Mang âm nhạc dân tộc đến gần học trò
Thầy Đặng Ngọc Ngận chia sẻ: Là giáo viên Ngữ văn, ngoài việc giúp học sinh có thêm kiến thức cũng như các năng lực chung, đặc thù, việc định hướng thị hiếu thẩm mỹ cũng quan trọng. “Là khán giả khá trung thành của nghệ thuật cải lương, tôi nhận ra việc kết hợp âm nhạc cải lương với văn học khá thú vị, giúp học sinh nhớ được kiến thức chung của tác phẩm văn học một cách tự nhiên. Đây cũng là cách để học sinh có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc dân tộc”, thầy Ngận cho biết.
Được sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường, thầy Ngận cùng các giáo viên trong Tổ Ngữ văn triển khai rất nhiều hoạt động để đưa cải lương, âm nhạc dân tộc đến với học sinh. Từ những ngày đầu thành lập (cách đây 3 năm), Tổ Ngữ văn thực hiện nhiều chương trình như ngoại khóa chuyên đề: Đưa âm nhạc mang âm hưởng dân gian vào học đường, Đưa nghệ thuật hát bội vào nhà trường, Về miền Quan họ, Kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương… Qua các chương trình, học sinh thấy được thầy cô đã trân trọng nghệ thuật dân tộc như thế nào, càng cảm thấy tự hào, trân trọng văn hóa dân tộc hơn.
Ngoài giảng dạy kiến thức cơ bản cho học sinh, việc đưa các bài vọng cổ, cải lương vào các bài học do thầy cải biên là những món quà gửi tới học trò. Hiện, thầy có “sản phẩm”của các tác phẩm: Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ chồng A Phủ… Những “sản phẩm” được chia sẻ trên trang cá nhân, group được đón nhận nồng nhiệt từ học trò, đồng nghiệp và lời khen của lãnh đạo nhà trường.
Đơn cử như bài bài ca vọng cổ hơn 8 phút về tác phẩm Vợ nhặt, được thầy Ngận tự viết lời, dựa vào phần lời rồi lên mạng tìm bản đờn phù hợp ghép lại và tự thể hiện lời ca. Qua clip, người nghe sẽ nắm được một cách khái quát về tác giả, tác phẩm Vợ nhặt với các giá trị nội dung, nghệ thuật được thể hiện cảm động, sâu sắc. Cùng với tiếng đờn, học sinh vừa thưởng thức âm nhạc truyền thống, vừa tiếp thu kiến thức môn học.
Sáng tạo phù hợp với học sinh
Với thầy Ngận, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vô cùng quan trọng, nhưng không phải ngày nay các thầy cô mới chuyển động mà từ nhiều năm trước, các thế hệ nhà giáo đã đổi mới rất nhiều. Tuy nhiên, tận dụng được sự phát triển của công nghệ thông tin nên việc đổi mới trong phương pháp dạy học đã phát triển mạnh mẽ, được lan tỏa nhiều hơn.
Theo thầy Ngận, sự sáng tạo trong dạy học rất khó để đong đếm, hơn thua, quan trọng là sáng tạo ấy phải phù hợp với bản thân và người học. Mỗi thầy cô đều linh hoạt về phương pháp dạy học tùy vào nội dung bài dạy, đối tượng học sinh, thậm chí là tùy vào những thời điểm, chỉ cần học sinh có một biểu hiện nào không thích ứng được họ sẽ “khéo léo xoay sở” sang phương pháp khác.
Với môn Ngữ văn, các phương pháp kiểm tra đánh giá luôn được xây dựng dựa trên nguyên tắc cụ thể, để học sinh được bộc lộ những phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, văn học và suy nghĩ của bản thân; cũng như thể hiện được cá tính, sáng tạo riêng.
Sau những bài viết, tấm ảnh, video… chân thật, khoa học và bảo đảm tính thẩm mỹ nhất định của học sinh, có thể thấy sự đổi mới trong kiểm tra – đánh giá đã phát huy hết hiệu quả của nó.
Một trong những mơ ước của tôi là đem nghệ thuật cải lương đến gần hơn với học sinh của mình. Vì vậy, tôi tập cải biên tác phẩm văn học thành bài ca vọng cổ hay những trích đoạn cải lương, vừa thực hiện nhiệm vụ truyền đạt thông điệp mà văn chương đem lại, vừa “dụ dỗ” các em đến với bộ môn nghệ thuật này. - ThầyĐặng Ngọc Ngận