Bám sát định hướng đánh giá năng lực người học

GD&TĐ - Nhận xét về đề minh họa thi THPT quốc gia 2018, giáo viên giảng dạy môn Toán, Lý, Hóa đều cho rằng, đề thi bám sát chương trình, sách giáo khoa, các yêu cầu của đề bài khá rõ nghĩa. 

 Bám sát định hướng đánh giá năng lực người học

Nội dung kiến thức không chỉ nằm trong chương trình lớp 12 như năm trước, mà có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11. Đề minh họa có sự sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức, bám sát định hướng đánh giá năng lực người học và phù hợp với tinh thần đổi mới hoạt động dạy và học hiện nay.

Đề Vật lý nên bổ sung nội dung tích hợp

Đánh giá về đề thi minh họa môn Vật lý THPT quốc gia 2018 (bài thi Khoa học tự nhiên), thầy Nguyễn Quốc Huy, khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Đề thi có sự phân hóa khá tốt, 20 câu đầu khá dễ, 20 câu còn lại có mức độ không quá khó. Tuy nhiên, đòi hỏi thí sinh phải học tốt mới có thể làm hết bài.

Các câu lí thuyết đa phần là các câu hỏi dễ, học sinh chỉ cần nhớ kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được và phần lớn các câu hỏi lí thuyết đều ở mức độ dễ, tạo điều kiện cho học sinh trung bình “kiếm điểm”. Đề minh họa bám sát chương sách giáo khoa, các yêu cầu của đề bài khá rõ nghĩa. Phần kiến thức lớp 11 ở mức độ cơ bản.

Theo thầy Huy, đề thi không quá dài, thí sinh hoàn toàn có thể làm trong khoảng thời gian 50 phút và đảm bảo yêu cầu của Bộ GD&ĐT đó là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Những câu khó vẫn tập trung vào các kiến thức về dao động điều hòa, sóng cơ và điện xoay chiều. Các câu khó là những câu có đồ thị, hình vẽ. Từ đồ thị, các thí sinh đọc ra các thông số rồi mới lập phương trình để giải.

Nhìn một cách tổng thể, đề thi đánh giá được tương đối đầy đủ năng lực học sinh. Đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh, kể cả phần cho học sinh giỏi. Tuy nhiên đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà phải tư duy cao để có thể vận dụng kiến thức đã học vào trong bài làm của mình. Mặt khác, yêu cầu học sinh phải có kĩ năng giải toán.

Dễ dàng nhận thấy đề thi phân loại học sinh rõ nét, đúng với mục đích của Bộ GD&ĐT vừa xét học sinh tốt nghiệp, vừa xét học sinh vào ĐH. Các câu khó mang tính chất phân loại để xét đại học nằm ở 20 câu cuối . Trong phần này cũng có nhiều câu học sinh học lực khá cũng dễ dàng làm được (như câu 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 31, 32, 33, 36, 39 và 40). Có khoảng 5 câu tương đối khó chủ yếu vẫn là điện xoay chiều (như câu 30, 34, 35, 37, 38).

Theo thầy Huy, để xây dựng đề phù hợp với kiến thức của học sinh cho Kỳ thi THPT quốc gia, đề thi nên bổ sung nội dung tích hợp và tính thực tế để đề thi gần gũi với cuộc sống. Bổ sung một số câu hỏi mang tính thực tiễn cao yêu cầu học sinh không những phải nắm rõ lí thuyết mà phải chắc cả thực hành.

Đề Hóa học: Học sinh phải biết tư duy tổng hợp

Nhận xét đề thi tham khảo môn Hóa học (bài thi Khoa học tự nhiên), cô giáo Ngô Nhật Tri - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết, đề tham khảo lần này khá rõ ràng về mức độ phân hoá - biết: 12 câu - hiểu: 8 câu - vận dụng 12 câu - vận dụng cao: 8 câu

Trong 8 câu vận dụng cao (phần 8 câu cuối) có 3 câu rất dài và khó. Mục đích của đề là muốn học sinh hiểu rõ sự phân hoá. Kiến thức vẫn trọng tâm vẫn nằm ở kiến thức lớp 12. Kiến thức lớp 11 chỉ có 10 câu. Với đề này, học sinh chăm chỉ có thể đạt 8 điểm. Nếu đạt trên 8 điểm đòi hỏi ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh phải biết tư duy tổng hợp và mở rộng kiến thức.

Từ yêu cầu đề, học sinh tập trung vào ôn luyện kiến thức cơ bản lớp 11 và học tư duy nhanh kiến thức lớp 12. Kiến thức lớp 11 chỉ nằm ở biết và hiểu nhưng kiến thức lớp 12 nếu chỉ học mà không có tổng hợp thì khó đạt điểm 7.

Muốn đạt điểm 9 - 10 điểm, các em cần nắm vững các phương pháp và kỹ thuật giải toán quan trọng (quy đổi, xử lý bài toán đốt cháy, kỹ năng biện luận, đồng đẳng hóa…), cũng như vận dụng linh hoạt các kiến thức Hóa học trong giải quyết tình huống.

Đề Toán: Nên đưa các câu hỏi mang tính thực tiễn vào đề thi

Nhận xét về đề thi môn tham khảo Toán, cô giáo Lê Bích Phượng, giảng viên Trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội cho biết, so với đề thi THPT quốc gia 2017, đề thi tham khảo 2018 có độ khó hơn hẳn. Đặc biệt, mỗi nội dung kiến thức đều được hỏi ở các mức độ từ dễ đến khó.

Đề thi bám sát chương trình, hỏi các nội dung cơ bản. Học sinh nắm vững kiến thức có thể đạt điểm 8 trở lên. Đề thi vẫn khá dễ, 40 câu hỏi ở mức độ bình thường10 câu sau có sự nâng cao. Để có thể làm tốt đề thi năm nay, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức cả lớp 11 và 12.

Các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao rơi vào khoảng 8 - 10 câu hỏi cuối (câu 42 - 50). Các câu hỏi này thường rơi vào các chuyên đề Hình học không gian, hình Oxyz và đặc biệt là câu Tích phân (câu 50). Đặc biệt với phần kiến thức lớp 11, câu 49 thuộc chuyên đề xác suất cũng là một câu hỏi khó đối với thí sinh.

So độ khó của đề tham khảo 2018 với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề tham khảo năm nay khó hơn rất nhiều, yêu cầu tính toán nhiều hơn. Tuy nhiên, đề thi vẫn khá cơ bản, khả năng phân loại học sinh khá và giỏi chưa cao. Đề thi chưa có nhiều sự mới mẻ để kích thích sự sáng tạo của học sinh. Cô Phượng cho rằng, đề thi môn Toán cần đề cao khả năng suy luận logic. Nên đưa các câu hỏi mang tính thực tiễn nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.