Thay đổi nhận thức để giáo dục học sinh bằng kỷ luật tích cực

GD&TĐ - Cô giáo Dương Thị Mộng Tuyết (Trường Tiểu học Đa Phước Hội - huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cho rằng, để thực hiện được các hình thức kỷ luật tích cực, điều đầu tiên giáo viên phải thay đổi nhận thức.

Thay đổi nhận thức để giáo dục học sinh bằng kỷ luật tích cực

Tự đặt mình vào hoàn cảnh học sinh

Muốn giáo dục học sinh bằng những biện pháp tích cực, cô Tuyết cho rằng, trước tiên, giáo viên phải thường xuyên tự nhắc nhở mình, trừng phạt học sinh là một sự xúc phạm tội lỗi, là vi phạm Luật giáo dục...

Với lứa tuổi học sinh tiểu học còn non nớt, thầy cô giáo chính là người giúp các em biết phân biệt chuyện gì nên - chuyện gì không nên chứ không phải dọa nạt “Em phải thế nọ, thế kia” mà không cần giải thích vì sao.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần gác lại những ưu phiền khi tiếp xúc học sinh, tự tạo niềm vui cho bản thân.

“Cuộc sống ai cũng có những muộn phiền, nhưng học sinh không phải là đối tượng cho giáo viên trút bực dọc.

Khi gặp những tình huống có thể tạo nên sự nóng giận hãy ra khỏi lớp, uống một ngụm nước hoặc hít thở thật sâu và nghĩ về việc khác.

Tự tạo niềm vui cho bản thân giúp chúng ta tự tin hơn, thoải mái hơn khi tiếp xúc học sinh. Một số thói quen thư giản hiệu quả như nghe nhạc, chăm sóc mình, ăn mặc đẹp... ta sẽ thấy yêu đời hơn và sẽ dễ thông cảm cho những lỗi lầm của học sinh hơn” – cô Tuyết chia sẻ.

Đưa ra lời khuyên trên, cô Tuyết cũng cho rằng, giáo viên cần tạo không khí học tập sinh động. Lớp học được trang trí đẹp, tiết học sinh động, vui tươi, mới lạ sẽ làm cho thầy trò gắn bó hơn. Học sinh hoạt động tích cực, hứng thú học tập. Các em sẽ ngoan hơn. Ngược lại, các em sẽ nhàm chán và ưa nghịch phá trong giờ học.

Bên cạnh đó, giáo viên dành thời gian để suy nghĩ về bản thân, về cách đối xử với học sinh, rút ra những bài học bổ ích trong việc giáo dục học sinh.

Sau mỗi ngày dạy hãy dành chút thời gian ngẫm nghĩ lại cách cư xử hôm nay của mình trên lớp. Cái nào tốt thì tiếp tục, cái nào chưa tốt tự điều chỉnh ở buổi dạy tiếp theo. Bài học được rút ra từ thực tế làm việc của bản thân là bài học quý giá nhất.

Đừng tiếc lời khen với học sinh: Hãy dành thời gian chiêm ngưỡng nét mặt rạng ngời, ánh mắt long lanh của những học sinh khi được khen chúng ta sẽ không bao giờ tiếc những lời khen dành cho trẻ. Đó là những gì các em cần. Và đây chính là động lực giúp các em nhanh tiến bộ hơn.

Luôn mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người: Giao tiếp với học sinh là một nghệ thuật, mà nghệ thuật đó đòi hỏi người giáo viên phải học hỏi thật nhiều qua những người có kinh nghiệm. Khi gặp khó khăn hãy mạnh dạn hỏi ý kiến tư vấn của nhiều đồng nghiệp qua đó ta sẽ thu nhận được những kinh nghiệm quý báu.

Các giải pháp giúp giáo viên thực hiện kỷ luật tích cực

Cô Dương Thị Mộng Tuyết gợi ý, giáo viên vận dụng những kỹ thuật trong giáo dục và trong dạy học, giúp từng đối tượng học sinh tiếp thu một cách tích cực, chủ động và sáng tạo những nội dung mà giáo viên muốn truyền tải.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện các biện pháp đã đề ra, kiểm tra việc thực hiện. Trên cơ sở đó nhận định, đánh giá kết quả đạt được trong từng thời gian.

Kịp thời động viên, tuyên dương những tiến bộ, thành tích đạt được của học sinh; rút ra những khó khăn, hạn chế và tìm hướng khắc phục;

Tổ chức tốt các phong trào thi đua ở lớp như: “Bông hoa điểm 10”, “ Đôi bạn cùng tiến”, “Tổ tự quản giỏi”;

Thông qua dự giờ, thao giảng, qua các cuộc họp chuyện môn trao đổi với đồng nghiệp để đánh giá mức độ thực hiện các biện pháp đã nêu ở các đơn vị lớp cùng áp dụng đề tài.

Việc tăng cường nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin để áp dụng vào các tiết dạy, nghiên cứu cải tiến đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm thêm đồ dùng dạy học mới cũng vô cùng quan trọng giúp kích thích niềm hứng thú say mê cho học sinh trong từng tiết học.

Giáo viên đồng thời sử dụng công nghệ thông tin như tin nhắn, thông báo kết quả đạt được hay hạn chế những khó khăn học sinh gặp phải; kịp thời phối hợp cùng gia đình để giúp đỡ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ