Thay đổi hình thức tuyển sinh để phù hợp xu thế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tìm cách thay đổi hình thức thi tuyển sinh đại học trong tương lai.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tìm cách thay đổi hình thức thi tuyển sinh đại học trong tương lai. Điều này phù hợp với xu thế giáo dục toàn cầu hiện nay.

Chính phủ Nhật Bản mới đây thông báo sẽ đưa nội dung kiểm tra công nghệ thông tin vào kỳ thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn. Theo đó, thí sinh phải làm bài kiểm tra kiến thức cơ bản về lập trình, mạng thông tin, truyền thông và cơ sở dữ liệu.

Ngoài ra, Thông tin I sẽ trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục đại học từ năm 2025, giáo dục sinh viên kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Về mặt tổng thể, những thay đổi trên nhằm nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ cho người trẻ, đáp ứng nhu cầu cao về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong thị trường lao động.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chính phủ sẽ giảm số môn thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học từ năm 2028. Các môn thi chính gồm Tiếng Hàn, Toán học, Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên và Giáo dục Nghề nghiệp. Việc tích hợp nhằm tránh tình trạng các môn thi có mức độ khó dễ không đồng đều và nâng cao tính công bằng.

Bên cạnh đó, khoảng 50% câu hỏi trong đề thi sẽ nằm trong chương trình giảng dạy trực tuyến trên kênh truyền hình giáo dục EBS để thí sinh có thể tự ôn luyện mà không phụ thuộc vào các trung tâm luyện thi tư nhân.

Nhiều chuyên gia nhận định, những cải cách trên không được tiến hành ngẫu nhiên mà là một phần của xu hướng toàn cầu.

GS Philip Altbach, giảng viên giáo dục đại học tại Đại học Boston, Mỹ, lưu ý, trước Hàn Quốc, Nhật Bản thì Mỹ và Trung Quốc cũng đã điều chỉnh việc tuyển sinh đại học. Trong khi Trung Quốc giảm trọng số điểm Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao “khét tiếng” thì nhiều trường đại học Mỹ đã loại bỏ yêu cầu điểm chuẩn hóa SAT, ACT trong hồ sơ tuyển sinh.

“Tôi không ngạc nhiên khi Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cải cách kỳ thi đại học. Đây là một phần tất yếu trong xu thế toàn cầu”, ông Philip cho hay.

Còn GS Hiroshi Ota, giảng viên Trung tâm Giáo dục Tổng hợp, Đại học Hitotsubashi, đánh giá, những thay đổi trong kỳ thi đại học ở Nhật Bản và Hàn Quốc thể hiện nhận thức rằng kỳ thi này đã không còn phù hợp với thời đại thay đổi nhanh chóng. Ông lưu ý, trên thế giới, không có nhiều quốc gia sử dụng một kỳ thi chung để tuyển sinh đại học vì điều này cản trở tính công bằng, bình đẳng.

“Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh duy nhất sẽ hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học. Các cơ sở giáo dục đáng lẽ phải được quyền tự quyết định việc tuyển sinh của họ”, ông Ota nhìn nhận.

Tuy nhiên, một số học giả bày tỏ hoài nghi trước hiệu quả của các cải cách nêu trên. GS Takuya Kimura, giảng viên Trường Sư phạm thuộc Đại học Kyushu, Nhật Bản, cho rằng học sinh sẽ chỉ học những môn để thi đại học mà không thật sự nhận thức được giá trị, tầm ảnh hưởng của kiến thức đó đối với tương lai của các em. Vì vậy, việc giáo dục công nghệ thông tin sẽ trở nên khiên cưỡng.

Theo GS Takuya Kimura, thay đổi của Nhật Bản sẽ dẫn đến phân tầng trong hệ thống giáo dục. Công nghệ thông tin là lĩnh vực phổ biến hiện nay nhưng không phải tất cả học sinh đều được tiếp cận công nghệ. Như vậy, khoảng cách giữa học sinh được tiếp xúc với công nghệ từ sớm và học sinh khó khăn sẽ ngày càng tăng.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.