Thi trắc nghiệm môn Toán: Đánh giá năng lực người học

GD&TĐ - Trong khi một số ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét việc áp dụng thi trắc nghiệm, nhất là với môn Toán, nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường phổ thông lại cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán là phù hợp với Kỳ thi THPT quốc gia.

Phương pháp thi trắc nghiệm đã được thực hiện khoa học và đạt mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia
Phương pháp thi trắc nghiệm đã được thực hiện khoa học và đạt mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia

Giúp kiểm tra kiến thức trên diện rộng

Ông Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) – cho rằng: Với mục tiêu đánh giá tốt nghiệp THPT, việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong Kỳ thi THPT quốc gia là hợp lý, bởi những lý do như sau: Kỳ thi THPT quốc gia yêu cầu kiến thức tối thiểu cần đạt với học sinh sau lớp 12; hình thức thi trắc nghiệm giúp kiểm tra được kiến thức trên diện rộng; học sinh không học tủ, học vẹt và mức độ câu trắc nghiệm không đến mức quá khó nên phù hợp để kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh. Bên cạnh đó, thi trắc nghiệm cũng giúp công tác chấm thi nhanh chóng, không bị tác động tiêu cực bởi con người.

Cũng theo ông Hà Xuân Nhâm, việc chọn hình thức thi, kiểm tra, đánh giá luôn có tác động ngược lại đến cách dạy, cách học. Để bù lấp được khoảng thiếu hụt có thể có, trong quá trình giảng dạy, thầy cô cần có kế hoạch bù lấp lại bằng cách kiểm tra đánh giá hàng ngày qua bài thi tự luận; đa dạng hóa hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục giúp học sinh có khả năng tư duy sâu với môn Toán.

 Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng vẫn là chất lượng câu hỏi đề thi trắc nghiệm. Tôi cũng đề nghị có thể tăng thời gian thi môn Toán từ 90 phút lên 120 phút cho 50 câu hỏi. Bên cạnh đó, hình thức câu hỏi có thể thêm cả trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn và trắc nghiệm điền khuyết. 
Phó Hiệu trưởng Đào Mạnh Thắng

Ông Đào Mạnh Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) – nhận định, việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán trong Kỳ thi THPT quốc gia đã đi vào ổn định, thầy cô và học trò cũng đã quen với hình thức thi này. Từ phổ điểm Kỳ thi THPT quốc gia của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, có thể thấy đề thi đánh giá đúng năng lực của học sinh nhà trường.

Cũng từ thực tế cơ sở, ông Đào Mạnh Thắng cho biết, đề thi theo hình thức tự luận với số câu hỏi ít (khoảng 7 câu hỏi) nên không bao quát được hết kiến thức. Nhưng đề trắc nghiệm số câu hỏi rộng và là từng vấn đề nhỏ nên thầy cô khai thác được sâu, có những ý hay về lý thuyết và kỹ năng làm bài.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực HS

PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) khẳng định hình thức thi trắc nghiệm khách quan là hoàn toàn phù hợp với Kỳ thi THPT quốc gia, với điều kiện các câu hỏi, đề thi được thiết kế chuẩn hóa. Và trên thực tế, chúng ta đã có ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm; các câu hỏi đó đều đã được thử nghiệm - theo công bố của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, Bộ đã khẳng định, sau khi thi, tất cả câu hỏi thi môn Toán, cũng như các môn trắc nghiệm khác đều được phân tích, đánh giá dựa trên mô hình toán học về xác suất thống kê của nhà toán học RASCH.

Liên quan đến việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia môn Toán để tuyển sinh đại học, đây hoàn toàn là quyền tự chủ của các trường. “Với những ngành chuyên về Toán, các trường có thể chọn học sinh có điểm thi Toán, điểm học bạ môn Toán cao; hoặc có thể ra đề thi riêng để chọn… Đó là quyền tự chủ đã được ghi trong luật” – PGS Nguyễn Phương Nga nêu quan điểm.

“Kỳ thi THPT quốc gia không phải là kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán. Đây là thi đại trà chung cho cả nước, nhằm khẳng định học sinh tốt nghiệp THPT đáp ứng chuẩn đầu ra môn Toán. Bài thi trắc nghiệm môn Toán cũng không phải học sinh có thể đoán mò mà làm được; học sinh phải nhẩm, phải giải nháp trước để có kết quả chọn đáp án đúng. Nếu ai đó cho rằng, đề thi trắc nghiệm là không phù hợp với Kỳ TPHT quốc gia thì cần có cơ sở khoa học, chứng minh bằng cơ sở khoa học” 
                                                                PGS Nguyễn Phương Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ