Là cán bộ quản lý trưởng thành sau 16 năm kinh nghiệm giảng dạy và 8 năm là cán bộ quản lý, phụ trách chuyên môn tại trường Mầm non 20/10, cô giáo Vũ Thị Kim Thanh đã cùng tập thể nhà trường nhận được nhiều danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.
Cô Thanh là một trong 100 giáo viên được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2017.
Năm học 2016 - 2017 là năm thứ ba, Trường mầm non 20/10 thực hiện mô hình trường mầm non chất lượng cao. Một trong những mục tiêu trọng tâm nhà trường đề ra đó là nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trẻ theo xu thế hội nhập quốc tế nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện và có thể trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.
Để từng bước đạt được mục tiêu đó, cô Thanh đã tham mưu, đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường tập trung vào một số mục tiêu mũi nhọn đó là mở rộng số lớp và đi sâu vào việc áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến của trường Quốc tế Liên hợp quốc Unis.
Từ 3 lớp thí điểm, trường đã mở rộng thành 6 lớp và thực hiện tiếp cận một cách toàn diện từ điều chỉnh chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ đến đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục, xây dựng môi trường học tập, đặc biệt là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tiếp cận đối với trẻ.
Thêm vào đóm nhà trường tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ, đổi mới tư duy về quan điểm dạy học, kỹ năng tổ chức các hoạt động, sử dụng hiệu quả phương pháp kích thích tư duy để tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ kinh nghiệm, năng lực cá nhân bằng cách tiếp cận cá nhân, nhóm nhỏ, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, khai thác hiệu quả môi trường học tập.
Một trong những nhiệm vụ trong tâm mà Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho nhà trường năm học 2016 - 2017 đó là Xây dựng thí điểm mô hình “Không gian sáng tạo”, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn do tại Việt Nam chưa hề có mô hình Không gian sáng tạo nào.
Được sự tạo điều kiện của các cấp quản lý, Ban giám hiệu nhà trường đã tham quan, học tập kinh nghiệm tại Singapore, bản thân cô Thanh cũng đã trăn trở suy nghĩ, đóng góp ý tưởng để cùng xây dựng.
Từ một không gian bếp ăn cũ, sau khi cải tạo, sửa chữa và với những ý tưởng sáng tạo và sự tâm huyết của cả một tập thể, trường đã cho ra đời một không gian sáng tạo dành cho trẻ với các chủ đề hết sức thú vị và hấp dẫn trẻ như: thế giới sắc màu, chuyển động vui, thiên nhiên kỳ thú…
Nơi đây trẻ có cơ hội được trải nghiệm đa dạng các kỹ năng, thỏa sức sáng tạo, hóa thân thành các nghệ sĩ, nhà khoa học, vận động viên… với một triết lí: “Mọi trẻ đều sáng tạo và có tài năng”.
Mô hình này đã được các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, các chuyên gia nước ngoài, các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên các trường trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước ghi nhận và đánh giá cao.
Hiện nay để mở rộng và phát huy hiệu quả mô hình Không gian sáng tạo, nhà trường đang tiếp tục nâng cao chất lượng và đề xuất với các cấp được mở rộng phạm vi phục vụ đối với đối tượng trẻ em trong cộng động trên địa bàn thành phố Hà Nội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, sáng tạo của trẻ.
Với vai trò là một cán bộ quản lý thì ngoài việc trực tiếp chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuyên môn công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ cô giáo đặc biệt quan tâm.
Cô đã tận dụng mọi cơ hội để có thể bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên như: Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; lắng nghe những ý tưởng của giáo viên, khuyến khích giáo viên thử nghiệm những ý tưởng mới, sáng tạo; tạo điều kiện về thời gian để giáo viên sinh hoạt chuyên môn; cùng giáo viên tìm hiểu, cải tiến, sáng tạo trong chuyên môn.
Cô Thanh cùng ban giám hiệu nhà trường luôn coi việc xây dựng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ cơ bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường nên luôn chủ động phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học để phục vụ công tác giảng dạy, quản lý.