Bộ sưu tập với những tác phẩm điêu khắc trên bút chì “có một không hai”.
Khắc bút chì để tặng học trò
Trò chuyện với PV Báo GD&TĐ, thầy Dương Văn Kiên (SN 1981, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP Đà Nẵng) cho biết, thầy đến với nghệ thuật điêu khắc trên bút chì một cách tình cờ.
Theo thầy Kiên, gần 10 năm trước, trong một lần vô tình thấy một số tác phẩm nghệ thuật được khắc thì thấy những tác phẩm được khắc trên thân cây bút chì. Thích khám phá những điều mới mẻ, thầy Kiên liền tìm hiểu và bắt đầu học làm theo. Để thực hiện những tác phẩm đầu tay của mình, thầy Kiên sử dụng những vật dụng bình thường và bắt đầu tập làm quen và khắc những tác phẩm đơn giản. Làm dần quen tay, thầy Kiên bắt đầu làm nhiều hơn, những tác phẩm đầu tay của thầy Kiên làm ra đều được thầy làm quà tặng cho người thân, phần thưởng nhỏ cho các em học sinh, để khuyến khích các em học tập.
Thầy Kiên cho hay, những tác phẩm đầu tiên chỉ đơn giản là hình thú, chữ… Sau đó, thầy tìm tòi học hỏi và bắt đầu điêu khắc những tác phẩm có độ khó cao hơn như các loại xích, hình rồng, phượng. Vừa chỉ tay giới thiệu những tác phẩm hình con phượng được làm ra bởi bàn tay điêu luyện của mình, thầy Kiên tâm sự: “Đối với những tác phẩm như vậy, muốn làm theo hình dạng cong thì tôi phải uốn cây bút chì cong theo dáng con phượng, sau đó mới bắt đầu khắc. Như cây bút chì khắc hình phượng này, được làm từ 2 cây bút chì tái chế, với phần thân đến đuôi từ một cây, phần cánh khắc từ một cây khác. Những tác phẩm công phu như thế này thường mất từ một tuần đến mười ngày mới hoàn thành”.
Để có được một tác phẩm nghệ thuật trên bút chì ưng ý, người làm phải trải qua nhiều công đoạn hết sức tỉ mỉ và công phu. Cụ thể, định hình từ trước, người làm phải phác họa, rồi vẽ hình mẫu, tạo hình và cuối cùng là sơn bóng để hoàn thiện tác phẩm. “Để có được sản phẩm độc đáo thì bước hình thành ý tưởng là quan trọng nhất. Sau đó là thiết kế hoàn thiện. Mỗi tác phẩm như vậy sẽ mất vài ngày, tùy vào tác phẩm chạm khắc cầu kỳ sẽ mất thời gian lâu hơn. Có khi là vài tuần, thậm chí có sản phẩm kéo dài từ 3 - 4 năm. Mỗi sản phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng. Nhiều năm nay, trong cặp tôi lúc nào cũng có vài cây bút chì khắc chữ để tặng cho học trò, khích lệ các em trong những tiết học”, thầy Kiên chia sẻ.
“Truyền nghề” cho học trò
Không chỉ dùng bút chì để khắc, thầy Kiên còn sử dụng nhiều loại bút chì khác để tạo nên sự khác biệt như: Bút chì không vỏ, chì thợ mộc, chì ruột chữ nhật, chì vẽ… Thế nhưng, nhiều loại bút chì không có hàng ở trong nước, nên những lúc như vậy thầy Kiên lại nhờ bạn bè hoặc học trò cũ đang học ở nước ngoài mua rồi gửi về.
Thầy Kiên cho rằng, bút chì gỗ bán nhiều ngoài thị trường, rất dễ tìm. Nhưng bút chì thợ mộc, chì không vỏ thì khó mua hơn. “Đối với những loại bút chì khó mua, mỗi lần điêu khắc như vậy phải tập trung cẩn trọng hết sức, bởi vì nếu không tỉ mỉ sẽ gây hỏng và như vậy sẽ rất khó tìm mua lại”, thầy Kiên bật mí.
Cứ như vậy, túc tắc đã hơn 10 năm qua, thầy Kiên đã gắn bó với nghề điêu khắc trên bút chì. Chính vì thế, bộ sưu tập của thầy Kiên cũng xấp xỉ gần cả nghìn tác phẩm. Điều đặc biệt, không chỉ khắc trên thân gỗ bút chì, thầy Kiên còn điêu khắc trên ruột bút chì. Thế nhưng, việc điêu khắc trên ruột bút là một câu chuyện hoàn toàn khác, sở dĩ ruột chì nhỏ, dễ gãy nên việc điêu khắc sẽ rất khó.
Không những vậy, thầy Kiên còn “truyền nghề” cho nhiều thế hệ học trò. Thầy cũng thành lập một “Câu lạc bộ điêu khắc bút chì” để chỉ dẫn cho các bạn sinh viên, học sinh trên địa bàn. Ngoài sáng tạo các tác phẩm từ cây bút chì, thầy Kiên còn sáng tạo các tác phẩm từ vỏ trứng vịt, trứng đà điểu…