Giám đốc tri thức Phil Baty của THE cho biết đã có sự thay đổi thực sự về cán cân quyền lực trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Sự thống trị dường như đang dần tách khỏi thế giới phương Tây. Ông cho rằng, đây là một tin tốt cho thế giới.
Theo ông Baty, trong khi Mỹ và Anh vẫn chiếm ưu thế về số lượng các trường đại học ở đầu bảng xếp hạng, sức mạnh tương đối của họ đang suy yếu. Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới nhìn chung đã phủ rộng hơn nhiều, hiện nay bao gồm 104 quốc gia và khu vực, so với 70 quốc gia năm 2016.
“Chúng tôi cũng đang chứng kiến sự phân bố các trường đại học rộng hơn trong sáng tạo và đổi mới cũng như bình đẳng hơn về hợp tác quốc tế. Đây sẽ là một tin tuyệt vời khi các trường đại học dẫn đầu về những ý tưởng mới và những đột phá cần thiết để giải quyết một số thách thức chung lớn nhất của thế giới, như biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai”, ông Baty nói.
Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của THE (có trụ sở tại Anh) dựa trên phân tích 15,5 triệu ấn phẩm nghiên cứu và 121 triệu trích dẫn cho các ấn phẩm đó. Ngoài ra còn có hơn 40.000 câu trả lời cho một cuộc khảo sát uy tín học thuật hàng năm và hàng trăm nghìn điểm dữ liệu bổ sung về môi trường giảng dạy triển vọng quốc tế và liên kết ngành của trường đại học.
“Thời của châu Phi”?
Một số lượng kỷ lục các trường đại học châu Phi được đại diện trong bảng xếp hạng khi châu lục này tiến bộ đáng kể. Châu Phi có 97 trường đại học trong bảng xếp hạng năm 2023, tăng từ 71 trường; và 5 quốc gia châu Phi lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng làMauritius, Mozambique, Namibia, Zambia và Zimbabwe.
Trường xếp hạng hàng đầu của Nam Phi là Đại học Cape Town, đã tăng 23 bậc lên vị trí thứ 160. Nigeria đã tăng gấp đôi số trường đại học được xếp hạng từ 6 lên 12 và Đại học Lagos của Nigeria đã leo lên top 500 thế giới.
Sự cải thiện lớn nhất về thứ hạng đến từ Nigeria, quốc gia này đã tăng gấp đôi số trường đại học được xếp hạng - lên 12 trường.
Ông Baty nói rằng, dữ liệu cho thấy thời của châu Phi đang đến, các trường đại học của họ ngày càng nổi bật trên thế giới và ngày càng cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Điều này có thể thực sự giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám từ châu Phi và giúp đảm bảo các hợp tác nghiên cứu quốc tế được đặt trên cơ sở bình đẳng hơn nhiều.
Đại học King Abdulaziz là trường đại học được xếp hạng hàng đầu của Ả-rập Xê-út. Ảnh: IT |
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ?
Hai vị trí hàng đầu do các trường đại học châu Á nắm giữ thuộc về Trung Quốc: Đại học Thanh Hoa (thứ 16) và Đại học Bắc Kinh (thứ 17). Trong khi Trung Quốc đại lục có 7 trường đại học lọt vào top 100 thì Hồng Kông có 5 trường.
Theo ông Baty, sự trỗi dậy và vươn lên của Trung Quốc đại lục trong bảng xếp hạng toàn cầu trong những năm gần đây dường như không có giới hạn. Nguyên nhân là do Trung Quốc có một định hướng chính sách rõ ràng, bền vững và táo bạo, với các sáng kiến xuất sắc liên tiếp từ những năm 1990. Nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, Trung Quốc đại lục sẽ vượt Mỹ trong những năm tới.
Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia có số đại diện nhiều thứ sáu trong bảng xếp hạng năm 2023 với 75 trường, tăng từ 56 trường vào năm 2020 và hơn gấp đôi so với năm 2017. Theo ông Baty, các nhà chính sách Ấn Độ đã đảm bảo để các trường đại học của mình có sự cạnh tranh, hợp tác và sánh cùng các trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Singapore có hai trường đại học trong bảng xếp hạng thế giới. Cả hai đều được xếp hạng trong top 50: Đại học Quốc gia Singapore đứng thứ 19 và Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đứng thứ 36, tăng từ thứ 46.
Châu Âu – những kết quả trái chiều
Vương quốc Anh là quốc gia có nhiều đại diện thứ hai trong top 200 trường của thế giới với 28 trường và Đức đứng thứ ba với 22 trường đại học.
Tuy nhiên, châu Âu đang phải đối mặt với những kết quả trái chiều. Các trường đại học hàng đầu ở Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Ireland đều mất điểm. Italy tự hào có trường mới với thành tích tốt nhất trong bảng xếp hạng là Đại học Nhân văn. Pháp, Thụy Sĩ và Đức đều có các trường đại học lọt vào top 100 thế giới.
Trong khi đó, Trung và Đông Âu giành được vị trí khi Hungary và Estonia lọt vào top 250 thế giới. Ba Lan tiến bộ hơn với 9 trường mới có mặt trong bảng xếp hạng.
Theo ông Baty, châu Âu tất nhiên là nơi phát triển mạnh về giáo dục đại học và nghiên cứu đẳng cấp thế giới, nhưng sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực trong nền kinh tế tri thức đã diễn ra. Trong bảng xếp hạng, các trường đại học châu Á hiện nhiều hơn so với châu Âu.
Hoa Kỳ không thể chủ quan
Hoa Kỳ tiếp tục thống trị bảng xếp hạng đại học thế giới về số lượng đại diện. Nước này có 58 trường đại học trong 200 trường hàng đầu thế giới và 177 trường đại học trong toàn bộ bảng xếp hạng. Điều này làm cho họ trở thành quốc gia có nhiều đại diện nhất.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng phải chịu một số thất bại. Họ có bảy trường đại học trong top 10 thế giới, giảm so với tám trường năm ngoái và đại diện của họ trong top 100 thế giới tiếp tục giảm, từ đỉnh 43 năm 2018 xuống còn 34 hiện nay.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận giáo dục đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ rất không đồng đều. Một số lượng lớn các bang ở trung tâm đất nước không có một trường đại học nào lọt vào top 100 và hiệu quả hoạt động của các trường đại học Hoa Kỳ rất khác nhau.
Ông Baty cho biết, Hoa Kỳ không thể chủ quan với sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của mình đối với giáo dục đại học và nghiên cứu trên thế giới và Trung Quốc đang là thách thức hàng đầu của họ.
Trong khoảng 170 trường đại học được xếp hạng lần đầu tiên có 74 từ châu Á, 53 từ châu Âu, 25 từ châu Phi, 17 từ Nam Mỹ và 8 từ Bắc Mỹ.
Châu Á là lục địa có nhiều đại diện nhất trong bảng xếp hạng, với 669 trường đại học, so với 639 của châu Âu và 234 ở Bắc Mỹ. Năm 2018, 38,4% của tất cả các trường đại học được xếp hạng là đến từ châu Âu, hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống 35,5%.