Thấy gì từ một lá đơn xin thôi việc?

GD&TĐ - Mấy ngày nay trên mạng xã hội lan truyền lá đơn đề nghị thôi việc của thầy giáo tiểu học ở tỉnh Đồng Nai.

Thực hư có hay không có lá đơn và nếu có thì trách nhiệm của người đứng đơn cũng như người nhận đơn đã hành xử thế nào, đúng đến đâu? Chắc chắn sớm hay muộn ngành Giáo dục Đồng Nai và các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để có kết luận, trả lời những bức xúc của xã hội.

Thế nhưng, trước khi có kết luận chính thức, lá đơn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội chắc hẳn đã làm chạnh lòng, làm “đau” những người làm giáo dục. Xã hội, các nhà giáo, đặc biệt là học trò, phụ huynh nghĩ gì về giáo giới, về môi trường giáo dục? Từ ngữ trong đơn cũng có thể dẫn đến những nhận định, đánh giá cực đoan, thiếu công bằng về môi trường giáo dục, dễ gây tổn thương cho nghề giáo, nhà giáo. Câu chuyện này, vì thế không dừng lại ở khuôn khổ một ngôi trường nữa.

Riêng người viết thì băn khoăn vô cùng, khi một thầy giáo 50 tuổi đời và 24 tuổi nghề dùng những ngôn từ nặng nề như vậy trong lá đơn về nơi mình đang công tác. Viết đơn cũng phải theo quy tắc, phải đúng thể thức văn bản, từ Quốc hiệu, tiêu ngữ đến cách sử dụng ngôn ngữ trang trọng, lịch sự… nhất là với một người thầy, một trí thức, thì lời ăn, tiếng nói càng cần sự chuẩn mực.

Có thể nếu người viết ở một thời điểm khác, bình tâm hơn, sẽ không dẫn đến sự cố đáng tiếc này. Còn người bút phê vào lá đơn của thầy giáo, tôi cho rằng cũng chưa đúng với chức trách của người thủ trưởng cơ quan; chưa đúng nguyên tắc cơ bản khi tiếp nhận đơn thư của giáo viên trong trường; xử lý còn cảm tính.

Không chỉ trong môi trường giáo dục, mà ở môi trường làm việc nào, cũng có thể có những áp lực, mâu thuẫn. Vấn đề là kĩ năng chung sống, giải pháp để tìm được tiếng nói chung, giải quyết ổn thỏa mang tính nhân văn, có văn hóa. Riêng với cơ sở giáo dục, mang lại hạnh phúc cho giáo viên và học sinh là trách nhiệm của hiệu trưởng và tự mỗi thành viên trong trường, không phải là ai khác.

Một nhà trường hạnh phúc không thể để một cá nhân nào phải buồn bã, mệt mỏi trong dạy và học. Trường học cũng chẳng thể hạnh phúc, nhà giáo an lòng khi các thành viên không nhìn về một hướng, biết thấu hiểu, sẻ chia. Nếu chúng ta đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hóa nhà trường, cùng nhau rèn luyện đạo đức nhà giáo thì không thể tồn tại môi trường “nhiều điều phi giáo dục, vấn nạn dối trá”, như trong đơn của thầy giáo đã ghi. Dân chủ hóa nhà trường là một hình thức vận hành tổ chức rất quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ