Tiếng hát trên non – Sẻ chia cảm xúc đến đồng nghiệp vùng cao

GD&TĐ - "Là giáo viên âm nhạc ở một trường phổ thông bình thường, khi nghe tên ca khúc “Tiếng hát trên non” của mình được giải Ba, cảm xúc của tôi từ bất ngờ, đến vui mừng và tự hào”, thầy Lê Anh Hà bày tỏ.

Thầy Lê Anh Hà tác giả ca khúc Tiếng hát trên non đạt giải Ba cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường.
Thầy Lê Anh Hà tác giả ca khúc Tiếng hát trên non đạt giải Ba cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường.

Niềm vui của thầy giáo làng

Trở về từ lễ trao giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường do Bộ GD&ĐT tổ chức, với thầy Lê Anh Hà đó là trải nghiệm đặc biệt trong đời đi dạy của một giáo viên và người sáng tác âm nhạc.

Thầy Lê Anh Hà hiện là giáo viên Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An. Biết tới cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”, thầy như được khơi nguồn cảm xúc, đặt bút sáng tác. Ca khúc Tiếng hát trên non lại lấy cảm hứng từ những thầy cô giáo, học trò vùng cao, trong khi thầy Lê Anh Hà lại đang công tác tại một trường miền xuôi của Nghệ An.

Nói về điều này, thầy Lê Anh Hà chia sẻ đã từng có dịp đi lên miền núi phía Tây Nghệ An, xem trên báo đài câu chuyện của các thầy cô giáo cắm bản ở vùng cao, vùng khó khăn khắp cả nước. Những câu chuyện thật, người thật đó khiến thầy cảm nhận, cùng là người dạy học nhưng đồng nghiệp đã vất vả, cố gắng, tâm huyết như thế nào.

Thầy Lê Anh Hà cùng các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức cuộc thi.

Thầy Lê Anh Hà cùng các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức cuộc thi.

Đặc biệt là 2 năm học vừa qua, giáo viên miền núi vừa chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt, vừa phải triển khai dạy học bình thường vừa phải tìm cách vận động học sinh tới trường trong điều kiện giãn cách.

Nhưng thầy không muốn kể lể thêm những nỗi nhọc nhằn “gánh chữ lên non” như nhiều người nhắc đến về đồng nghiệp của mình, mà muốn thể hiện cái nhìn tươi sáng, lạc quan hơn.

“Các thầy cô miền núi, cắm bản lâu năm, đã coi sương mù, đường dốc, giá lạnh... là chuyện thường ngày. Họ biến khó khăn thành người bạn gắn bó, tìm thấy niềm vui trong thiếu thốn, thiệt thòi. Đó là đem tri thức, cái chữ đến cho học trò.

Với tôi, giáo viên miền núi còn làm lá chắn nơi phên dậu đất nước. Bởi khi học trò vùng cao biên giới có chữ nghĩa, có hiểu biết thì sẽ làm vững vàng biên cương”, thầy Lê Anh Hà chia sẻ.

Nhiều năm qua, thầy Lê Anh Hà duy trì việc dạy học song song với sáng tác và định hướng phát triển nghệ thuật cho học sinh.

Nhiều năm qua, thầy Lê Anh Hà duy trì việc dạy học song song với sáng tác và định hướng phát triển nghệ thuật cho học sinh.

Với cảm hứng đó, thầy Hà đưa chất liệu dân gian miền Bắc vào trong bài hát của mình, để gần gũi, thân thuộc, dễ chạm đến cảm xúc người nghe. Vừa nói được tấm lòng thầy cô vùng cao, không coi việc dạy học như một sự hi sinh mà trách nhiệm, niềm vui cùng học trò, vừa lan tỏa những điều đẹp đẽ, ý nghĩa của nghề giáo.

“Nhận giấy mời tham gia lễ trao giải, ra Nhà hát lớn Hà Nội, cảm xúc của tôi là hồi hộp đợi chờ. Bởi tôi chỉ là một giáo viên dạy âm nhạc ở một ngôi trường phổ thông bình thường. Trong khi đó tham gia cuộc thi có nhiều nhạc sĩ, những người theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp hay giảng viên trường ĐH, CĐ.

Đến khi nghe “Tiếng hát trên non” đạt giải Ba, tôi như vỡ òa niềm vui và tự hào vì cảm xúc, sáng tác của mình được ghi nhận”, thầy Lê Anh Hà xúc động nói.

Phát triển phong trào văn nghệ trong nhà trường

Cũng theo chia sẻ của thầy giáo trường THCS Lý Nhật Quang, cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường được tổ chức với quy mô lớn, bài bản. Có tác phẩm đạt giải, đối với thầy Lê Anh Hà, là một sự động viên tinh thần to lớn, để tiếp tục cống hiến trong nghề và sáng tác.

Thầy Hà từng theo học Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, tồi tiếp tục học Sư phạm Nhạc – Họa trung ương. Tốt nghiệp, thầy giáo trẻ có thời gian dạy và làm công tác Đoàn thanh niên tại Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh.

Sau đó, Lê Anh Hà quyết định quay về quê hương tại huyện Đô Lương. “Thời điểm đó, người học bài bản âm nhạc trở về quê không nhiều. Vì vậy, trở về dạy học gần nhà, tôi mong muốn làm điều gì đó để phát huy năng khiếu âm nhạc cho học trò ở vùng nông thôn”, thầy nhớ lại.

CLB văn hóa - nghệ thuật của Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương) biểu diễn trong một hoạt động ngoại khóa.

CLB văn hóa - nghệ thuật của Trường THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương) biểu diễn trong một hoạt động ngoại khóa.

Với mục tiêu đó, trong suốt thời gian dạy học tại Trường THCS Lý Nhật Quang, thầy Hà đã đưa phong trào văn hóa, văn nghệ ở trường phát triển sôi nổi. Bắt đầu từ các hoạt động, chương trình ngoại khóa, sinh hoạt theo chủ đề. Thành lập CLB văn hóa – nghệ thuật thu hút học sinh tham gia sôi nổi.

Trường THCS Lý Nhật Quang cũng là đơn vị giáo dục đầu tiên của tỉnh đưa dạy học văn hóa – nghệ thuật vào chương trình tăng cường với nội dung, thời khóa biểu đầy đủ.

“Từ nền tảng hoạt động CLB nghệ thuật, nhiều học sinh phát hiện năng khiếu bản thân đi theo con đường âm nhạc bài bản hơn. Nhiều học sinh ở trong ngoài huyện cũng tìm đến tôi để được hỗ trợ, học căn bản về thanh nhạc. Đó cũng là niềm vui của người là nghề giáo, khi giúp các em theo đuổi đam mê, khả năng của mình”, thầy Hà nói.

Song song với công tác dạy học, thầy Hà chưa bao giờ từ bỏ việc sáng tác, mà vẫn đều tay viết như một sự thôi thúc của bản thân. Thầy nhớ lại, mình bắt tay viết từ khi còn đi học ở Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Ban đầu, nhạc và lời còn ngây ngô, đơn giản. Nhưng mọi ý kiến của bạn bè, thầy cô được cậu sinh viên tiếp thu, lắng nghe để dần dần tạo được điểm nhấn, dấu ấn cho ca khúc của mình.

Khi có được nền tảng nhạc lý, cùng với trải nghiệm từ công việc, cuộc sống, thầy Lê Anh Hà sáng tác nhiều hơn. Đến nay, thầy là tác giả của nhiều ca khúc phong trào, đạt giải các cuộc thi trong tỉnh và nhiều nhất là những bài hát về quê hương, học trò, mái trường như Nghệ An quê em, Gửi lời thầy cô...

Thầy cho hay: “Việc sáng tác khó nói, tùy thuộc vào cảm xúc của bản thân. Vì vậy, bất kể khi nào nảy ra ý tưởng tôi sẽ bắt lấy để chuyển tải thành ca từ”.

Năm học 2021-2022, một năm học đặc biệt chưa từng có tiền lệ, khi Nghệ An và nhiều tỉnh thành trong cả nước phải khai giảng online do giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19. Trong thời điểm đó, thầy Lê Anh Hà đã sáng tác ca khúc “Khai trường online” để gửi tặng tới học trò, đồng nghiệp. Bài hát cũng là lời động viên, khích lệ thầy trò trong ngành cùng vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ năm học.

Với thành quả mới từ cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường, là động lực để thầy giáo làng tiếp tục đam mê bản thân, phát triển phong trào nghệ thuật nơi mình công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.