Không chỉ là một vật dò đường giúp người khiếm thị đi lại bình thường như lâu nay, chiếc gậy này được lắp đặt một thiết bị điện tử có thể phát ra âm thanh và ánh sáng gây sự chú ý.
Khi tham gia giao thông, người sử dụng chỉ cần bật một công tắc nhỏ trên thân gậy là có thể kích hoạt thiết bị này để cảnh báo cho người tham gia giao thông biết có người khiếm thị đang đi lại trên đường.
Mai Văn Hiền - một học sinh khiếm thị ở Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước kia, mỗi lần muốn sang bên kia đường, em phải chờ cho đến khi nhưng âm thanh xe cộ qua lại trên đường tắt hẳn; hay phải nhờ một ai đó dẫn đường dùm. Chừ thì em đã có thể tự tin sang đường một mình nhờ chiếc gậy thông minh của thầy hiệu phó”
Thầy Nguyễn Duy Quy - Người sáng chế chiếc gây thông minh - nói: “Có lần tôi thấy một người khiếm thị bán hàng rong ngoài đường rất khổ sở khi không biết làm thế nào để sang đường cho tới khi có người đến giúp.
Tôi nghĩ đến những học trò trường mình. Khó khăn của người khiếm thị đó là một trong muôn vàn khó khăn của các em khi hòa nhập với cuộc sống đời thường
Học trò Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu khi đi học hòa nhập ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, hay khi ra ngoài gặp gỡ bạn bè hay mua đồ dùng học tập, đi làm thêm… là các em buộc phải tham gia giao thông.
Thế là tôi mày mò làm thiết bị này, hy vọng với cải tiến nhỏ trên cây gậy dò đường này, học trò của tôi, và cả những người khiếm thị có thể dễ dàng hơn khi đi lại trên đường”.
Với “cải tiến nhỏ” của thầy Quy, nhiều thầy trò trong trường thực sự có thêm một người bạn đường thông minh, và rất có ích như thầy Hoàng Văn Khương - Giáo viên Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ.
Chiếc gậy thông minh được thầy Quy sáng chế với hy vọng người khiếm thị có thể dễ dàng đi lại trên đường hơn |
Và để hoàn thành sản phẩm, từ khi có ý tưởng và bắt tay vào chế tạo thiết bị, thầy Quy phải mất hơn một năm vừa đảm bảo công tác ở trường học, vừa tranh thủ tìm kiếm, thử nghiệm, cải tạo cho đến khi chế tạo hoàn chỉnh thiết bị đúng như ý tưởng.
Thầy Quy kể lại, “phiên bản” đầu tiên của chiếc gậy tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Chỉ có 5 - 10 phút sử dụng là hết pin. Thầy phải thiết kế lại mạch điện đơn giản hơn, mất vài tháng sau mới có thể ra “phiên bản” hiện nay. Nếu một ngày chỉ dùng khoảng 20 phút cần thiết khi sang đường thì khoảng hơn 20 ngày mới hết pin.
Chiếc gậy thông minh của thầy Quy vừa đoạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật năm 2014. Và thầy đang hoàn tất hồ sơ nhận bằng sáng chế của Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nếu thiết bị sáng tạo này của thầy Quy được nhận bằng sáng chế, thì đây là bằng sáng chế thứ 4 của thầy Quy. Trong hàng chục năm công tác ở trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, dù ở cương vị là một giáo viên dạy Toán hay ở cương vị Hiệu phó nhà trường, thầy Quy vẫn luôn tranh thủ thời gian để chế tạo các thiết bị hỗ hợ người khiếm thị như bảng nam châm, dụng cụ vẽ hình học, bảng lưới từ… hỗ trợ học sinh khiếm thị học Toán.