Nghĩa tình với học sinh dân tộc
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 2006, Đặng Ngọc Lĩnh đã xin về dạy môn Địa Lý ở Trường TH & THCS Đồng Lâm 1, khi đó thuộc huyện miền núi Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, nay là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH & THCS Đồng Lâm 1. Với 98% đồng bào là người dân tộc Dao, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức nhiều hạn chế, nên các em học sinh phải rất vất vả để có cơ hội tiếp cận với kiến thức.
“Nhìn trong mắt các em là cả một niềm khát khao vươn lên vượt qua hoàn cảnh. Trong những buổi đến lớp, thấy những đôi chân trần và những mảnh áo mỏng manh trong cái lạnh giá của miền sơn cước, tôi luôn mong muốn giúp các em vươn lên vượt khó để có được một tương lai tươi sáng hơn” - thầy giáo Lĩnh cho biết.
Nhớ lại kỷ niệm, thầy Lĩnh chia sẻ: Một chiều mùa đông năm 2018, tôi muốn cho học sinh trong đội tuyển ôn thi HS giỏi của trường nghỉ sớm hơn vì đường về nhà các em khá xa, đặc biệt trong đó có nhà của em Lý Thị Vân lại phải qua suối. Tuy nhiên, em Vân nán lại và nói với tôi rằng “thầy ơi! thầy dạy thêm cho em chút nữa, giờ về nhà em phải làm việc nhà mãi đến 8 giờ tối em mới được ngồi vào bàn học ạ”. Em vừa nói vừa rơm rớm nước mắt làm tim tôi như thắt lại.
Tôi không thể quên được cái ngày tôi đến nhà để vận động cho em ra lớp. Bố mẹ em không muốn cho con đi học vì hoàn cảnh gia đình. Vân chỉ biết đứng nép mình vào góc tường mong những lời thuyết phục của thầy sẽ nhận được sự đồng ý của bố mẹ. Ôi cuộc sống thật kỳ diệu làm sao! Ở một vùng sơn cước xa xôi, hẻo lánh lại có một học sinh dạt dào khát khao học tập đến vậy. Buổi học đó kết thúc muộn, tôi về nhà khi phố đã lên đèn nhưng hình ảnh cô học trò nhỏ bé với ánh mắt thể hiện sự thiết tha được học tập luôn gợi lên trong tôi một niềm xúc động sâu sắc.
Tích cực đổi mới sáng tạo
Càng nghĩ tôi càng thương cho học sinh vùng cao, ước mơ của các em đẹp là vậy nhưng để thực hiện được ước mơ đó các em phải vượt qua một chặng đường đầy gian nan, vất vả và những người thầy như tôi càng thấy bản thân mình cần có trách nhiệm hơn để chắp cánh cho ước mơ của các em trở thành hiện thực. Thế nên, tôi luôn tìm hiểu những phương pháp dạy học tích cực phù hợp, thể hiện rõ tác phong sư phạm, ân cần, nhẹ nhàng với học sinh, nhiệt tình trong giờ giảng, lời giảng rõ ràng, luôn kèm cặp, giúp đỡ học sinh.
Các giờ lên lớp tôi thường sử dụng đúng phương pháp đặc trưng bộ môn trong giảng dạy, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, tôi luôn xây dựng ở mỗi khối lớp một hệ thống bài giảng Power, ứng dụng phần mềm (Google From, Teams, Zoom.., các trò chơi trực tuyến (Quizizz, Kahoot...) vào từng bài giảng đặc biệt là các bài giảng trực tuyến, nhờ đó học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo, gây hứng thú học tập cho các em.
Trong những năm vừa qua, thầy Lĩnh đã hoàn thành một số sáng kiến kinh nghiệm: “Một số giải pháp ôn thi học sinh giỏi”; “Dạy học tích hợp trong bộ môn Địa lý”; “Phương pháp rèn luyện kỹ năng khai thác Atlat trong dạy học địa lý 9”; “Phương pháp dạy học theo chủ đề địa lý 9”... và đưa vào thực tế giảng dạy đã đạt được kết quả khả quan. Được biết, thầy Lĩnh tích cực tham gia hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học như dự án “Bảo tồn và phát huy các giá trị của Lễ cấp sắc người Dao Thanh Phán”; Hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên với sản phẩm “Bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống”.
“Trong quá trình công tác bản thân tôi luôn có ý thức trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp trong dạy học, ứng dụng nhiều sáng kiến mới của bản thân vào thực tiễn công tác. Điều đó giúp học sinh không chỉ nắm vững được kiến thức bộ môn, mà còn phát huy được tính tích cực, năng lực, phẩm chất sáng tạo, chất lượng giáo dục bộ môn Địa lý ở các lớp nhờ đó ngày càng được nâng cao. Trong những giờ Địa lý của tôi, không còn là việc truyền dạy kiến thức sơ cứng mà là giúp học sinh đi qua các vùng miền đất nước, thế giới để hiểu và cảm nhận được thiên nhiên hùng vĩ giàu đẹp”. - Thầy giáo Đặng Ngọc Lĩnh