Thay đổi đánh giá năng lực người học phù hợp Chương trình mới

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ về việc Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên có những thay đổi thế nào cho phù hợp...

Thí sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: Thế Đại

Chia sẻ quan điểm về Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nhấn mạnh, đánh giá được năng lực người học là tiêu chí bắt buộc.

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp THPT. Chia sẻ quan điểm về việc Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên có những thay đổi thế nào cho phù hợp, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết:

Chương trình GDPT 2018 chuyển đổi từ tiếp cận nội dung (nhấn mạnh vào cung cấp kiến thức) sang tiếp cận năng lực (nhấn mạnh vào việc vận dụng kiến thức vào các tình huống trong thực tiễn cuộc sống của học sinh phổ thông), vì vậy cách đánh giá nên chuyển đổi từ đánh giá nội dung (thiên về mức độ tái hiện, nhận biết kiến thức).

Triển khai bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 cho lớp 1 và cuốn chiếu cho 12 lớp đến năm học 2024 - 2025, như vậy đến tháng 7/2025 sẽ có lứa học sinh lớp 12 đầu tiên học Chương trình 2018 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do các em chỉ học Chương trình 2018 trong 3 năm ở cấp THPT và học Chương trình 2006 suốt 9 năm tiểu học, THCS nên cần có lộ trình và cấp độ phù hợp khi thiết kế các nội dung đề thi tốt nghiệp THPT.

Cùng đó, theo Chương trình 2018 mỗi học sinh có nhiều tổ hợp các môn học, hoạt động giáo dục khác nhau của phần bắt buộc và môn lựa chọn, cho nên Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tính toán đáp ứng được sự đa dạng này.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Đánh giá năng lực trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: Đánh giá được năng lực người học là tiêu chí bắt buộc đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, đánh giá kết quả học tập của người học thể hiện qua 5 phẩm chất và 10 năng lực nêu trong Chương trình GDPT 2018 phù hợp các tổ hợp môn học khác nhau tùy theo học sinh.

Đánh giá năng lực trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

Toàn diện: Xét tốt nghiệp bao gồm kết quả quá trình học tập, kết quả thi cuối cấp học thay vì chỉ tập trung vào kết quả thi tốt nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm việc học tập toàn diện theo mục tiêu GDPT và quá trình học tập xuyên suốt cấp THPT của người học. Trong đó, đánh giá kết quả học các môn văn hóa được chọn trong kỳ thi chỉ là một phần.

Mức độ cơ bản: Đánh giá ở mức đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018, nhưng với một điểm lưu ý quan trọng là thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn chưa qua đầy đủ toàn bộ chương trình 12 năm theo định hướng phát triển năng lực, vẫn còn nền tảng cơ bản được hình thành trong giai đoạn 9 năm học theo Chương trình 2006.

Cho nên, các dạng thức đề thi, câu hỏi, nội dung đánh giá cần tách ra thành giai đoạn 2025 - 2032 và sau 2032 khi lứa học sinh đầu tiên được chọn từ lớp 1 - 12 theo Chương trình 2018 học xong.

Phân quyền đi kèm với phân trách nhiệm: Việc phân quyền và phân trách nhiệm được thực hiện với các bước chính của quy trình kiểm tra, đánh giá (xây dựng câu hỏi, ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi - tổ chức thi/đánh giá, giám sát - chấm thi, công bố). Phân quyền, phân trách nhiệm được thực hiện ở ba cấp độ: Trung ương (Bộ GD&ĐT) - địa phương (UBND tỉnh/thành) - các trường THPT (và tương đương).

Tránh tình trạng học theo kiểu ứng thí “thông báo thi tốt nghiệp môn gì học sinh chỉ học môn nấy’’ dẫn đến học tủ, học lệch. Chuyển từ “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy” (không bỏ môn, không hạn chế nội dung). Nhờ đó, việc đánh giá sẽ tác động tích cực hơn nữa vào chất lượng giáo dục.

Bảo đảm công bằng: Có các giải pháp kỹ thuật chuẩn hóa và bảo đảm về độ tương đương của các đề thi khi có sự phân cấp cho địa phương tổ chức. Các bài thi trắc nghiệm sẽ có điểm liệt tương đương với xác suất đoán mò.

Thuận lợi, linh hoạt: Địa điểm thi được tổ chức thuận lợi cho thí sinh khi tham gia. Từng bước theo lộ trình phát triển các trung tâm đánh giá, khảo thí độc lập và áp dụng các hình thức khảo thí hiện đại khi điều kiện cho phép.

Kết quả tin cậy để trường ĐH có thể sử dụng để xét tuyển

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết: Hiện nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất “2 trong 1”: Đánh giá kết quả của quá trình học tập trong 12 năm học phổ thông; là căn cứ cho các trường ĐH lựa chọn các ứng viên có khả năng theo học các chương trình đào tạo cho các ngành nghề sau này.

Như trên đã nói, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nếu theo các nguyên tắc trên sẽ phù hợp với nhiều tổ hợp lựa chọn của thí sinh và được thiết kế nội dung bằng hệ thông ngân hàng với kiểu câu hỏi đa dạng gắn kết với quá trình tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sau này. Kết quả của kỳ thi và quá trình học tập các môn học lựa chọn được thể hiện trong học bạ được tích hợp trong việc đánh giá cuối cùng.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

“Cần phải tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT công bằng, minh bạch và có chất lượng để các trường ĐH có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Đối với một số trường cần phải có những năng lực, kỹ năng, thái độ đặc biệt, thì có thể tổ chức các phần đánh giá, không nhất thiết phải là một kỳ thi riêng. Tuy nhiên cần xây dựng tiêu chí cho các tổ hợp xét tuyển phù hợp với năng lực được yêu cầu trong các nhóm ngành nghề tránh tình trạng “ma trận’’ trong tổ hợp xét tuyển như hiện nay”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nêu quan điểm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Trả lời câu hỏi “Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, việc ứng dụng CNTT cần được tăng cường ra sao để đáp ứng được yêu cầu, xu thế, đặc biệt khi ChatGPT đang có ảnh hưởng vô cùng lớn như hiện nay?”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng: Ứng dụng CNTT và AI trong công tác khảo thí, hình thành được hệ thống ngân hàng đề thi và các trung tâm khảo thí độc lập phục vụ nhiều mục đích gồm đánh giá, thi tốt nghiệp THPT, thi và xét tuyển vào ĐH, CĐ…

Chúng ta có thể ứng dụng CNTT trong toàn bộ quá trình tổ chức kỳ thi: Trong công tác ra đề (ra đề và đánh giá đề, trộn đề, quản lý ngân hàng đề, nhận dạng và chấm bài thi, hỗ trợ đánh số và ráp phách bài tự luận); tổ chức thi (xếp lịch và phòng thi, lên danh sách thí sinh, cán bộ, quản lý và in danh sách, hệ thống biên bản…); quản lý kết quả thi (lưu trữ, nhập và xử lý điểm, trao đổi dữ liệu, tìm kiếm tra cứu kết quả); phúc khảo bài thi (đăng ký, quản lý việc rút bài, giao nhận bài, xử lý điểm và cập nhật kết quả…).

Đồng thời, ứng dụng AI và xử lý dữ liệu lớn từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây để xây dựng hệ thống câu hỏi theo đánh giá thích ứng (adaptive testing); thiết kế AI chatbot hướng dẫn thủ tục, đăng ký thi cho thí sinh cũng như các phần mềm cá nhân hóa lộ trình học và theo dõi tiến độ học tập của thí sinh.

Đi kèm với việc này, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, cần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về ứng dụng CNTT trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Xây dựng các quy định, chế tài phù hợp trong công tác khảo thí để thích ứng với sự xuất hiện các công nghệ AI trong giáo dục như ChatGPT.

Việc chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của cuộc sống, trong đó có giáo dục. Ứng dụng CNTT vào kiểm tra, đánh giá nói chung và trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều tất yếu. Chúng ta có thể ứng dụng CNTT ở các khâu của quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT, từ việc thiết kế nội dung và hình thức đề thi, tổ chức thi trên máy, đến chấm và lưu trữ đề thi. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT cũng nên áp dụng có lộ trình và cấp độ phù hợp theo điều kiện của địa phương. - GS.TS Nguyễn Quý Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.