Thay đổi diện mạo trường lớp vùng khó nhờ tài trợ giáo dục

GD&TĐ - Tài trợ giáo dục góp phần huy động đóng góp từ phụ huynh và nguồn lực xã hội nhằm cải thiện điều kiện dạy học, chăm lo học sinh.

Điểm trường Tắk Pổ, (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có kinh phí xây dựng gần 1,7 tỉ đồng, trong đó, AITAA-VN tài trợ hơn 1,1 tỉ đồng. Phần kinh phí còn lại từ ngân sách của huyện Nam Trà My và các nguồn khác.
Điểm trường Tắk Pổ, (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có kinh phí xây dựng gần 1,7 tỉ đồng, trong đó, AITAA-VN tài trợ hơn 1,1 tỉ đồng. Phần kinh phí còn lại từ ngân sách của huyện Nam Trà My và các nguồn khác.

Việc xã hội hóa nhận thức đi trước một bước sẽ giúp công tác xã hội hóa nguồn lực thuận lợi và hiệu quả, tạo bước đệm vững chắc để các trường triển khai Chương trình GDPT 2018.

Vùng khó bớt khó

Đón mùa mưa năm nay ở miền Trung, Câu lạc bộ (CLB) Bạn thương nhau (TP Đà Nẵng) kêu gọi hỗ trợ 450 áo mưa cho học sinh vùng núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) không phải mặc quần áo ướt đến trường với kinh phí dự kiến khoảng 20 triệu đồng.

Nhưng thầy cô giáo ở một số điểm trường vùng cao khác ở Quảng Ngãi và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cũng liên hệ với mong muốn được hỗ trợ cho học sinh của mình. Anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau tiếp tục kêu gọi vận động để đủ kinh phí mua 1 nghìn áo mưa cho học sinh miền núi. Chương trình sau đó khép lại khi vận động đủ kinh phí cần thiết.

Vận động hỗ trợ áo mưa, áo ấm mùa Đông cho học sinh vùng cao chỉ là trước mắt, mang tính đột xuất của đội, nhóm thiện nguyện. Sự chung tay của tổ chức, cá nhân với chủ trương hỗ trợ để vùng khó phát triển bền vững thông qua đầu tư giáo dục đã góp phần thay đổi diện mạo trường học vùng khó.

Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My cho biết, cách đây chục năm, các điểm trường thôn hầu như là lớp ghép, tạm bợ. Phòng học được làm từ tấm ván gỗ ghép tạm, mái tôn thủng lỗ chỗ, nền phòng học là đất nện. Ngày nắng còn đỡ, vào mùa Đông gió lùa, mưa lạnh có những lớp học, thầy cô phải nhóm lửa chống rét cho trò.

Để kiên cố hóa trường lớp ở những điểm trường thôn xa xôi, trắc trở về đường giao thông, thậm chí chỉ có thể đi bộ theo lối mòn trong điều kiện nguồn lực của huyện có hạn, chủ trương vận động từ nguồn xã hội hóa được Nam Trà My triển khai. Phòng GD&ĐT tranh thủ mối quan hệ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay xóa trường tạm trên địa bàn.

Để hoàn thành mục tiêu xóa phòng học tạm, kiên cố hóa phòng học những điểm trường mầm non thôn bản vùng sâu, xa, Phòng GD&ĐT Nam Trà My thống kê chi tiết theo từng thôn, xã cụ thể, kèm theo phương án xây dựng, cách di chuyển, chi phí…

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn xây dựng dữ liệu như vậy, phòng GD&ĐT phải khảo sát từng điểm trường để đưa ra phương án sát thực tế, tạo thuận lợi cho đội nhóm trong tính toán chi phí, huy động nhân lực.

Những thông tin này phải có sẵn để CLB, đội nhóm, đơn vị tổ chức khi cần có thể kết nối, chia nhỏ thành gói hỗ trợ để phù hợp năng lực và nhu cầu”. Thầy Vỹ ví dụ, một công trình kiên cố hóa phòng học ở điểm trường thôn đôi khi có hơn 1 đội nhóm tài trợ để hoàn chỉnh. Có nhóm tài trợ xây dựng phòng học, nhóm khác có nguyện vọng hỗ trợ xây nhà công vụ, bếp ăn, vận động thêm đồ dùng đồ chơi.

Năm 2016 - 2017, Nam Trà My khởi động mạnh chương trình vận động xã hội hóa nguồn lực kiên cố hóa các trường học điểm lẻ. Kết quả, 20 điểm trường được xây dựng với 50 phòng học, 40 phòng ở cho giáo viên, 20 bộ thiết bị điện năng lượng Mặt trời, 20 nhà ăn, 20 nhà vệ sinh, 3 khu nội trú và 10 bếp cơm cho học sinh.

Chỉ tính riêng nguồn vận động thông qua CLB Kết nối Nam Trà My, đã có 56 điểm trường lẻ với hơn 130 phòng học, phòng ở giáo viên của các trường học Nam Trà My xóa được tranh tre nứa lá. Các điểm trường này xây dựng kiên cố, ít nhất là vách gỗ, phòng học lát gạch men sạch sẽ. Nhiều điểm trường khó khăn nhất của xã Trà Leng, Trà Tập, Trà Vinh, thầy cô và học sinh được lắp đặt thiết bị điện năng lượng Mặt trời; có nước sạch, tivi thông minh để khai thác kho học liệu số, ứng dụng vào dạy học.

Công trình máy lọc nước được tài trợ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam).

Công trình máy lọc nước được tài trợ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam).

Xã hội hóa nhận thức đi trước một bước

Sau những cơn bão liên tiếp trong năm 2020, 2021, đầu năm 2022, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Dang (Tây Giang, Quảng Nam) đã vận động phụ huynh cùng tham gia sửa chữa lại mô hình nhà gươl trong khuôn viên trường.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Như Thọ cho hay, nhà gươl được phụ huynh và già làng hỗ trợ dựng cách đây 7 - 8 năm trước. Để có vật liệu, vào ngày cuối tuần, thầy cô cùng phụ huynh lên rừng chặt tre nứa, mây, cắt lá cọ chở về trường dựng. Xây dựng nhà gươl trong trường học là chủ trương của huyện Tây Giang với mong muốn thế hệ trẻ tiếp nối, gìn giữ và phát huy hơn nữa nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc.

Từ năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) không còn duy trì điểm lẻ. Học sinh về học điểm trường chính với sự hỗ trợ đưa đón của đại diện phụ huynh từng nóc. Mỗi nóc cử một phụ huynh thay nhau đưa, đón toàn bộ học sinh của thôn vào đầu và cuối tuần. Các nóc đa phần cử người lớn tuổi, chưa tới mức già yếu nhưng đủ sức đi bộ để dẫn trẻ xuống trường rồi dựng lều ở lại đến cuối tuần.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam cho biết, thời điểm năm 2020, quanh khu vực trường có khoảng 5 chòi tạm tự phát của bà con.

“Việc này làm mất mỹ quan nhưng quan trọng nhất là tâm lý học sinh bị ảnh hưởng; nhà trường khó quản lý giờ giấc sinh hoạt nội trú của các em do có người thân sống cạnh trường. Vì vậy, hội đồng sư phạm thống nhất dẹp bỏ lều tạm, đưa phụ huynh vào trường cùng ăn ở, sinh hoạt tại khu nội trú với học sinh”, thầy Chín kể.

Năm học 2023 - 2024, thầy trò điểm trường Ông Dũ (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được học trong phòng học kiên cố xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Năm học 2023 - 2024, thầy trò điểm trường Ông Dũ (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được học trong phòng học kiên cố xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Số phụ huynh này được nhà trường hỗ trợ ăn, ở trong khu nội trú. Để có kinh phí, nhà trường phải cân đối, tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên, vận động nhà hảo tâm, thầy cô cùng ủng hộ. Hằng ngày, phụ huynh giúp bộ phận cấp dưỡng làm công việc nhà bếp, vệ sinh khu nội trú. Với sự hỗ trợ thêm của phụ huynh, áp lực công việc cấp dưỡng giảm xuống, bữa ăn học sinh đúng giờ và nóng sốt hơn.

Chia sẻ về mô hình nuôi ăn ở cho phụ huynh như cách làm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam, ông Võ Đăng Thuận nhìn nhận, mô hình phù hợp với huyện có địa hình giao thông đi lại cách trở mà không phải duy trì điểm trường thôn. Cách làm này vừa góp phần nâng dần chất lượng giáo dục miền núi, đồng thời hướng dẫn nhiều kiến thức, kỹ năng sống, cách phòng bệnh… cho phụ huynh học sinh.

Không chỉ ở địa bàn vùng khó, với vùng thuận lợi, xã hội hóa nhận thức thành công sẽ góp phần xã hội hóa nguồn lực đóng góp. Như Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong giai đoạn triển khai thí điểm mô hình Trường học mới, để trang trí lớp học, Ban Giám hiệu gửi thông điệp đến phụ huynh về việc cần sơn tường phòng học.

Tùy theo điều kiện, phụ huynh có thể ủng hộ sơn, dụng cụ hoặc đóng góp ngày công. Thầy Trần Tám, khi đó là Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhiều phụ huynh rất vui khi đến trường tham gia quét sơn lại phòng học cho con em. Sự đóng góp ấy với nhà trường rất giá trị bởi cha mẹ học sinh làm việc với cả tâm huyết nên rất trách nhiệm, tỉ mỉ và cẩn thận”.

Với giàn điện năng lượng Mặt trời do cá nhân hỗ trợ, điểm trường Lăng Lương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có thể dùng máy tính, tivi để hỗ trợ dạy học, có điện thắp sáng.

Với giàn điện năng lượng Mặt trời do cá nhân hỗ trợ, điểm trường Lăng Lương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có thể dùng máy tính, tivi để hỗ trợ dạy học, có điện thắp sáng.

Công khai, minh bạch và tự nguyện

Để phát triển giáo dục đòi hỏi sự chung tay từ cha mẹ học sinh. Nhấn mạnh điều này, cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đồng thời cho rằng, tài trợ giáo dục góp phần xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục toàn diện.

Song, mức độ và cách vận động tài trợ phải phù hợp. Chẳng hạn, những năm qua, để đáp ứng yêu cầu dạy và học của Chương trình GDPT mới, các trường vận động phụ huynh đóng góp mua tivi là đúng, nhưng chỉ nên vận động duy nhất năm lớp 1. Tránh trường hợp vận động phụ huynh đóng góp nhiều lần/khóa học.

Từ năm học 2022 - 2023, CLB Bạn thương nhau (TP Đà Nẵng) triển khai Dự án “Đi học trên núi”. Đây là chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, đặc biệt khó khăn vùng núi, giúp kéo dài việc học, không bỏ học giữa chừng. Sang năm học 2023 - 2024, CLB có thêm dự án hỗ trợ thầy cô giáo cắm bản đang dạy theo diện hợp đồng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Kinh phí cho 2 chương trình này vào 170 triệu đồng/tháng, từ nguồn đóng góp của nhiều cá nhân.

Anh Nguyễn Bình Nam cho biết: Dự án “Đi học trên núi” hoạt động nhờ vào sự điều phối của thành viên CLB đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Dự án được vận hành với sự hỗ trợ của mạng lưới thầy cô các trường học. Hằng tháng, thầy cô nhận tiền từ dự án và mua sắm quần áo, sách vở, vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm… trợ lực cho các em và gia đình.

Chương trình “Bữa cơm miền núi” cũng được thực hiện với sự hỗ trợ của thầy cô đứng lớp ở điểm trường thôn”. Ngoài công khai chi tiết khoản hỗ trợ thì thầy cô cùng tham gia vận hành như bên thứ ba, góp phần minh bạch hoạt động của quỹ.

Từ thực tế nhà trường, cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, cán bộ quản lý các trường học luôn mong muốn cải thiện điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy học.

“Tuy nhiên, mỗi trường có cách làm khác nhau, dù hiệu trưởng không tư lợi cá nhân từ hoạt động xã hội hóa giáo dục nhưng nhìn từ ngoài vào thì thấy không đúng. Cái nhìn của xã hội với chủ trương xã hội hóa có nhiều quan điểm mà không phải lúc nào cũng có sự cảm thông, đồng hành từ phía phụ huynh. Cũng như trong xã hội, một bộ phận tham gia đóng góp cho hoạt động từ thiện nhưng vẫn hoài nghi không biết đóng góp đó đến đúng địa chỉ hay không”.

Theo nhận xét của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Thông tư 16 ban hành năm 2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ giáo dục giúp các trường có cơ sở để làm; làm đúng chứ không còn xã hội hóa chung chung như trước, hay muốn hiểu và vận dụng thế nào cũng được.

Nhà trường có thể “mạnh dạn” trình bày kế hoạch tài trợ giáo dục được cấp trên phê duyệt chứ không tự phát làm mà không có định hướng. Tuy nhiên, ban giám hiệu phải “sát cánh” hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm lớp giải thích đến phụ huynh thấu đáo chủ trương; phải nhắc nhở ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tuyệt đối không cào bằng đóng góp.

“Một khi đã thông suốt chủ trương, mục đích vận động tài trợ thì phụ huynh sẽ ủng hộ nhiệt tình. Thậm chí, có cá nhân sẵn sàng ủng hộ vài triệu đồng để cùng nhà trường trang bị phương tiện dạy học hiện đại cho học sinh”, cô Thái Hằng trao đổi.

Chia sẻ kinh nghiệm trong huy động tài trợ giáo dục, thầy Lê Quốc Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: Một số đơn vị không giúp phụ huynh hiểu trách nhiệm đối với ngôi trường mà con em họ đang học.

Khi phụ huynh đưa con đến trường, nhà trường có trách nhiệm giáo dục, chăm sóc, nhưng phải làm sao để phụ huynh thấy mình cũng là thành viên để đồng hành.

Nhà trường nếu “xin” phụ huynh đầu tư cái gì thì làm đúng cái đó và có phụ huynh tham gia giám sát. Đặc biệt, trường không được huy động đóng góp cào bằng. Phụ huynh hoặc nhóm phụ huynh tặng hiện vật phải có sổ vàng ghi nhận và chỉ phục vụ cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...