Giáo viên vẫn chủ yếu thuyết trình
Cô Đào Thị Minh (giáo viên Trường THPT Cao Bá Quát - Hà Nội) đã có một điều tra nhỏ về tình hình giảng dạy của giáo viên thông qua phản hồi của 150 học sinh.
Theo điều tra này, có 100/150 học sinh được điều tra cho rằng giáo viên giảng dạy sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu, ít vận dụng thực tiễn, thậm chí vẫn còn tình trạng đọc cho học sinh chép.
30/150 học sinh nhận xét giáo viên chưa sử dụng phương tiện dạy học hiện đại làm cho giờ học khô khan, kém hấp dẫn, sinh động và không hiệu quả.
Do vậy, khi đo độ hứng thú, chỉ có 40/150 học sinh cho biết hứng thú nghe giảng; 90/150 học sinh chọn mức độ bình thường và 20/150 học sinh được hỏi lựa chọn mức độ không.
Nhiều học sinh có ý kiến rằng, giáo viên nên đổi mới phương pháp dạy học, cần cho học sinh tham gia vào bài giảng nhiều hơn trong quá trình giảng dạy.
Giáo viên cần có cách giảng dạy dễ hiểu, không khô khan, nên liên hệ thực tiễn nhiều hơn, lấy ví dụ hấp dẫn về các danh nhân, tình hình kinh tế chính trị, xã hội Việt Nam và thế giới.
Cũng về môn học Giáo dục công dân, cô Đào Thị Minh đã lấy ý kiến của 12 giáo viên giảng dạy trong tổ bộ môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Giáo dục công dân.
Kết quả, các giáo viên đều nhiệt tình, yêu nghề, có nhiều cố gắng trong dạy học bộ môn, có kết hợp các phương pháp dạy học nhằm đạt kết quả dạy học cao. Nhưng do đặc thù của môn học nên chủ yếu vẫn chưa sử dụng nhóm phương pháp dùng lời nói: Thuyết trình kết hợp đàm thoại.
Việc cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn hạn chế mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Khắc phục bằng công nghệ thông tin
Ưu điểm nổi bật của phương pháp dạy học bằng công nghệ thông tin so với các phương pháp dạy học truyền thống là những thí nghiệm, tài liệu được cung cấp bằng nhiều kênh: Kênh hình, kênh chữ, âm thanh sống động làm cho học sinh dễ thấy, dễ tiếp thu và bằng suy luận có lý, học sinh có thể có những dự đoán về các tính chất, những quy luật mới.
Với những lợi thế đó, cô Đào Thị Minh cho rằng, kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Giáo dục công dân sẽ giúp cho học sinh có khả năng tư duy về môn học, có điểm tựa để hiểu sâu sắc những khái niệm trừu tượng của môn học.
Bởi đây là môn học mang tính lý luận, khái quát và trừu tượng hóa cao. Tính logic của vấn đề do phương pháp thuyết trình đem lại, phải có các yếu tố minh họa, mô phỏng của Công nghệ thông tin hỗ trợ sẽ đem lại hiệu quả cao.
Mặt khác, sử dụng công nghệ thông tin trong thuyết trình bài giảng Giáo dục công dân còn giúp giáo viên có những thuận lợi cơ bản để trình bày bài giảng tinh giản nhưng vẫn đảm bảo nội dung đầy đủ, sâu sắc và sinh động, điểu khiển quá trình nhận thức của học sinh có hiệu quả.
Đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh được chính xác và đầy đủ hơn, giúp giáo viên tổ chức điều khiển quá trình học tập của học sinh một cách chủ động, tích cực, đáp ứng nhu cầu và hứng thú học tập của người học...
"Mục tiêu cuối cùng của viêc ứng dụng công nghệ thông tin trong thuyết trình bài giảng Giáo dục công dân là nâng cao một bước cơ bản chất lượng học tập của học sinh, tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao chứ không đơn thuần chỉ là “thầy đọc trò chép” như kiểu truyền thống.
Học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện để chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lí, quá trình học tập tự rèn luyện của bản thân mình" - cô Minh nhận định.