Trường vùng cao dạy bơi miễn phí cho học trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Trường TH&THCS Tân Thành (Bắc Quang, Hà Giang) đã trở thành ngôi trường vùng cao đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Giang có bể bơi và triển khai thành công hoạt động dạy bơi miễn phí cho học trò trong dịp hè. Từ đây, gợi mở cách làm hay để các nhà trường cùng điều kiện có thể tham khảo và học hỏi.

Thực hành bơi tại bể bơi của trường. Ảnh: NTCC
Thực hành bơi tại bể bơi của trường. Ảnh: NTCC

Không để “trống” kỹ năng

Trường TH&THCS Tân Thành (Bắc Quang, Hà Giang) thuộc vùng cao khó khăn, tuy nhiên với nỗ lực của Hiệu trưởng, thầy, cô giáo mà trường đã trang bị được bể bơi di động và triển khai hoạt động dạy bơi miễn phí cho hơn 500 học trò trong suốt những tháng nghỉ hè. Điều này đáp ứng yêu cầu thiết thực, tạo ra sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho học trò vùng khó.

Cô Vũ Thị Hồng Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi: Trường nằm ở địa bàn có tới 98% học sinh dân tộc và cơ bản thuộc xã nông thôn vùng 3. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn khó khăn, việc huy động kinh phí xã hội hóa là không thể. Về phía nhà trường cũng không có nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động đòi hỏi đầu tư lớn...

Trong khi đó, hàng ngày, hàng trăm học sinh của trường đi học qua sông, suối khá nhiều, đối diện với mưa lớn, lũ quét bất ngờ. Trên địa bàn có hồ, thủy điện, nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ đã xảy ra… Thế nhưng, phần lớn học sinh vẫn “trống” kỹ năng phòng chống đuối nước, gia đình cũng không có điều kiện đưa con em đến trung tâm huyện (cách xa xã 30km) để học bơi. Trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh là mong mỏi bức thiết của nhà trường và hầu hết phụ huynh, song “ cái khó vẫn bó cái khôn”.

Trước đây, Ban giám hiệu đã dự định xã hội hóa để xây dựng 1 bể bơi ngay trong trường. Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi huy động nguồn kinh phí lớn, vô cùng khó khăn trong bối cảnh chung của nhà trường, địa phương hiện tại.

Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hồng Thanh đã chuyển hướng, lên mạng tìm hiểu những mô hình bể bơi lắp ráp với kinh phí nhỏ hơn (khoảng 30 triệu đồng) và đích thân huy động từ những đơn vị, nhà hảo tâm. “Thật may mắn khi đưa ra ý tưởng mọi người đều hiểu và lập tức ủng hộ. Nơi nhiều, nơi ít hơn nhưng cuối cùng nhà trường cũng xã hội hóa đủ 30 triệu đồng từ tập thể, cá nhân, giáo viên… để đầu tư bể bơi lắp ráp”, cô Thanh kể.

Được hỏi về kinh nghiệm huy động kinh phí, xã hội hóa giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội và đặc biệt ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, cô Thanh chia sẻ: Bản thân chỉ thấy phải thực sự nỗ lực, quyết tâm để mang lại cho học sinh hoạt động vô cùng cần thiết. Kỹ năng bơi lội liên quan thiết thực đến sinh mệnh của các em trên đường tới trường cũng như trong cuộc sống tương lai.

“Nhiều khi việc huy động chẳng dễ dàng, tích cóp từ mấy trăm nghìn đến vài triệu đồng, tổ chức cá nhân nào ủng hộ bao nhiêu cũng quý. Còn giáo viên trong trường luôn nghĩ và hành động hết lòng vì học trò nghèo. Đến nay, Trường TH&THCS Tân Thành trở thành ngôi trường vùng cao đầu tiên của tỉnh Hà Giang có bể bơi và dạy bơi miễn phí cho học sinh…”, cô Thanh trao đổi.

Ngay sau khi có được bể bơi, cô Thanh huy động giáo viên (nòng cốt là giáo viên thể dục và những giáo viên biết bơi) để tham gia dạy bơi cho học trò. Việc dạy bơi cho học sinh hoàn toàn miễn phí nhưng thầy cô luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao suốt quá trình hướng dẫn các em.

“Chúng tôi hiểu ý nghĩa nhân văn, sự cần thiết của hoạt động này nên khi được nhà trường huy động, các thầy cô đều sẵn sàng tham gia, chấp nhận một mùa hè bận rộn. Mỗi buổi dạy bơi trường chỉ huy động 4 - 5 thầy cô, nhưng giáo viên nhà gần trường cũng chủ động tới hỗ trợ. Do đó, mỗi buổi dạy bơi lên tới cả chục thầy cô và phụ huynh cùng hướng dẫn, quan sát. Việc bảo đảm an toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu…”, thầy Nguyễn Viết Tuân (giáo viên thể dục) - người trực tiếp dạy bơi cho học sinh chia sẻ.

Học sinh được học kỹ năng và khởi động trước khi xuống bể bơi. Ảnh: NTCC.

Học sinh được học kỹ năng và khởi động trước khi xuống bể bơi. Ảnh: NTCC.

Sân chơi ý nghĩa, bổ ích

Không cần đóng góp một khoản học phí nào cho nhà trường nhưng kỳ nghỉ hè năm nay có hơn 500 học sinh của Trường Tiểu học & THCS Tân Thành được tham gia khóa học bơi miễn phí. Mỗi nhóm học khoảng hơn 20 học sinh, được các thầy cô trang bị kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống nguy hiểm liên quan đến đuối nước. Các em được học kỹ năng cơ bản trên bờ từ 4 - 5 buổi, sau đó sẽ thực hành bơi dưới nước.

Thầy Tuân trao đổi: Đến nay, hoạt động thu hút sự hưởng ứng của hầu hết học sinh cả tiểu học và THCS vào các buổi chiều. Bơi lội không những đáp ứng được sở thích, tăng cường sức khỏe học sinh, mà còn trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết phòng tránh tai nạn đuối nước hữu ích. Phụ huynh cũng thấy được sự bổ ích, cần thiết nên đã tích cực đưa con tới trường học bơi dù nhiều em nhà cách xa trường chục km, bố mẹ bận rộn.

“Dạy bơi cho học sinh có những khó khăn nhất định, nhiều em còn sợ nước nên phải kỳ công, và có giải pháp riêng. Nhưng các thầy cô đều nhiệt tình, tâm huyết. Mong muốn lớn nhất hiện nay của nhà trường, thầy cô là nguồn nước ổn định để thay cho việc thầy, cô giáo phải vận chuyển đưa nước từ các hộ dân vào bể bơi…”, thầy Tuân chia sẻ.

Được biết, lớp học bơi miễn phí của trường mở ra cũng được nhiều phụ huynh các trường lân cận xin học. Trường phải bố trí thành nhiều nhóm lớp, ưu tiên học sinh nhà xa trường và không biết bơi học trước, sau đó là học sinh của trường. Đồng thời tạo điều kiện để cả học sinh không phải của trường cũng được học miễn phí.

Cô Vũ Thị Hồng Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi: “Phấn đấu đến tháng 9, khi các khóa học bơi kết thúc để bước vào năm học mới thì 100% học sinh của trường đã có kỹ thuật bơi cơ bản. Đường tới trường của học sinh sẽ an toàn hơn. Các em có những kỹ năng phòng, chống đuối nước cơ bản sẽ biết xử lý khi gặp những tình huống bất ngờ…”.

Chị Nguyễn Thị Sửu (thôn Tân Tấu, xã Tân Thành, Bắc Quang) có con học lớp 3A chia sẻ: Chúng tôi phấn khởi và thấy đây là hoạt động bổ ích cho trẻ em nông thôn. Không chỉ trang bị cho các em kỹ năng phòng, chống đuối nước, mà nhà trường còn tạo môi trường, sân chơi ý nghĩa đang rất thiếu trong các dịp hè cho học sinh vùng cao, khó khăn. Mùa hè sau nếu trường tổ chức gia đình sẽ tiếp tục đăng ký cho con tham gia.

“Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi ủng hộ những hoạt động từ thiện đều nhìn vào ý nghĩa, kết quả triển khai. Nếu nhà trường đáp ứng được những điều kiện quan trọng đó và làm bằng cả tâm huyết thì sẽ chạm đến trái tim, sự đồng thuận, hưởng ứng của mọi người...” - Cô Vũ Thị Hồng Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ