Thay đổi tư duy quản trị để tự chủ đại học thành công

GD&TĐ - Tự chủ đại học (ĐH) là xu hướng tất yếu, là nhu cầu tự thân các trường cần phải hướng đến trong tiến trình nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. 

Thay đổi tư duy quản trị để tự chủ đại học thành công

Hành lang pháp lý cho tiến trình trên chính là Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ năm 2015 (cho phép các trường thí điểm xây dựng mô hình tự chủ), trước đó là Luật Giáo dục năm 2005. Sự khởi sắc lớn cho hệ thống giáo dục ĐH nước ta là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy vậy, ở đâu đó vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng: Tự chủ đang bị bó trong thực thi vì thiếu những cơ chế chính sách đồng bộ và cần có giải pháp tháo gỡ những nút thắt này.

Chuyển biến sau Nghị quyết 77/NQ-CP

Bắt đầu từ năm 2013, khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và được ban hành, song song với việc nhiều trường ĐH được thực hiện thí điểm mô hình tự chủ ĐH học (theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ năm 2015) sự chuyển biến của hệ thống giáo dục ĐH là điều ai cũng có thể nhìn thấy.

Bên cạnh chủ trương thí điểm mô hình tự chủ, việc phân tầng hệ thống giáo dục, hướng đến xây dựng chất lượng giáo dục, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế mà Bộ GD&ĐT đang quyết liệt triển khai đã tác động mạnh mẽ đến sự “lột xác” của nhiều trường.

Không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo bằng tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường, số lượng công trình NCKH của GV - SV được nghiên cứu - chuyển giao, thu nhập tăng theo năng lực cho đội ngũ GV, người làm NCKH…. nhiều trường đã và đang xây dựng và khẳng định được thứ hạng của mình trên bản đồ các trường ĐH trên thế giới.

Là trường ĐH đầu tiên trên cả nước theo đuổi mô hình tự chủ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã cho thấy việc được tự chủ, tự quyết về cơ chế tài chính, nhân sự… mang lại sự bứt phá lớn như thế nào cho nhà trường. ĐH Tôn Đức Thắng từ trường tốp giữa sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mô hình tự chủ một cách nghiêm túc và quyết liệt hiện đang là trường được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars (một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường ĐH trên toàn thế giới).

Chỉ số NCKH cũng đang đứng tốp 2 trong các trường ĐH tại Việt Nam. Theo Scopus - Cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới của Hà Lan vừa công bố: Thống kê 29.000 tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, thì tổng số công bố quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (từ tháng 1/2016 đến ngày 17/10/2016) là 296 bài, xếp sau Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (359 bài).

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) sau nhiều năm đẩy mạnh mô hình tự chủ, đến nay trường đã trở thành trung tâm NCKH về kinh tế, quản trị kỹ năng luật học và quản lý kinh tế. Trong 5 năm liên tiếp, 2011 – 2015, UEH được tổ chức uy tín quốc tế Edunivesal bình chọn là trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam…

Sự thành công của 14 trường ĐH trên cả nước đang theo đuổi mô hình này là tín hiệu vui, đáng mừng cho mục tiêu chuyển đổi hệ thống giáo dục ĐH từ lượng sang chất. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những thành công của mô hình tự chủ, nhiều trường ĐH dù đã tự chủ 1 - 2 năm nhưng vẫn còn đang loay hoay với các phương án tài chính, cân đối thu chi, nâng học phí. Nhất là việc nâng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Ví dụ như Trường ĐH Tài chính - Marketing, dù được giao cơ chế tự chủ nhưng chỉ làm tốt một số vấn đề về quản lý tài chính như: Học phí, tiền lương, đầu tư CSVC. Riêng một số vấn đề như xây dựng đội ngũ giáo viên vẫn phải xin Bộ GD&ĐT cho lộ trình đến năm 2020 mới chuẩn hóa.

Để mô hình tự chủ thành công

GS.TSKH Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình - cho rằng, thách thức mà các trường đang thực hiện mô hình tự chủ phải đối mặt hiện nay là cơ chế thực thi quyền tự chủ và cam kết chịu trách nhiệm đầy đủ trước xã hội. Theo GS Vận, để bảo đảm thực thi quyền tự chủ đúng đắn và hiệu quả ở các trường ĐH thì việc xây dựng nhà trường dân chủ có tầm quan trọng đặc biệt.

Điều này bảo đảm cho việc nhà trường trở thành một khối đoàn kết nhất trí, biết học hỏi và khả năng sáng tạo phong phú. Song song đó là cam kết chịu trách nhiệm đầy đủ và đến cùng trước xã hội. Đó là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm tinh thần và trách nhiệm giải trình trước Nhà nước và xã hội về những quyết định và hành động của trường mình (bảo đảm chất lượng và tài chính).

Chỉ khi quyền tự chủ được giao đến đâu thì trách nhiệm phải chịu đến đó thì các chính sách xây dựng tự chủ mới thật sự mang đến thay đổi.

TS Trần Thế Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM - cho rằng: Mô hình tự chủ không chỉ mang đến sự tự chủ trong đào tạo, học thuật (công tác NCKH) mà điểm quan trọng nhất nó mang đến nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho sinh viên. Theo ông, tự chủ trong ĐH được phân biệt thành hai loại: Một là, tự chủ học thuật bao gồm các lĩnh vực học thuật và nghiên cứu, cụ thể là tự chủ trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế chương trình giảng dạy, xây dựng chính sách nghiên cứu, xác định điểm tuyển sinh, bổ nhiệm giảng viên, trao học vị. Hai là, tự chủ phi học thuật bao gồm các lĩnh vực xen phủ với nhiều vấn đề tài chính như ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm và trả lương các nhân viên, mua sắm, và các hợp đồng liên kết…

“Các trường cần phải hiểu rõ cơ chế thật sự của sự tự chủ. Vì chỉ khi có sự đồng thuận từ nhiều phía: Người học - nhà trường - cấp quản lý… chúng ta mới có thể thành công. Muốn có chất lượng tốt, môi trường học tập hiện đại, nhận được nhiều sự hỗ trợ, tất yếu không thể tách rời yếu tố tài chính. Quan trọng là từ sự đồng thuận ấy, chúng ta có nhiều hơn điều kiện thực hiện các chính sách xã hội, tiếp sức cho sinh viên. Đó là một trong những mục tiêu cuối cùng mô hình tự chủ ĐH mong muốn hướng đến, UEH cũng vậy” - TS Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh việc các trường tự thân thay đổi, TS Hoàng cũng cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch để hướng đến một sân chơi công bằng cho tất cả các trường ĐH trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Vũ Hữu Đức - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM - cho rằng: Mô hình tự chủ đã mang lại sự đổi mới nhanh chóng và quyết liệt trong các trường tự chủ. Giá trị mang lại cho các nhà trường và sinh viên là một tầm nhìn mới, hướng đến chất lượng giáo dục vượt trội khỏi hiện trạng và hướng đến hội nhập, cũng như ý thức phải tự đứng trên đôi chân của mình mà lớn lên.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thì nhìn nhận: Việc tự chủ của các trường ĐH thành công hay không nhiều nhất có lẽ vẫn là vấn đề con người. Theo ông, chính tư duy bao cấp ngấm quá sâu trong các hoạt động của các trường công lập nên khi được quyền tự chủ thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và thực hiện các các công việc trên tinh thần tự chủ là vấn đề khó giải quyết nhất. Để đi đến thành công thì từng cá nhân trong tổ chức phải thấu hiểu và thực hiện tính tự chủ, từ bỏ tư duy quan liêu bao cấp để tổ chức thực hiện được sứ mạng của mình.

“Để xây dựng mô hình tự chủ trong các trường ĐH thành công thì về nội tại các trường cần chuẩn bị thật kỹ hệ thống quy định, chính sách tiệm cận với các nội dụng tự chủ để đội ngũ dần làm quen với cơ chế mới. Song song việc tích lũy và đầu tư cơ sở vật chất tạo tiền đề cho việc tự chủ thì các chính sách khuyến khích NCKH, tăng cường chất lượng đội ngũ cũng cần phải thực hiện đồng bộ. Trong đó, việc đổi mới phương thức quản lý đào tạo sao cho nhanh chóng tiếp cận với sự đa dạng linh hoạt trong việc vận hành các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình đào tạo nhập khẩu từ nước ngoài sẽ là “sợi chỉ nam” khơi thông cho những vướng mắc các trường đang đối mặt” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Tự chủ ĐH là chủ trương đúng, nhưng lại đang bị bó trong thực thi vì thiếu những cơ chế chính sách đồng bộ. Nếu không sớm đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, thì quá trình áp dụng tự chủ sẽ chỉ loanh quanh với áp lực thu - chi mà thôi. Cái gốc là chất lượng giáo dục sẽ không thể thay đổi một cách đậm nét được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ