Thầy giáo “Đàn gà con” Nguyễn Duy Nhất: Thầy cô, mái trường luôn là đề tài hấp dẫn với nhạc sĩ

GD&TĐ - Thầy cô và mái trường luôn là đề tài hấp dẫn các nhạc sĩ chuyên và không chuyên nhiều thế hệ. Cùng nghe thầy giáo dạy âm nhạc – ca sĩ Nguyễn Duy Nhất chia sẻ ấn tượng với những ca khúc bất hủ và ước mong về ca khúc mới làm cho trường học thêm vui.

Thầy giáo Nguyễn Duy Nhất và các học trò trong giờ Âm nhạc.
Thầy giáo Nguyễn Duy Nhất và các học trò trong giờ Âm nhạc.

- Đã từng có nhiều ca khúc ca ngợi hình ảnh người giáo viên, ca ngợi mái trường đi vào lòng người và còn mãi với thời gian. Thầy ấn tượng nhất với bài hát nào? Vì sao?

Đã có vô vàn bài hát ca ngợi về thầy cô và mái trường. Với tôi, bài nào cũng hay và ý nghĩa. Để chọn ra một bài ấn tượng nhất có lẽ rất khó vì tôi ấn tượng với một “cơ số” các bài hát về chủ đề này.

Ví dụ các bài:  "Người thầy", "Bụi phấn", "Những điều thầy chưa kể"”, “Bài ca Người giáo viên nhân dân”, “Cô giáo bản Mèo”… Mỗi bài đều rất hay và có sức sống riêng, nội dung và giai điệu đều dễ chạm tới ký ức và gây xúc động tới bất kỳ ai từng là học sinh.

Nói chung tôi “tham lam” nhưng có sơ sở và chắc có nhiều người gống tôi về điều này.

Thầy giáo Nguyễn Duy Nhất hiện là giáo viên Âm nhạc tại Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội), từng là cái tên “gây sốt” mạng xã hội năm 2018 với Clip múa hát khi dạy học sinh bài hát “Đàn gà con”.

Một số giải thưởng:

Giải Ba tiếng hát sinh viên, nghiệp vụ sư phạm toàn quốc.

Giải Nhất Giọng hát hay Đông Anh 2014

Bán kết Giọng hát hay Hà Nội 2014

Giải Nhì Giọng hát hay quận Tây Hồ 2018

- Là một ca sĩ – giáo viên âm nhạc, thầy đánh giá như thế nào về số lượng và chất lượng các ca khúc về thầy cô và mái trường hiện nay?

Tôi thấy, số lượng các bài về chủ đề này rất nhiều, nhưng chủ yếu đã ra đời ở những giai đoạn trước, khi mà hình ảnh thầy cô, mái trường, bè bạn vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: công nghệ, quan điểm con người, mạng xã hội...

Những bài hát ở thời điểm đó vẫn có giá trị lớn cho đến hiện tại bởi rất hay và ý nghĩa. Tiếc rằng, đến nay những ca khúc quan thuộc một thời với học trò đã không  còn quá phổ biến trong mỗi học sinh do sự phát triển của âm nhạc là luôn ra đời những cái mới, có xu hướng hợp Trend hơn.

Là giáo viên âm nhạc, tôi mong sẽ có nhiều bài hát mới về đề tài nhà trường có thể đi cùng năm tháng, đồng hành cùng các lứa học trò. Có được như vậy, rất cần sự dụng công của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên. Cần họ dành tâm huyết để có những sáng tác ý nghĩa, hợp thị hiếu và gắn với thời cuộc để giáo viên và học sinh cùng đón nhận.

- Hiện nay, có nhiều cuộc thi lớn nhỏ viết về đề tài này song các tác phẩm hầu như  "mất hút" ngay sau cuộc thi và ít được công chúng biết tới. Vậy theo thầy, cách nào để lan toả tốt nhất những bài hát này tới đông đảo người yêu nhạc?

Để các bài hát về đề tài thầy cô và mái trường đến được với đông đảo công chúng, theo tôi, trước hết các bài hát đó phải đảm bảo được yếu tố chất lượng về giai điệu, âm nhạc. Bởi là bài hát thì giai điệu phải bắt tai và có tính sáng tạo.

Để đến với công chúng cần kết hợp nhiều kênh quảng bá. Bởi bài hát đủ hay sẽ được chia sẻ rất nhiều trên các nền tảng công nghệ khác nhau.

Bài hát đó phải ra đời đúng thời điểm, có tính thực tế và phù hợp thị hiếu. Bởi ai cũng muốn tìm đến 1 bài hát "dùng được" trong các hoạt động cần thiết. Đảm bảo chất lượng và nội dung gần gũi đời sống là điều giúp ca khúc sống lâu bền trong lòng nhiều thế hệ người thưởng thức âm nhạc.

Các ca khúc cần khai thác nhiều góc nhìn đặc biệt để tạo dấu ấn. Vẫn chủ đề đó nhưng từ góc nhìn của nhiều nhận vật khác nhau sẽ thu hút được nhiều đối tượng hơn....

Thầy Nhất cùng đội văn nghệ.
Thầy Nhất cùng đội văn nghệ.

- Là người làm về giáo dục, tham gia trực tiếp quá trình giảng dạy tại nhà trường, thầy có thể cho biết nhu cầu về “món ăn tinh thần” này đối với học sinh và giáo viên ra sao?

Học sinh luôn thích những giai điệu vui tai, hợp thị hiếu, cách thể hiện độc đáo (đối với học sinh, vui là thích, vẫn bài cũ mà được phối nhạc sôi động, vui nhộn hơn sẽ thích hơn...).

Đối với giáo viên không quá cầu kì, nội dung và giai điệu hay thì ai cũng thích, tuy nhiên tùy độ tuổi và sở thích cá nhân mà có thầy cô muốn tìm đến những ca khúc hoài niệm, tinh tế, dịu dàng, hoặc ngược lại.

- Tại mỗi kỳ liên hoan văn nghệ của ngành, các ca khúc mới có thường được trưng dụng? Là người dàn dựng và mang các tiết mục đi thi, liệu thầy có “mạo hiểm” sử dụng các ca khúc mới?

Tại các liên hoan văn nghệ, thời gian gần đây các ca khúc mới đã được sử dụng nhiều hơn bởi âm nhạc và nội dung rất phù hợp với thời đại, thậm chí những ca khúc dù đã cũ nhưng đã được làm mới hơn, kết hợp phụ họa rất bắt mắt nên vẫn chiếm được cảm tình của khán giả.

Tuy nhiên, những bài hát mới chưa thực sự gây được tiếng vang. Trong mỗi hội thi, hội diễn tôi vẫn luôn kết hợp 2 yếu tố trên để tập luyện cho học sinh. Khi tham gia phong trào với một tinh thần thoải mái, ca hát là niềm vui, gắn kết mọi người, tạo động lực và khuyến khích vươn lên sẽ mang lại những thành quả rất bất ngờ.

Âm nhạc là suối nguồn yêu thương, là món ăn tinh thần vô giá, giúp xoá tan mọi khoảng cách về văn hoá và địa lý. Với giáo dục, phong trào văn nghệ luôn đồng hành với các phong trào thi đua dạy tốt học tốt, gắn kết tình cảm thầy trò và tạo động lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập.

- Xin cảm ơn thầy!

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giờ học tiếng Anh tại Trường PTDTBT THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Tiếp sức cho đổi mới Giáo dục

GD&TĐ - Khung năng lực số cho người dạy và học từ mầm non đến đại học được Bộ GD&ĐT xây dựng và dự kiến triển khai năm 2025...