Ước mơ thắp sáng bản làng
Năm học 2022 – 2023, thầy Trần Văn Bửu đứng lớp ở điểm trường Ông Tuấn, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Điểm trường có lớp 1 và 2 được ghép chung với nhau. Học sinh vẫn chưa nói thạo tiếng phổ thông nên giáo viên đứng lớp phải giãn tiết.
Thầy Bửu cho biết: “Tùy theo thực tế của tiết học, thời gian của mỗi bài học có khi phải kéo dài để có thể luyện nói, luyện viết cho học sinh được nhiều hơn. Dạy lớp ghép thì giáo viên rất vất vả, ngoài nói nhiều, di chuyển nhiều, các bước lên lớp còn phải tính toán sao cho không để thời gian “chết”. Nếu mình đang giảng bài cho lớp này thì học sinh lớp kia đang phải làm bài tập hoặc đọc dò lẫn nhau”.
Trong điều kiện đồ dùng học tập ở các điểm trường lẻ chưa đầy đủ, thầy Bửu thường tận dụng những vật dụng thực tế, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày để các em dễ ghi nhớ kiến thức.
Chỉ những ngày trời nắng ráo, điểm trường ông Tuấn mới có điện đủ để thắp sáng vào buổi chiều nếu có mưa giông. |
“Dạy học chương trình – sách giáo khoa mới ở khối lớp 1-2 cần nhiều tranh ảnh. Nhưng do điểm trường thôn chưa có điện nên không thể sử dụng kho học liệu điện tử. Vì vậy, mỗi lần về điểm trường chính sinh hoạt chuyên môn, mình thường tranh thủ in tranh ảnh để giờ học thêm sinh động, các em dễ nắm bài hơn” – thầy Bửu kể. Những chi phí in ấn, giáo viên đều phải tự thanh toán. Nhưng nói như thầy Bửu, nếu không có học cụ phục vụ dạy học thì vừa làm khó cho mình, vừa làm khó cho trò.
Mùa hè năm nay, với sự kết nối của cô giáo Trà Thị Thu, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, để xin kinh phí làm đường vào đến tận làng Tu Nương. Nhà tài trợ chỉ hỗ trợ 1 tấn xi măng, vận chuyển, xăng xe, ăn uống cho bà con. Thế nên phải vận động bà con tham gia ngày công. Từ công làm đường cho đến ra sông lấy cát về để đổ đường. Thầy Bửu đã nhận những phần việc này về mình, vận động, hướng dẫn người dân cùng tham gia làm đường.
Từ điểm trường ông Tuấn, thầy Bửu phải đi bộ khoảng 2 tiếng mới ra đến “đường xe” (đường có thể đi xe máy được - PV). Từ đường xe, cũng phải mất 25km nữa mới về đến nhà ở làng Tu Nương, xã Trà Tập. Điểm trường Ông Tuấn cũng chưa có điện lưới. Bộ đèn năng lượng mặt trời được nhà hảo tâm tặng trường, theo thầy Bửu kể, mùa đông chỉ thắp sáng đến khoảng 9h tối thì tắt.
“Do trên núi sương mù nhiều nên mùa đông, phòng học rất tối. Thế nên, em chỉ mong muốn được kết nối với các nhà hảo tâm để điểm trường có thể lắp tua – pin dùng bằng nước để phát điện. Nam Trà My thường mưa giông nhiều, phòng học lại lợp mái tôn nên rất ồn, thường những lúc đó, học sinh phải làm bài tập vì thầy giáo có giảng bài, các em cũng không nghe được. Trong khi phòng học tối nên nhìn học sinh rất thương” – thầy Bửu chia sẻ.
Trao yêu thương nhận lại ngọt ngào
Tốt nghiệp đại học sư phạm năm 2017, thầy Trần Văn Bửu bắt đầu dạy hợp đồng với mức lương 2,5 triệu/tháng cho đến năm 2021 thì thi đỗ vào biên chế.
Anh Nguyễn Bình Nam – chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) kể: “Nhớ đêm 30 Tết năm 2017, khoảng 9h tối, chỉ còn 3 tiếng nữa là giao thừa, mình gọi điện hỏi thăm và chúc Tết thầy Bửu. Hỏi thầy đã chuẩn bị đón giao thừa chưa. Thầy Bửu trả lời rất thật thà: “Dạ em có gì mà đón giao thừa anh”. Đêm giao thừa năm ấy, thầy Bửu đi chài cá ở suối, kiếm mấy con cá về cho vợ và con ăn Tết”. Lúc đó thật sự tui không biết nói sao cả. Chùng cả người xuống! Con gái Bửu lúc đó vừa được 4 tháng tuổi, vợ thầy Bửu cũng người Ca Dong ở nhà làm rẫy. Đêm 30 rồi, trên núi thì đang lạnh, mọi người đều đang chuẩn bị cho đêm giao thừa đoàn viên ấm áp, mà vẫn còn những thầy cô bươn bải như vậy…”.
Mùa hè 2023 này, thầy Trần Văn Bửu vận động bà con trong làng Tu Nương cùng tham gia vận chuyển xi măng, cát sạn... để làm đường bê tông. Xi măng được một nhà hảo tâm tài trợ qua sự kết nối của cô giáo Trà Thị Thu (Trường PTBTBT Tiểu học Trà Tập). |
Tự lập ngay từ nhỏ, đến thời điểm này, thầy Bửu vẫn còn nợ 70 triệu đồng ở ngân hàng, là khoản tiền vay mượn để theo học đại học. Đến giờ, mỗi tháng cũng chỉ trả tiền lãi khoảng 1 triệu đồng, tiền gốc vẫn còn nguyên. Gia đình 4 thành viên với 2 đứa con còn nhỏ chỉ chi tiêu sinh hoạt dựa vào khoản tiền lương hàng tháng của thầy Bửu. Căn nhà đang ở cũng là nhà tạm.
Vượt qua những khó khăn, chật vật về kinh tế của một gia đình trẻ, thầy Trần Văn Bửu vẫn nỗ lực trong dạy học. Thầy Trương Công Một, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn nhận xét: “Thầy Trần Văn Bửu là một giáo viên trẻ, nhiệt tình và rất cầu tiến. Từ khi dạy hợp đồng cho đến khi là một giáo viên biên chế, thầy Bửu đều nhận đứng điểm ở các điểm trường thôn để cống hiến cho những nơi còn khó khăn. Nhờ sự kết nối của thầy Bửu với các nhà hảo tâm, học sinh và cả người dân tại các điểm trường thôn nơi thầy dạy học đều nhận được sự hỗ trợ. Năm học 2022 – 2023, thầy Bửu được công nhận là giáo viên dạy giỏi và nằm trong danh sách giáo viên được UBND huyện khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Với sự vận động của thầy Bửu, 51 hộ dân làng Tu Nương đều đóng góp ngày công để làm đường. Có đường thì rau rừng, măng rừng, chuối của bà con sẽ không phải gùi bộ mà sẽ được chở đi bằng xe máy. Con em khi về điểm trường chính đi học cũng thuận tiện hơn. |
Cô giáo Nguyễn Hạnh, giáo viên Trường PTBTBT Tiểu học Trà Tập, từng đứng điểm ở điểm trường Tu Nương, nơi gia đình thầy Bửu sinh sống, nhận xét: “Thầy Bửu là tấm gương sáng cho bọn trẻ cả nóc”. Ở đây, học sinh người đồng bào học lên cao rất ít, nhất là học lên Cao đẳng/Đại học. Nên thầy Bửu vượt khó học lên đến đại học sư phạm, rồi quay trở lại làm thầy giáo dạy lại cho các em nhỏ, đã gieo thêm nhiều ước mơ cho chính con em trong bản…