Thầy giáo người H’Mông chia sẻ bí quyết thu hút học sinh ra lớp

Thầy giáo Liễu Anh Cường, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có những chia sẻ...

Thầy giáo người H’Mông chia sẻ bí quyết thu hút học sinh ra lớp

Thầy Cường cho biết: "Trường tôi 100% là người dân tộc H’mông, cùng dân tộc với các em nên tôi hiểu, thu hút học sinh đến lớp nhằm tăng tỷ lệ chuyên cần, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường vùng cao, điều đầu tiên phải trang bị cho các em khả năng tiếng Việt tốt".

Học sinh phải chắc tiếng Việt

Trường TH&THCS Số 2 Hồng Ca chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, ở vùng cao. Chất lượng giáo dục nhà trường ảnh hưởng tác động từ nhiều phía gia đình, xã hội, phong tục tập quán, ý thức độ tuổi, quan hệ bạn bè trang lứa… chi phối sự tập trung, ý thức học tập của các em.

Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục thì việc giúp học sinh thông thạo tiếng Việt là điều quan tâm đầu tiên của chúng tôi. Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các hoạt động dạy học phải sát với tình hình thực thực tế giáo dục vùng dân tộc.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, trường đã vận động đội ngũ tích cực tham gia các phong trào thi đua do các tổ chức phát động, xây dựng phong trào “Dạy tốt” Hội giảng cấp Tổ, cấp trường; Luyện chữ đẹp.

Nhà trường xác định gắn dạy học tiếng Việt hiệu quả bằng cách để học sinh được thi đua nhau trong học tập, trong rèn luyện, trong phong trào “vở sạch chữ đẹp” các hoạt động đoàn thể như thể dục thể thao, đêm văn nghệ, múa hát tập thể, các trò chơi dân gian, lựa chọn để tổ chức các buổi ngoại khóa theo chủ đề các ngày lễ trong năm học.

Thầy giáo người H’Mông chia sẻ bí quyết thu hút học sinh ra lớp ảnh 1
Nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh.

"Tổ chuyên môn phải nắm bắt được tình hình học tập, số lượng học sinh đi học chuyên cần của các lớp, khối mình phụ trách. Biết được những học sinh có nguy cơ bỏ học, đi học không đều, hay nghỉ học để có những biện pháp, yêu cầu cụ thể với giáo viên chủ nhiệm đến gia đình nắm bắt tình hình kịp thời, báo cáo với ban giám hiệu. Hiệu trưởng họp BGH phân công các đồng chí xuống thôn bản cùng giáo viên chủ nhiệm đến gia đình học sinh có nguy cơ bỏ học để để tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em đi học" - thầy Cường nhấn mạnh

Trường TH&THCS Số 2 Hồng Ca tổ chức cho 100% học sinh dân tộc các lớp khối 1,2,3,4 được tăng cường tiếng Việt. Cụ thể, lớp 1 mỗi tuần 1 tiết/1 bài, lớp 2 mỗi tuần 2 tiết/1 bài, Lớp 3 mỗi tuần 1 tiết/bài, Lớp 4 mỗi tuần 1 tiết/bài. Cùng với đó là dạy Giáo dục địa phương cho học sinh từ khối 1 đến khối 5. Dạy học tích hợp Văn hóa địa phương, Kỹ năng sống cho học sinh, đạo đức Bác Hồ, Giáo dục quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ, ... đã đem lại hiệu quả tích cực.

Thư viện đồng hành

Là một trường vùng cao nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học mặc dù còn thiếu thốn nhiều. Nhưng các thầy cô giáo trong trường đã xác định phải tạo môi trường học tập hiệu quả nhất. Trong đó vai trò thư viện trường là hết sức quan trọng. Đối với học sinh dân tộc, việc các em tiếp xúc càng nhiều với sách, với tiếng Việt là cách học tiếng Việt hiệu quả nhất. Chỉ khi nào tiếng Việt của các em tốt thì lúc đó mới nắm vững bài học và chất lượng dạy – học mới tốt lên được. – thầy Liễu Anh Cường chia sẻ.

Thầy giáo người H’Mông chia sẻ bí quyết thu hút học sinh ra lớp ảnh 2
Thư viện, mô hình thu hút học sinh đến học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt.

Tuy nhiên, xác định sự cần thiết phải tăng cường hoạt động của các mô hình thư viện nên nhà trường đã xây dựng thư viện xanh, thư viện thân thiện. Đầu năm học nhà trường xây dựng mô hình trường học hạnh phúc gắn liền với thực tiễn; Nhà trường xây dựng mô hình trường học gắn với thực tế đó là “Nông trại xanh”. Tổ chức cho học sinh chăm sóc vườn rau và vườn hoa trước cổng trường và trong khuôn viên trường học luôn xanh tốt, vệ sinh lớp học sạch sẽ. Mô hình “Thư viện thân thiện” vào các lớp học, giúp học sinh đam mê đọc sách hơn.

Đặc biệt “Thư viện xanh” ngoài trời trong khu vực sân trường, bố trí 2 góc thư viện xanh có đủ ghế, sách, truyện cho học sinh đọc trong các giờ ra chơi, hay hoạt động tập thể buổi chiều. Từ khi triển khai hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo viên hướng dẫn các em hàng ngày đến “Thư viện thân thiện”, “Thư viện xanh” tìm hiểu các loại sách, đọc sách, truyện. Chúng tôi giáo dục học sinh thói quen đọc sách và cũng hướng dẫn các em tạo quang cảnh xanh- sạch- đẹp, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với thư viện.

Thầy Liễu Anh Cường vui vẻ cho biết: Bên cạnh nỗ lực dạy tốt - học tốt của giáo viên và học sinh, việc thư viện đi vào hoạt động hiệu quả, thiết thực đã đem lại niềm tin cho phụ huynh và học sinh, phụ huynh. Có thể cảm nhận được điều này khi thầy cô, phụ huynh và học sinh cùng tham gia hoạt động đọc. Vui hơn nữa khi hoạt động đọc được duy trì thường xuyên, khả năng học tập của các em ngày càng hiệu quả hơn. Đến thời điểm này số đầu sách hiện có tại thư viện là trên 1250 đầu sách. Bình quân mỗi ngày có 20-30 lượt học sinh đọc sách.

Chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thực sự tận tụy với công việc và có vai trò cực kì quan trọng trong việc tuyên truyền vận động, kết hợp với các bậc phụ huynh để đôn đốc học sinh đến trường. Giáo viên chủ nhiệm phải tạo được uy tín cao với học sinh, phụ huynh học sinh, là cầu nối để vận động các bậc phụ huynh ủng hộ nhà trường. Phải đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư tình cảm học sinh, tuyệt đối không để học sinh vì yếu tiếng Việt mà chán học. – Thầy Liễu Anh Cường nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ