Thầy giáo miệt mài dạy bơi miễn phí cho trò nghèo

GD&TĐ - Để hạn chế những rủi ro, tai nạn đuối nước thương tâm, thầy Hoàng Ngọc Cường (ở Đắk Nông) đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho hàng trăm người dân, HS...

Thầy Hoàng Ngọc Cường với nhóm trẻ tại một lớp học bơi ở suối. Ảnh: NVCC
Thầy Hoàng Ngọc Cường với nhóm trẻ tại một lớp học bơi ở suối. Ảnh: NVCC

Sáng tạo từ cuộc sống

Thầy Nguyễn Ngọc Út - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, từ mô hình dạy bơi ban đầu của thầy Hoàng Ngọc Cường (giáo viên thể dục của nhà trường), đến giờ phong trào dạy bơi đã phát triển ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Cư Jút.

“Việc tận dụng nguồn nước sẵn có ở các con suối để tổ chức dạy bơi của thầy Cường là rất sáng tạo. Bởi, địa hình ở đây có nhiều dòng sông, suối nhỏ phù hợp để tổ chức lớp học bơi, lại giúp học sinh, người dân vừa biết bơi, vừa trải nghiệm thực tế ở chính môi trường mà mình sinh sống. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần vì cộng đồng của thầy Cường và đã nhiều lần biểu dương. Mong rằng sẽ có nhiều thầy Cường để chia sẻ với cộng đồng”, thầy Út chia sẻ.

Cũng theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Út, nhiều năm qua, thầy Cường không chỉ dạy bơi miễn phí cho người dân xã Đắk D'rông mà còn dạy miễn phí cho người dân ở một số xã khác của huyện Cư Jút. Theo lãnh đạo UBND huyện Cư Jút, việc thầy Cường của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức dạy bơi miễn phí cho người dân và trẻ em trong nhiều năm qua đã góp phần tích cực vào giảm thiểu tai nạn và những rủi ro do đuối nước.

“Cư Jút là huyện biên giới, cách trung tâm tỉnh Đắk Nông tới hơn 100 km, có đường biên giới dài 20 km (giáp với huyện Pechr Chenda, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia - PV). Địa hình vùng này có nhiều sông, suối, ao hồ, do đó hàng năm xảy ra rất nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Việc triển khai dạy bơi ở cả bể bơi lẫn tận dụng sông, suối của thầy giáo Cường vừa là sự sáng tạo, vừa xuất phát từ tấm lòng nhân ái cao đẹp của người thầy giáo. Chúng tôi ghi nhận, biểu dương tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng của thầy Cường, đồng thời chỉ đạo nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện”, một lãnh đạo huyện đánh giá.

Thầy Hoàng Ngọc Cường cho biết, trong quá trình sinh sống ở quê, rồi đi học, đi công tác thầy đã chứng kiến nhiều vụ đuối nước rất thương tâm. Vì vậy, thầy quyết tâm mở lớp dạy bơi miễn phí với mong muốn đóng góp chút công sức để giúp nhiều người biết bơi nhằm tránh được những tai nạn sông nước đáng tiếc.

“Từ năm 2021 đến nay, tôi bắt đầu dạy bơi miễn phí cho trẻ em và người dân trên địa bàn. Tôi không nhớ con số cụ thể, chỉ ước chừng khoảng 500 người, vì tôi không ghi ra, ai đăng ký xong là cứ đến học cho đến khi bơi thành thạo thì thôi”, thầy Cường nói.

Thầy Hoàng Ngọc Cường với nhóm trẻ tại một lớp học bơi ở bể bơi dịch vụ. Ảnh: NVCC

Thầy Hoàng Ngọc Cường với nhóm trẻ tại một lớp học bơi ở bể bơi dịch vụ. Ảnh: NVCC

Động lực từ truyền thống gia đình

Thầy Hoàng Ngọc Cường sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống dạy học, bản thân thầy Cường ngay từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu về bơi lội. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, thầy Cường vào Đắk Nông lập nghiệp và dạy học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Đắk D'rông.

Theo quan niệm của thầy Cường, đã là nhà giáo thì làm được việc gì có ích cho xã hội phải cố gắng làm. Tuy nhiên, những ngày đầu triển khai dạy bơi miễn phí, thầy đã gặp không ít khó khăn. Từ lặn lội tìm chỗ dạy đến việc thuyết phục người lớn đã biết bơi đi theo hỗ trợ… đều không dễ dàng.

“Ở vùng miền núi không có sẵn các hồ bơi, nên phải tìm kiếm, khảo sát các đoạn sông, suối, ao mương có độ sâu thích hợp, đảm bảo an toàn mới triển khai được. Đoạn sông suối nào nước trong, không có bùn thì mới bảo đảm an toàn cho trẻ khi ngụp lặn. Khi dạy, phải có người ngồi trông để phòng trường hợp rủi ro còn ứng cứu kịp thời”.

Lớp học của thầy Cường ban đầu dạy cho học sinh và những người quen xung quanh có nhu cầu học bơi. Dần dần, mọi người truyền tai nhau đến xin theo học ngày càng đông, nhất là trong dịp hè. Đặc biệt, không quản đường sá xa xôi, khó khăn, ở đâu có người nhắn nhờ dạy, thầy Cường lại lên xe đi tới đó, có hôm phải đi xa hơn 20km. Chính thầy Cường cũng không nhớ hết trong mấy năm qua, mình đã đi bao nhiêu thôn, bao nhiêu xã để dạy bơi cho người dân và trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Đại, bố em Nguyễn Thị Trà Dân (12 tuổi, ở thôn 13, xã Nam Dong, huyện Cư Jút) cho biết: “Theo thầy Cường học và luyện bơi được hơn 3 tháng, đến nay con tôi đã biết bơi và thạo các kỹ năng phòng chống đuối nước cần thiết. Được học bơi với thầy Cường, cháu rất thích. Gia đình thấy yên tâm vì thầy dạy rất bài bản, nhiệt tình và bảo đảm an toàn cho người học. Các cháu được miễn phí, thầy chỉ dạy tận tình nên đều nhanh chóng biết bơi và tự tin hơn khi xuống nước”.

Đông đảo người dân và nhóm trẻ ở xã Đắk D’rông đều không giấu được xúc động khi nói về tấm lòng của thầy Cường. Tất cả các lớp học hỗ trợ cho trẻ em nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cư Jút như: Cư K’nia, Nam Dong, Ea Pô, Đắk D'rông đều an toàn, hầu hết trẻ em theo học đều biết bơi thuần thục. Tiếng lành đồn xa, đến nay, niềm tin yêu gửi gắm vào lớp học bơi miễn phí của thầy giáo Cường ngày càng lớn dần và mở rộng.

“Hiện tại, với các lớp học ở bể bơi của các công ty, tôi chỉ có thể miễn học phí, còn tiền bể thì họ kinh doanh nên tôi không xin được. Tôi mong có thể xây dựng riêng cho mình một bể bơi để có thể dạy miễn phí cho nhiều người hơn nữa. Qua đó, tôi có thể góp một phần công sức của bản thân giúp mọi người, nhất là các em nhỏ có khả năng bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với sông nước”, thầy Cường bày tỏ mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.

Nhà báo Phạm Khánh Huy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vinh danh những nhà giáo âm thầm cống hiến

GD&TĐ - Tìm kiếm, tôn vinh và lan tỏa những tấm gương nhà giáo luôn âm thầm cống hiến, hết lòng vì thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ của người làm báo.

Học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai cất điện thoại khi đến lớp. Ảnh: NTCC

Những tiết học không smartphone

GD&TĐ - Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngành GD các địa phương đã chỉ đạo quản lý sử dụng điện thoại trong trường.