Điểm tựa cho trò
Từ ngày cây cầu bắc qua sông Đăk Bla (đoạn qua làng Kon Tủ, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) bị bão cuốn trôi, Trường THCS Đăk Ruồng bố trí chỗ ăn ở cho hàng chục học sinh. Trò nghèo, không có chế độ bán trú nên thầy, cô góp kinh phí, thời gian lo cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Nhận thấy việc tổ chức bán trú cho học sinh không phải ngày một, ngày hai nên ban giám hiệu nhà trường kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 17 nghìn đồng/ngày để duy trì bữa cơm. Có kinh phí, thầy cô hướng dẫn học sinh từ sinh hoạt cá nhân, nấu ăn và học tập… để các em ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 7. Mỗi khi trò ốm hay cần hỗ trợ, thầy cô sẵn sàng giúp đỡ. Trường THCS Đăk Ruồng là nơi dạy chữ, cũng là ngôi nhà thứ hai của học trò làng Kon Tủ. Còn thầy, cô giáo như cha, mẹ quan tâm, lo lắng cho lũ trẻ mỗi ngày.
“Kinh phí bữa ăn bán trú được nhà hảo tâm hỗ trợ, phụ huynh góp thêm gạo và rau để bữa ăn đa dạng hơn. Tuy nhiên, với 17 nghìn đồng cho 3 bữa tại trường, đơn vị phải cân đối và hỗ trợ thêm. Riêng điện, nước, ga… trường miễn phí để các em nấu ăn.
Cây cầu bắc qua sông Đăk Bla đang xây dựng lại, nhưng có lẽ phải 2 năm nữa mới hoàn thành. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ để học sinh yên tâm học chữ. Khi cây cầu hoàn thiện, nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại, nhà trường sẵn sàng chăm lo cho các em”, thầy Đoàn Văn Thoài - Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Ruồng tâm sự.
Thầy cô không chỉ dạy chữ, quan tâm chăm sóc thay cha mẹ của trò, những năm qua các suất học bổng trở thành điểm tựa để học sinh, sinh viên vững bước đến trường.
Ông Nguyễn Đình Viễn – Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết, nhà trường luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để sinh viên học tập. Với trường hợp khó khăn, nhà trường dành tặng những suất học bổng vào đầu năm học và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để tiếp bước các em đến trường.
Theo đó, sinh viên là con của người có công với cách mạng, mồ côi cả cha lẫn mẹ hay bị khuyết tật, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo và vùng khó khăn được miễn 100% học phí. Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, tàn tật, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn… cũng được hưởng trợ cấp xã hội từ 1 - 1,4 triệu đồng.
Ông Viễn cho hay, với sinh viên có kết quả rèn luyện từ loại khá trở lên, điểm trung bình chung học tập đạt 7 điểm trở lên, không có học phần nào tổng kết dưới 5 điểm được nhận học bổng từ 100 - 120% mức trần học phí. Đặc biệt, nhà trường trích 2% quỹ học bổng khuyến khích học tập để trao cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn... Mỗi năm, nhà hảo tâm và doanh nghiệp tại địa phương hỗ trợ hơn 180 triệu đồng trao tặng trò nghèo, vươn lên trong học tập.
Thầy cô Trường THCS Đăk Ruồng thay cha mẹ chăm lo cho học sinh bán trú. Ảnh: Dung Nguyễn |
Sẻ chia cùng trò vùng khó
Không chỉ giúp đỡ học sinh trong trường đủ sách, vở, trang phục bước vào năm học mới, Trường THCS - THPT Liên Việt Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) còn sẻ chia với trò vùng khó. Theo thầy Hiệu trưởng Lê Đắc Tường, học sinh của trường ở vùng thuận lợi nên có điều kiện học tập đủ đầy. Riêng 2 học sinh mồ côi và 2 em hộ nghèo được nhà trường thường xuyên quan tâm, miễn giảm học phí và hỗ trợ đồng phục, sách vở…
“Đầu năm học 2023 - 2024 với sự chung tay của giáo viên, phụ huynh và nhà hảo tâm, 451 bộ quần áo đồng phục mới, 80 áo khoác và 200 quyển truyện tranh được trao cho học sinh khó khăn. Những phần quà trên là tâm tư, tình cảm của thầy và trò gửi tặng học sinh huyện vùng biên. Qua đó, nhà trường hy vọng sẽ tiếp thêm động lực giúp trò cố gắng, vươn lên trong học tập”, thầy Tường nói.
Với mong muốn sẻ chia khó khăn với trường vùng khó, Trường THCS - THPT Liên Việt Kon Tum đã ký kết nghĩa với Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) và thường xuyên hỗ trợ về chuyên môn, cơ sở vật chất, dụng cụ học tập.
Tương tự, những năm qua, hoạt động thiện nguyện luôn được Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum) quan tâm, chú trọng.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàn cho biết, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều học sinh huyện vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh không có điều kiện mua khẩu trang. Với mong muốn giúp các em đảm bảo sức khỏe đến trường, giáo viên và học sinh cùng nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ hàng nghìn chiếc. Bên cạnh đó, nhà trường quyên góp ủng hộ hội người mù và người dân bị ảnh hưởng bão lũ hàng chục triệu đồng.
“Đây là hoạt động thường niên của nhà trường. Qua đó, tiếp thêm động lực giúp học sinh vững bước đến trường học tập. Thông qua hoạt động này, nhà trường muốn giáo dục học trò biết sẻ chia, lá lành đùm lá rách”, cô Hoàn tâm sự.
Năm 2021 cô Nguyễn Thị Hoàn vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” do Chủ tịch nước phong tặng. Toàn bộ số tiền thưởng cô Hoàn dùng mua tivi tặng học sinh xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Với phần thưởng khích lệ của Phòng GD&ĐT TP Kon Tum, cô Hoàn cũng dành tặng 15 học sinh vượt khó vươn lên trong học tập, mỗi suất trị giá 150 nghìn đồng.
Bước vào năm học 2023 - 2024, toàn trường có hơn 1 nghìn học sinh với 20 em người dân tộc thiểu số, 15 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Không muốn trò thiếu đồ dùng học tập khi đến lớp, cô Hoàn kêu gọi người thân, bạn bè quyên góp, hỗ trợ 400 cuốn vở và 40 cặp sách.
“Ngoài kia còn nhiều học sinh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Mong rằng với sự hỗ trợ này sẽ giúp các em vơi bớt vất vả và có hành trang đủ đầy hơn trên con đường học tập”, cô Hoàn tâm sự.
Năm học này, một số doanh nghiệp hỗ trợ hơn 60 triệu đồng để trao học bổng cho tân sinh viên khó khăn. Đơn vị tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để tiếp sức cho các em đến trường. Trong buổi lễ khai giảng năm học 2023 - 2024, sinh viên khoá 1 - lớp Kinh tế phát triển cũng tham gia, trao tặng học bổng cho các em. Hy vọng những suất học bổng sẽ giúp trò vơi bớt nhọc nhằn khi bước vào năm học mới. - Ông Nguyễn Đình Viễn