Đó là sáng kiến của cô Cao Thanh Nga - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội). Cô Nga là một trong 100 giáo viên vừa được nhận giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo năm học 2016-2017.
Gắn bó với trường từ năm 2012, là Phó hiệu trưởng phụ trách công tác giáo dục đạo đức, cô Cao Thanh Nga luôn có ý thức xây dựng trường THPT Phan Huy Chú thành một ngôi trường có kỷ cương, nền nếp, nhân ái và thân thiện.
Cô Nga chia sẻ: Để làm được điều đó, các thầy cô giáo cần làm gương cho học sinh bằng tấm gương tự học, sáng tạo vươn lên, để truyền lửa học cho trò, giúp học trò biết yêu thương, hiểu được trách nhiệm của mình để từ đó dần có động cơ học tập đúng đắn, vươn đến thành công.
Cô Nga đã nghiên cứu, tìm hiểu, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tư vấn du học giúp trò hướng đến tương lai. Với trò mắc lỗi, cô luôn nghiêm khắc, công minh trong xử lý nhưng luôn linh hoạt, bao dung, cho trò cơ hội sửa sai và luôn đặt niềm tin vào trò sẽ tiến bộ.
Cô Nga cùng đồng nghiệp tổ chức các hội thảo, chuyên đề để cùng nhau chia sẻ, học hỏi các kinh nghiệm giáo dục, đặc biệt là công tác chủ nhiệm lớp. Các giờ sinh hoạt lớp ở trường Phan Huy Chú đã được đổi mới bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các trò chơi tìm hiểu về các chủ đề, tổ chức sinh nhật, các ngày lễ lớn.
Cô Nga luôn trăn trở trong việc đổi mới các buổi họp Cha mẹ học sinh để mỗi buổi họp không phải là thời gian thông báo công việc, kể lỗi học trò hay đóng tiền mà là một buổi họp thực sự ý nghĩa với cha mẹ học sinh.
Cô Cao Thanh Nha nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo
Sáng kiến của cô Nga được áp dụng tại trường Phan Huy Chú là: Tại các cuộc họp cha mẹ học sinh, các thầy cô chủ nhiệm tổ chức cho cha mẹ học sinh thảo luận nhóm, thuyết trình, chia sẻ về các phương pháp giáo dục con để buổi họp vui vẻ, bổ ích và gắn kết các cha mẹ học sinh với nhau.
Trước khi họp cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm sử dụng Form để học sinh tự nhận xét về mình, bạn đánh giá về mình, rồi nhận xét của giáo viên về những ưu điểm và sự tiến bộ của từng học sinh, chiếu trên Powerpoint để cha mẹ học sinh được biết (tuy nhiên, những nhược điểm của từng học sinh, giáo viên nên nhận xét riêng trong Phiếu điểm).
Giáo viên chủ nhiệm sáng tạo ra các đề bài cho học sinh viết suy nghĩ của mình vào những mẩu giấy nhỏ như “Hãy viết lời cảm ơn cha mẹ”, “Ước mơ của em và con đường để đạt được ước mơ”, “Những điều em biết ơn và mong muốn từ cha mẹ”… sau đó tặng lại cho cha mẹ học sinh trong cuộc họp để cha mẹ học sinh thấy các con đã từng bước trưởng thành như thế nào.
Với học sinh, cô Nga như một người mẹ hiền
Trong cuộc họp cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm khéo léo để cho học thuyết trình, báo cáo về các công việc của lớp, phương hướng cho kỳ tiếp theo dưới nhiều hình thức như Powerpoint, Sway, giấy A1… để cha mẹ học sinh thấy được và tự hào về khả năng thuyết trình cũng như trình độ công nghệ thông tin của con mình.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn là người tổ chức cho cha mẹ học sinh thảo luận nhóm, thuyết trình, chia sẻ về các phương pháp giáo dục con.
Tại buổi thảo luận, mọi người cùng chia sẻ những kinh nghiệm như: Tuyệt đối không mắng mỏ học trò trước tập thể lớp; không dán nhãn tiêu cực cho học trò, tăng cường lời khen, động viên, hạn chế chê bai, có cơ chế khen thưởng khi học trò đạt thành tích hoặc tiến bộ…
Thành công và kết quả đạt được không chỉ của riêng mỗi cá nhân mà là sự chia sẻ, học hỏi từ đồng nghiệp, từ sức mạnh của tập thể. Cô Nga mong rằng những kinh nghiệm của mình có thể giúp ích thêm cho những thầy cô giáo luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người.