Hiếm tác phẩm âm nhạc “lay động lòng người”

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, mặc dù thời gian qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức khá nhiều cuộc thi và chương trình nhằm tìm kiếm tài năng âm nhạc, nhưng rất hiếm tác phẩm lay động lòng người. Chưa kể đến, có một thực tế, hiện nay nhiều người viết nhạc nhưng không biết nhạc.

Âm nhạc nay hiếm tác phẩm lay động lòng người.
Âm nhạc nay hiếm tác phẩm lay động lòng người.

Chưa nhiều nhân tố mới

Sự bùng nổ thông tin, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa mới khiến cho nhạc trẻ Việt Nam có những biến đổi, đó là điều dù muốn hay không vẫn tồn tại và chúng ta buộc phải chấp nhận. Thị hiếu của công chúng Việt Nam phân tách ra làm nhiều đối tượng nghe nhạc và chính những đối tượng đó đã khiến cho xu hướng âm nhạc phân cấp. Nhiều nhạc sĩ từng nhận xét, hiện tại có không ít ca khúc thị trường với ca từ và giai điệu đơn giản, thậm chí thô thiển. Nhưng cũng không thể không ghi nhận, nền âm nhạc Việt Nam sau thế hệ Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn... đến thế hệ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ… đã thấy xuất hiện những nhân tố mới, là các tác giả trẻ với những sáng tác mang âm hưởng thời đại, có góc nhìn mới, cảm xúc mới như: Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Hồ Hoài Anh, Sa Huỳnh…

Nếu chỉ nhìn nhận âm nhạc Việt Nam theo chiều hướng “bảo tồn cái cũ” thì có lẽ khó có thể thấy được sự thay đổi của nền âm nhạc Việt Nam trong thời đại mới. Chia sẻ bên lề Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020 - 2025), diễn ra tại Hà Nội ngày 6 - 7/8 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS.TS Đỗ Hồng Quân cho rằng, quan trọng nhất là phải tìm ra được những nhân tố mới để kịp thời khuyến khích và phát triển. Nhạc trẻ Việt Nam đương đại thật sự đang có những nhân tố mới, dù rằng chưa nhiều. Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng nghìn ca khúc mới, kể cả lĩnh vực âm nhạc kinh điển như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… vẫn chưa có những tác phẩm tiêu biểu, đỉnh cao, có sức lan tỏa, vang vọng lâu dài như tác phẩm thời kỳ trước.

“Sự mất cân đối, lệch lạc trong các thể loại âm nhạc là điều đáng quan tâm, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay và trong tương lai, khi quy luật kinh tế thị trường chi phối mọi lĩnh vực cuộc sống, không loại trừ đời sống âm nhạc”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân cho hay.

Hiếm tác phẩm âm nhạc “lay động lòng người” ảnh 1

Viết nhạc nhưng không biết nhạc 

Từ thực trạng phân cấp trong sáng tác âm nhạc, theo PGS.TS. Đỗ Hồng Quân, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là phát triển hội viên mới, trong đó chú trọng đến hội viên trẻ, đặc biệt là lấp khoảng trống về lực lượng nhạc sĩ viết khí nhạc. “Người trẻ hiện nay không chú trọng viết nhạc không lời mà trong âm nhạc đang cần có đủ cả khí nhạc và thanh nhạc. Bản thân thanh nhạc có một vấn đề là nhạc sĩ trẻ thường viết nhạc pop, hướng ngoại, nên dẫn đến việc nhiều tác phẩm lệch lạc về nội dung. Song vấn đề kiểm duyệt lại thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thuộc thẩm quyền của hội. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ mới hội sẽ lên kế hoạch tập trung lôi cuốn các nhạc sĩ trẻ có những sáng tác có ích cho đời sống xã hội, xa hơn nữa là những tác phẩm có thể lưu truyền lâu dài”.

Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, mặc dù thời gian qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức khá nhiều cuộc thi và chương trình nhằm tìm kiếm tài năng âm nhạc, nhưng rất hiếm tác phẩm lay động lòng người. Đây cũng là tình trạng chung của đội ngũ sáng tạo văn nghệ chứ không riêng âm nhạc. “Giới văn học nghệ thuật nói chung đều phải phấn đấu để có được những tác phẩm lớn. Để làm được điều này, ngoài tài năng cá nhân người sáng tác, còn phụ thuộc vào thời cuộc và không khí xã hội. Giống như sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, có hào khí dân tộc, sự đồng thuận của nhân dân và tài năng cùng niềm đam mê của nhạc sĩ, mới tạo nên được những tác phẩm lớn, đi cùng năm tháng”.

Có một thực tế, hiện nay nhiều người viết nhạc nhưng không biết nhạc. “Đây là hiện tượng có thật, bởi các tác giả trẻ đa phần chạy theo xu hướng. Tác phẩm của họ căn cứ vào lượng yêu thích, lượt view, lượng người hâm mộ và rộng hơn là theo cơ chế thị trường”. Trong môi trường kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa và do vậy phải theo quy luật của thị trường. 

Để định hướng lại và khắc phục thực trạng trên, PGS.TS Đỗ Hồng Quân kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp chặt chẽ trong khâu quản lý âm nhạc, từ sáng tác, biểu diễn, đến quảng bá, phát hành… Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư mạnh vào sáng tác và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực khí nhạc, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các sân khấu ca nhạc. Cần thiết có những chương trình hướng dẫn phổ cập âm nhạc đến đông đảo quần chúng dưới mọi hình thức, đặc biệt là chương trình dạy nhạc tại các trường phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.