Chương trình nhận được sự hỗ trợ phối hợp của Câu lạc bộ Âm nhạc Trúc Mai do NSƯT Ngô Tuyết Mai dẫn dắt. Tại chuyên đề, học sinh của trường đã được lắng nghe những tiết mục được các nghệ sĩ của CLB biểu diễn như Đi cấy, Lý cây đa…
Bên cạnh thưởng thức những giai điệu dân ca, học sinh được giới thiệu rất cụ thể về nguồn gốc, cách chơi... các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn T’rưng, sáo trúc, đàn cò, đàn tam thập lục…
Học sinh rất hào khi được trải nghiệm thử tài chơi đàn T’rưng do Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai hướng dẫn.
Nhiều em chia sẻ, sau khi tham gia chuyên đề ngoại khóa sẽ ghi danh tham gia CLB Âm nhạc dân tộc của nhà trường để tìm hiểu sâu hơn.
Ngoài ra, học sinh của trường cũng có thể tham quan các nhạc cụ được trưng bày ở trường. Tổ Ngữ văn của nhà trường cũng đã sưu tầm và in thành những cuốn tài liệu giới thiệu về Âm nhạc dân tộc để học sinh tham khảo.
Em Kỳ Duyên, lớp 10A14, một trong ba học sinh được tham gia chơi thử đàn T’rưng chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được thử chơi loại đàn này, thấy vô cùng thú vị và không quá khó để ghi nhớ các nốt.
Tuy nhiên, để chơi được các bản nhạc thì phải yêu thích và dành thời gian để tìm hiểu về nó. Em dự định sẽ tham gia CLB Âm nhạc dân tộc của trường để tìm hiểu kĩ hơn.
Theo lãnh đạo nhà trường, chương trình ngoại khóa về Âm nhạc dân tộc được nhà trường tổ chức thường niên cho học sinh nhằm giới thiệu, giúp các em cơ hội tìm hiểu về loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc.
Song song với chương trình ngoại khóa, năm học này trường thành lập CLB Âm nhạc dân tộc để tạo sân chơi, môi trường cho những học sinh muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc, yêu thích loại hình này cũng như phát triển những học sinh có sở trường tham gia.
Từ đó giúp các em hiểu sâu hơn về âm nhạc dân tộc, khơi gợi niềm yêu thích cũng như gìn giữ và lan tỏa.