bị chiếu, thông qua thiết bị đó thì sẽ được đẩy lên màn hình TV và màn hình chiếu. Thiết bị này rất gọn nhẹ nên thầy cô có thể hoạt động nhanh và nhiều nhóm một lúc.
So với giá thành của hệ thống máy chiếu trong giáo dục hiện nay (từ 18 đến 30 triệu đồng) thì “Thiết bị chiếu phiếu học tập” giảm chi phí rất nhiều. Sáng kiến của thầy Hiệp được đồng nghiệp, học sinh đón nhận tích cực. Một số trường học khác đã nhờ thầy Hiệp chuyển giao cách làm để sử dụng.
Với những đồ dùng dạy học mới cùng với phương pháp khoa học, những tiết học của thầy Hiệp không chỉ hấp dẫn bởi sự sáng tạo, mà còn truyền cảm hứng cho các em học sinh, khơi gợi cho các em niềm đam mê khoa học. Đồng thời phát huy được tính tích cực của học sinh trong giờ học thông qua việc áp dụng các phương pháp dạy học mới.
Ngoài giảng dạy và sáng tạo, thầy Hiệp còn là giáo viên luôn đi đầu trong phong trào "Nhà giáo đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn". Hằng năm, thầy đều tham gia dạy miễn phí cho những học sinh yếu và nhận đỡ đầu từ một đến hai học sinh có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn.
Thầy Hiệp cùng các giáo viên của trường luôn giúp đỡ học sinh vượt khó. Các thầy cô trong trường đã thành lập CLB Khoa học tự nhiên, chia sẻ kinh nghiệm học tập với học sinh, bồi dưỡng không thu tiền và đặc biệt tối thứ 6 hàng tuần các thầy cô thường hỗ trợ trực tuyến giảng bài cho các em.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với thầy là trường hợp em Bùi Thị Tuyết, học sinh của thầy năm học 2016-2017. Bố mẹ Tuyết đều mắc bệnh tâm thần, chị em Tuyết phải sống nhờ vào bác ruột mà gia đình bác cũng rất khó khăn. Tuyết tưởng chừng như sớm phải nghỉ học để chăm lo cho gia đình.
Biết thông tin, thầy Hiệp đã đến nhà để động viên gia đình cho em Tuyết đi học trở lại, đề xuất nhà trường giảm học phí, miễn các khoản đóng góp cho Tuyết. Nhờ đó, Tuyết đã vượt qua được khó khăn để vươn lên học tập, đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Một trường hợp khác là em Nguyễn Thị Lụa có bố mắc bệnh tai biến nên nằm liệt giường, mẹ ốm đau liên miên, gia đình không có điều kiện để ăn học. Em Lụa đã được thầy Hiệp dạy Toán miễn phí trong 3 năm phổ thông và đã thi đỗ điểm cao vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.