Thầy giáo Lê Quang Vinh - Giáo dục là một quá trình của tâm thức

GD&TĐ - Lê Quang Vinh hiện là giáo viên Toán tại trường Wellspring Saigon và cũng là giáo viên giảng dạy SAT Math, các chương trình AP.

Với thầy Vinh làm giáo dục là một trong những công việc có những đặc thù riêng, nhiều thử thách và vô cùng thú vị.
Với thầy Vinh làm giáo dục là một trong những công việc có những đặc thù riêng, nhiều thử thách và vô cùng thú vị.

Ngoài công việc chính tại trường, thầy còn là giáo viên giảng dạy các chương trình ôn thi Toán chuẩn Quốc tế (SAT, AP, IGCSE…) tại Summit Education và cả chương trình luyện thi Toán phổ thông của Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS). Với kinh nghiệm giảng dạy, lối tư duy hiện đại, thầy Lê Quang Vinh đã và đang giúp nhiều em học sinh thay đổi nhận thức về sự học. Theo quan điểm của thầy thì làm giáo dục nghĩa là làm về con người, “là một quá trình của tâm thức”. Đó cũng chính là điều đặc thù nhất, thử thách nhất và cũng thú vị nhất của công việc này.

“Giáo dục là một quá trình của tâm thức”, thầy có thể nói rõ hơn về quan điểm này?

Khi nói “Giáo dục là một quá trình của tâm thức”, nghĩa là giáo dục không còn là một quá trình đào tạo nên một cá nhân có đủ năng lực tham gia vào thị trường lao động. Tôi xin nhắc tới quan điểm của nhà Triết học giáo dục Mỹ John Dewey: “Mục tiêu của giáo dục là sự tăng triển (growth)”. “Tăng triển” phải được hiểu là toàn bộ quá trình của tâm thức, của tinh thần chứ không chỉ dừng lại ở một động cơ kinh tế hay xã hội nào đó. Nói cách khác, mục tiêu của việc học nên là mở ra một cách nhìn về cuộc sống ở từng giai đoạn. Theo Ken Wilber, đó có nghĩa là mở rộng thế giới quan của con người. Từ đó, mỗi người sẽ có một cách thích ứng với cuộc sống này ngày một tốt hơn.

Thầy giáo Lê Quang Vinh hiện đang là giáo viên Toán tại trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Saigon.
Thầy giáo Lê Quang Vinh hiện đang là giáo viên Toán tại trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Saigon.

Chúng ta đang đứng trước một thế giới thay đổi chóng mặt, trong đó sự phát triển chóng mặt của công nghệ là một trong những nguyên nhân chính. Việc xem giáo dục như một quá trình đào tạo nên một con người nhằm mục đích kinh tế hay xã hội đã không còn phù hợp. Vì thế, khi nói đến “giáo dục như là một quá trình của tâm thức”, tôi muốn nhấn mạnh đến sự phản tư diễn ra bên trong chính cấu trúc tinh thần của người học, không chỉ đơn thuần là sau khi tốt nghiệp một khóa học ta sẽ làm gì với nó.

Thầy Lê Quang Vinh trong giờ giảng dạy trên lớp.
Thầy Lê Quang Vinh trong giờ giảng dạy trên lớp.

Thầy đang muốn nói đến “tư duy phản biện”?

Không hẳn là như vậy, bản thân thuật ngữ “tư duy phản biện” (critical thinking) đang bị lạm dụng quá mức, đến nỗi chúng ta còn không định nghĩa đúng về nó.

Tôi đề xuất khái niệm “tư duy biện chứng” (dialectical thinking). Đó là khả năng tự đánh giá và tổng hợp những tri thức mà người học tri nhận được trong quá trình giáo dục nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn trong một dịp khác.

Toán học là một môn học khó khiến rất nhiều học sinh cảm thấy nhàm chán trong quá trình học tập. Làm thế nào để thầy khơi gợi tình yêu của học sinh với môn Toán?

Theo tôi, thực trạng xã hội hoài nghi vai trò của môn Toán trong chương trình giáo dục đã xuất hiện từ lâu. Đã có câu hỏi đặt ra “Học Toán để làm gì?” - Cá nhân tôi nghĩ rằng nguyên nhân là do còn quá nhiều điều chưa làm rõ về việc dạy và học môn Toán.

Hình ảnh thầy giáo Lê Quang Vinh trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” – Đài truyền hình TP HCM.
Hình ảnh thầy giáo Lê Quang Vinh trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” – Đài truyền hình TP HCM.

Không giống như những môn học khác, đối tượng nghiên cứu của môn Toán vẫn là một trong những câu hỏi lớn. Theo tôi, đối tượng nghiên cứu của môn Toán không nằm trong thế giới khách quan, nó nằm trong thế giới của tâm thức. Ví dụ, ta không thể tìm thấy số 1 thuần túy tồn tại bên ngoài thế giới khách quan, thậm chí người ta còn khó khăn trong việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Số là gì?" như trong cuốn sách “Những cơ sở của số học” (The foundations of arithmetic) của Gottlob Frege. Ta không thể cầm lấy một “hình chữ nhật” bên ngoài thế giới này, chỉ có các vật có dạng “hình chữ nhật”. Vì thế, Toán học là môn học thuần túy logic. Tôi hay nói với các học sinh, Toán học là một “trò chơi của lý tính” như cách nói của đại triết gia Wittgenstein.

Với đặc thù như thế, Toán học trở thành cầu nối giữa tâm thức của con người với thế giới khách quan bên ngoài trong quá trình con người truy vấn thực tại, bằng cách kết nối với từng lĩnh vực cụ thể như: Kinh tế, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thậm chí là các ngành Khoa học xã hội.

Nếu ta chưa làm rõ vấn đề nêu trên, học sinh nói riêng và tất cả chúng ta nói chung, sẽ có những kỳ vọng mà môn Toán không thể đáp ứng được. Giống như việc đặt câu hỏi “Học Toán để làm gì?” và kỳ vọng sẽ có một kết quả thuần túy Toán học trình hiện trước mặt ta, hay giải quyết những công việc hàng ngày như “tính tiền mua rau ngoài chợ.”

Giáo viên chủ nhiệm Lê Quang Vinh chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp.
Giáo viên chủ nhiệm Lê Quang Vinh chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp.

Theo thầy, học sinh Việt Nam cần phải làm gì để có thể làm tốt các bài thi Toán chuẩn Quốc tế như SAT, hay AP?

Tôi nghĩ rằng một trong những sai lầm mà nhiều học sinh lầm tưởng là việc chuẩn bị cho các kỳ thi Toán chuẩn Quốc tế như SAT hay AP khác với cách học Toán chương trình Việt Nam. Căn bản, Toán học là ngôn ngữ chung của Thế giới. Vì thế, nếu ta trả lời được câu hỏi “học toán là cần học điều gì?” thì ta sẽ tìm được cách học phổ quát cho mọi chương trình.

Tôi may mắn đang giảng dạy các chương trình này cùng thời điểm, từ Toán chương trình Việt Nam cho đến việc ôn luyện cho các kỳ thi chuẩn Quốc tế như SAT và AP. Phương pháp của tôi theo lối xoắn ốc, giúp học sinh thường xuyên được kết nối những tri thức đã học của các chương trình lại với nhau. Việc học và ôn luyện cho các kỳ thi sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn khi không xem chúng là những kỳ thi với những kiến thức tách biệt.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ