Tài trợ cho giáo dục: Đừng triển khai một đằng, làm một nẻo

GD&TĐ - Tài trợ cho giáo dục là cần thiết trong bối cảnh đầu tư cho lĩnh vực này mới ở mức tối thiểu nhưng nhu cầu và đòi hỏi của xã hội ngày càng cao.

Trẻ tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Trẻ tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao huy động được các nguồn lực; sử dụng nguồn tài trợ đúng mục đích, hạn chế tình trạng lạm thu, thu - chi sai.

ThS Hồ Sỹ Anh - Chuyên gia giáo dục: Cần chính sách về tài trợ giáo dục

Văn hóa tài trợ, hiến tặng cho giáo dục tại Việt Nam và các nước phát triển có nhiều điểm khác nhau. Ở nước ta, hoạt động này chưa nhiều, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, tổ chức tài trợ, hiến tặng giáo dục cũng chưa cụ thể. Với cấp phổ thông, tài trợ giáo dục chủ yếu là các khoản đóng góp của phụ huynh thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nguồn quỹ này được sử dụng cho hoạt động khen thưởng, sơn sửa trường lớp, mua sắm thiết bị cần thiết, hoạt động dã ngoại... Ngoài ra có các khoản đóng góp của cựu người học. Ví dụ, một ngôi trường kỷ niệm ngày thành lập có thể kêu gọi cựu học sinh đóng góp để có kinh phí tổ chức buổi lễ. Cho dù những khoản đóng góp đó lớn hay nhỏ, người được tặng phải công khai, minh bạch chi tiêu để người hiến tặng, tài trợ yên tâm, cảm thấy số tiền sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

ThS Hồ Sỹ Anh.

ThS Hồ Sỹ Anh.

Tôi có một số góp ý cho vấn đề tài trợ giáo dục. Thứ nhất, Nhà nước cần cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực trong xã hội cho giáo dục. Chẳng hạn một doanh nghiệp tài trợ để xây trường học có thể nhận những ưu đãi nhất định nào đó, (có thể là miễn thuế…).

Thứ hai, có cơ chế thu, chi minh bạch cho khoản đóng góp, tài trợ. Quỹ phụ huynh nên có mức trần, tùy thuộc vào địa phương với sự cân đối về kinh tế, mức sống bình quân. Quy định mức trần để tránh lạm thu, thu tùy ý, không theo kế hoạch. Việc thu các khoản đóng góp từ phụ huynh, cần đảm bảo tính tự nguyện, đóng góp tùy tâm, theo điều kiện gia đình.

Thứ ba, quy chế chi tiêu phải minh bạch. Ví dụ, có nơi phụ huynh than phiền khi con học lớp 1 phải đóng góp để mua sắm bàn ghế mới, sơn sửa lớp học, nhưng những năm sau đó vẫn vận động các khoản này. Vậy là, phụ huynh thắc mắc tại sao phải đóng nhiều như thế. Rồi bàn ghế thay mới từ khi trẻ học lớp 1, đến năm học lớp 4 - 5 ngồi không vừa nữa thì xử lý thế nào. Cá biệt có trường, quỹ phụ huynh lên đến hàng tỷ đồng. Chi tiêu thế nào để tránh những tiêu cực cũng đòi hỏi cơ chế rõ ràng.

Tóm lại, phải có chính sách về quỹ phụ huynh nói riêng, khoản tài trợ giáo dục nói chung với những quy định cụ thể. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng lạm thu, tạo lòng tin với mạnh thường quân, phụ huynh.

Ông Trần Trung Mậu - Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức TPHCM: Quy rõ trách nhiệm quản lý thu - chi

Ông Trần Trung Mậu.

Ông Trần Trung Mậu.

Tài trợ giáo dục, trong đó có sự đóng góp của phụ huynh cho nhà trường rất cần thiết. Tuy nhiên, năm học nào cũng xảy ra tình trạng lạm thu, lạm chi ở nhiều trường. Điều này nếu kéo dài sẽ làm mất niềm tin của xã hội, nhà tài trợ, phụ huynh với nhà trường.

Để chấn chỉnh, theo tôi, trước hết cần quy rõ trách nhiệm việc quản lý, thu chi nguồn tài trợ là người đứng đầu nhà trường - tức hiệu trưởng.

Cùng với trách nhiệm toàn diện, hiệu trưởng đồng thời là người ra kế hoạch vận động tài trợ, đóng góp. Theo đó, khoản chi tiêu cần thiết, nhà trường họp bàn, thống nhất và công khai đầu năm. Khoản chi tiêu này phải hướng đến lợi ích chung toàn trường chứ không đơn lẻ từng lớp. Ví dụ có lớp năm nào cũng đòi thay máy lạnh, bàn ghế, sơn sửa lớp. Những việc này cần hạn chế, chỉ chọn khoản nào thiết thực. Hiệu trưởng phải nắm chắc và cân nhắc nên làm hay không hạng mục công việc. Nếu hiệu trưởng buông xuôi, thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến tình trạng mỗi lớp thu chi, vận động một kiểu.

Sau khi xác định được khoản cần kêu gọi, nhà trường sẽ vận động nhà hảo tâm, phụ huynh. Khi vận động, tránh tình trạng cào bằng. Có thể thấy, không phải tất cả phụ huynh có hoàn cảnh giống nhau và đồng ý với mức chi ngoài học phí. Việc đóng góp phải dựa trên sự tự nguyện, phụ thuộc vào điều kiện từng gia đình, địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thu chi không hợp lý là không công khai, minh bạch từ đầu và cào bằng mức thu.

Chị Đặng Bích Ngọc - phụ huynh tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ): Đồng thuận, không cào bằng

Chị Đặng Bích Ngọc.

Chị Đặng Bích Ngọc.

Khi nhu cầu của phụ huynh và đòi hỏi xã hội ngày càng cao thì tài trợ cho giáo dục là cần thiết. Vấn đề đặt ra, làm sao huy động được nguồn lực đầu tư; sử dụng nguồn tài trợ đúng mục đích và tạo sự đồng thuận. Có hai con đang học tiểu học và THCS, tôi hiểu những thuận lợi, khó khăn của nhà trường giai đoạn hiện nay. Dù trường ở thành thị hay nông thôn đều có những thuận lợi, khó khăn trong việc đầu tư, trang bị, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người học, đặc biệt là phụ huynh và xã hội.

Đối với vấn đề tài trợ cho giáo dục, theo tôi trước nhất cần tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Muốn làm được điều này, vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, đặc biệt là công tác tuyên truyền để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa việc đóng góp quỹ (tự nguyện). Cụ thể là sử dụng nguồn này để làm gì, cho ai (phục vụ học sinh học tập, hỗ trợ học sinh giỏi, khó khăn, công tác dạy học nhà trường…).

Sau khi tạo sự đồng thuận của phụ huynh cần rõ ràng mức đóng góp. Không nên cào bằng hoặc đưa ra định mức bắt buộc, có thể dao động khoản tiền đóng góp để mọi phụ huynh có thể đóng bởi trong một lớp học sẽ có gia đình kinh tế khá giả, trung bình, khó khăn... Quan trọng nhất là công khai, minh bạch nguồn tiền thu - chi. Người giữ tiền phải là Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổng thu và chi rõ ràng, cụ thể để tạo lòng tin với phụ huynh mỗi lớp và toàn trường.

Đặc biệt, ban giám hiệu mỗi trường phải công tâm, công khai, minh bạch và sử dụng tiền tài trợ đúng mục đích, hiệu quả, mang lại lợi ích cho học sinh trong quá trình học tập. Cùng đó, tùy từng hoạt động cụ thể, trường có sự ghi nhận, tôn vinh nhà tài trợ thỏa đáng để góp phần tạo hiệu ứng xã hội. Lãnh đạo trường cần thường xuyên ghi nhận ý kiến, tâm tư phản hồi từ phía phụ huynh, học sinh về vấn đề này. Có thể thông qua kênh giáo viên chủ nhiệm, hộp thư góp ý điện tử, trang fanpage… để thực hiện và điều chỉnh sao cho phù hợp, tạo sự đồng thuận.

Cô Nguyễn Thị Thùy Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cá Heo Nhỏ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ): Trước tiên phải tạo dựng niềm tin

Cô Nguyễn Thị Thùy Trang.

Cô Nguyễn Thị Thùy Trang.

Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải không có kinh phí để tài trợ mà họ e ngại nguồn tài trợ bị sử dụng sai mục đích hoặc thất thoát. Chỉ khi mọi việc rõ ràng, khách quan, đúng đối tượng, mục đích mới có thể tạo động lực cho nhà hảo tâm tích cực tài trợ giáo dục.

Bản chất tài trợ cho giáo dục là điều đáng quý và thực hiện suốt thời gian qua. Bên cạnh kết quả được cả xã hội ghi nhận vẫn còn tồn tại hạn chế, thiếu sót, “khe hở” để các đơn vị lợi dụng lạm thu, sử dụng không đúng mục đích, chi sai, gây lãng phí, không hiệu quả.

Để huy động được nguồn lực cho giáo dục, sử dụng đúng mục đích trước tiên phải tạo lòng tin và đầu tư đúng, đủ. Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc hay quy định mức tài trợ bình quân, tối thiểu; không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp, coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Công tác quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí...

Là phụ huynh có con đang học THCS, tôi rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất phù hợp mục đích, công khai tài chính rõ ràng. Những cơ sở vật chất có thể dùng nhiều năm, tái sử dụng thì cũng công khai minh bạch, sử dụng hợp lý để phụ huynh thấy không lãng phí.

Để làm được điều đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có quy định rõ ràng, tránh trường hợp triển khai một đằng, làm một nẻo. Ví dụ như trường hợp năm nào trường cũng thu tiền đóng góp mua tivi, vậy năm sau tivi đó sẽ sử dụng thế nào? Nếu được báo cáo rõ chắc chắn phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ. Trên thực tế, nhiều hoạt động dạy học của nhà trường và học sinh khó thực hiện tốt nếu không có sự vào cuộc nhiệt tình của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định cụ thể, rõ ràng, tạo hành lang pháp lý hoạt động hiệu quả. Ban không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, là “cầu nối” để thống nhất hoạt động giữa nhà trường và gia đình, mà còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Do đó, cần phát huy vai trò của Ban để thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng dạy học, từ đó thúc đẩy, phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.